Cận cảnh dự án FDI tỷ USD - khu đô thị Ciputra Hà Nội
Thứ Ba, 01/10/2024 - 11:30
Là dự án bất động sản FDI có số vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,11 tỷ USD, diện tích hơn 300ha, nhưng sau hơn 20 năm triển khai, đến nay, khu đô thị Ciputra Hà Nội vẫn còn nhiều diện tích đất bỏ trống, nhiều khu vực vẫn đang thi công ngổn ngang.
Khu đô thị mới Nam Thăng Long (Ciputra Hanoi International City) được đầu tư bởi Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long, một liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Đô thị Việt Nam (UDIC) và Tập đoàn Ciputra (Indonesia).
Dự án nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội. Ở thời điểm năm 2007, đây là dự án bất động sản đầu tư nước ngoài có quy mô lớn nhất Việt Nam, với số vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,11 tỷ USD, tổng diện tích hơn 300ha và được chia làm 3 giai đoạn.
Theo quy hoạch, khu đô thị mới Nam Thăng Long là một tổ hợp nhiều dự án thành phần, trong đó bao gồm nhiều công trình dự kiến được xây dựng trên địa phận các phường Xuân Đỉnh, Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm) và các phường Phú Thượng, Xuân La (quận Tây Hồ).
Khu đô thị mới Nam Thăng Long bắt đầu khởi công từ năm 2002, dự kiến hoàn thành vào năm 2010, nhưng dự án chưa thể hoàn thành và có nhiều lần điều chỉnh quy hoạch. Đến 5 năm trở lại đây, rất nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu rầm rộ xây dựng tại khu vực này với những cái tên đáng chú ý như Sunshine Group, Tập đoàn Daewoo E&C, Taseco và Hancorp... đặc biệt hiện khu vực còn xuất hiện những cái tên đến từ phía Nam như Thaco, Kusto Home và Kita Group...
Hiện nay, khu đô thị Nam Thăng Long mới được triển khai xong giai đoạn 1, còn một phần rất lớn diện tích giai đoạn 2 và 3 chưa được triển khai. Không ít hạng mục dang dở, chậm tiến độ hàng chục năm đang làm xấu đi hình ảnh về một khu đô thị kiểu mẫu.
Nhiều diện tích bên trong khu đô thị vẫn chưa được xây dựng, cỏ cây um tùm. Nằm lọt thỏm giữa các khu đất là một trong số ít những khu biệt thự hoàn thiện sớm tại Ciputra, cư dân đã về sinh sống từ nhiều năm trước.
Mặc dù có nhiều dự án dang dở nhưng những dự án mới cũng đang được tiếp tục xây dựng tại khu đô thị mới này, trong đó có dự án khu phức hợp Kita Capital của Kita Group, thuộc giai đoạn III của Khu đô thị Nam Thăng Long.
Khu vực này trước đó thuộc dự án của Vimedimex Group, được Kita Group và các pháp nhân liên hệ mua lại từ năm 2021, sau khi cựu Chủ tịch Vimedimex Nguyễn Thị Loan bị khởi tố.
Theo ghi nhận của Reatimes, hiện nay có nhiều căn nhà thấp tầng đã được xây dựng xong phần thô, nhưng chưa có người ở. Bên cạnh đó còn nhiều lô đất khác vẫn đang trong tình trạng bỏ hoang, quây tôn.
Các căn biệt thự cao cấp được thiết kế mang phong cách châu Âu tại dự án của Kita Group.
Ngay gần đó là dãy biệt thự khác đã xây xong phần thô, hiện cũng chưa có người ở.
Bỏ không lâu ngày, bên trong khuôn viên các căn biệt thự này đã ngập đầy cây, cỏ dại.
Tại thời điểm phóng viên ghi nhận, tầng bán hầm của các căn biệt thự này hầu như đều ngập nước.
Một dự án nhà ở thấp tầng khác có tên Noble Capital Tây Hồ đang được xây dựng trong khu đô thị Ciputra.
Có vị trí đắc địa tại khu đô thị Ciputra, dự án Sunshine Empire do Sunshine Group đầu tư xây dựng cũng đang thi công. Thực tế cho thấy, trong quá trình triển khai, dự án Khu đô thị mới Nam Thăng Long đã nhiều lần được Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch.
Trong cuộc họp HĐND TP. Hà Nội tháng 7 vừa qua, UBND TP. Hà Nội đã bị chất vấn về việc chậm trả lời văn bản của Bộ KH-ĐT gửi từ tháng 11/2022 để xin ý kiến về điều chỉnh hồ sơ dự án khu đô thị Ciputra, dù liên tục có văn bản đôn đốc. Về việc này, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Lê Anh Quân từng cho biết, nguyên nhân khách quan là do khu đô thị Ciputra là khu đô thị lớn, quá trình đầu tư đã trải qua thời gian rất dài, bị thanh tra, kiểm toán nhiều lần và "có nhiều phức tạp ở trong này".
Chủ đề bạn có thể quan tâm