Aa

Cần cắt bỏ 3/4 các điều kiện kinh doanh để "giữ lửa" cải cách"

Thứ Bảy, 29/02/2020 - 06:30

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, thời gian tới Chính phủ cần mạnh tay cắt tối thiểu 3/4 điều kiện kinh doanh để "giữ lửa cải cách".

Sáng 27/2, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo "Chất lượng điều kiện kinh doanh: Vấn đề và kiến nghị" nhằm đánh giá lại những kết quả các bộ ngành đã đạt được trong cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian vừa qua, cùng với đó đưa ra kiến nghị cho thấy dư địa cải cách để tiếp tục cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Giữ ngọn lửa cải cách

Tham dự hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM - người đã có nghiên cứu nhiều năm và đóng góp nhiều ý kiến về cắt giảm điều kiện kinh doanh cho biết, hành trình bãi bỏ, đơn giản hoá ngành nghề kinh doanh luôn nhận được sự quan tâm lớn từ phía cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ.

Trong 20 năm vừa qua, cắt giảm điều kiện kinh doanh đã đạt được một số thành tựu. Tuy nhiên, muốn giữ được những thành tựu này đỏi hỏi phải luôn giữ được ngọn lửa cải cách, giữ lò luôn nóng, không bỏ cuộc và đòi hỏi cắt bỏ các điều kiện kinh doanh mạnh tay hơn nữa.

Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Ông Cung cho biết, điều kiện kinh doanh có 2 mặt: một là công cụ để nhà nước quản lý những ngành nghề kinh doanh cần có điều kiện; mặt thứ 2 là ngăn chặn sự xuất hiện, tiếp cận cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, làm thị trường ít cạnh tranh hơn. Như vậy là có sự đối nghịch giữa 2 mục tiêu đối kháng. Bãi bỏ điều kiện kinh doanh sẽ giúp đẩy môi trường kinh doanh phát triển.

Cho đến thời điểm hiện tại, qua 3 lần cắt giảm điều kiện kinh doanh, hiện danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn khoảng 243 ngành nghề. Theo ông Cung, tiến tới được điều này đã là một thành tựu khi hạn chế được thẩm quyền ban hành các quy định về kinh doanh có điều kiện ở các bộ như trước đây và đến nay chỉ Chính phủ mới được ban hành các quy định về điều kiện kinh doanh.

Cùng với đó, trong danh mục kinh doanh có điều kiện đã xác định được tốt hơn ngành nghề có điều kiện. Tuy nhiên, cùng với đó, ông Cung cho rằng vẫn còn nhiều tình trạng kiểu "số gạch đầu dòng thì ngắn lại nhưng bản chất nội dung lại dài ra hoặc vẫn thế. Ví dụ như kinh doanh vàng bị liệt vào kinh doanh có điều kiện thì hàng loạt các ngành nghề kinh doanh gắn với vàng đều nằm trong phạm vi điều chỉnh".

Vì thế, theo ông Cung, "cần phải có một cách tiếp cận mới và trúng hơn với cắt giảm điều kiện kinh doanh đó là phải "cắt bỏ ít nhất 3/4 điều kiện kinh doanh hoặc 50% điều kiện kinh doanh" chứ không nên để khái niệm theo kiểu "cắt giảm, đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh" như hiện nay. Bởi thực tế, thế nào là "giảm", thế nào "đơn giản hoá" còn chưa tường minh nên mục tiêu đặt ra sẽ trở nên mờ nhạt.

Diễn giải về đề xuất nêu trên, ông Cung cho biết, có 3 căn cứ chính: Một là không có căn cứ khoa học nào để đưa ra các điều kiện kinh doanh như hiện nay, hoàn toàn là cảm tính; thứ 2 là điều kiện kinh doanh hiện nay không đạt được mục tiêu đề ra, không có ý nghĩa thực tiễn trong quản lý nhà nước; thứ 3 là áp dụng theo thông lệ tốt của quốc tế.

Cùng với đó, ông Cung cho biết, nếu không mạnh tay cắt bỏ những điều kiện kinh doanh như hiện nay thì hệ tư duy quản lý nhà nước sẽ vẫn tiếp diễn như cũ. Chỉ khi cắt bỏ các điều kiện kinh doanh đó đi, mà không cắt chức năng quản lý sẽ thúc đẩy bộ máy hành chính hiện nay phải tìm kiếm ra công cụ khác, một hệ tư duy mới để quản lý doanh nghiệp.

Cùng với đó, theo ông Cung cho rằng chúng ta nên nhân thời điểm này, để chuyển nhanh sang Chính phủ điện tử, Chính phủ số bắt nhịp vào với thời đại công nghệ 4.0 với cách quản lý đơn giản hơn và có thể giám sát từ xa.

Quản lý điều kiện kinh doanh nên chuyển sang "hậu kiểm"

Trình bày báo cáo kết quả cải cách điều kiện kinh doanh và kiến nghị thời gian tới của CIEM, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cho biết, từ năm 2017 đến 2019 Chính phủ đã có tới gần 40 văn bản chỉ đảo về nội dung cải cách, trong đó có tới 30 văn bản liên quan trực tiếp tới cắt giảm điều kiện kinh doanh. "Điều này cho thấy Chính phủ rất quan tâm tới cải cách điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây", bà Thảo nói.

Tuy nhiên, đánh giá về kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt được thời gian qua, bà Thảo cho rằng, chưa đạt được như kỳ vọng và chưa đạt được như kết quả các bộ ngành đã báo cáo lên Chính phủ là đã cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM

Bà Thảo nêu ví dụ: Trong danh mục 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn tồn tại hiện nay có ngành nghề là đơn lẻ nhưng cũng có ngành nghề chứa nhiều ngành nghề bên trong. Không những thế một ngành nghề do 10 bộ ngành quản lý thì có 10 bộ tiêu chí khác nhau mà doanh nghiệp phải vượt qua. "Như vậy thực chất không chỉ có 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện mà nhiều hơn thế. Nói cắt vài ngành nghề đơn lẻ, nhưng lại thêm một ngành nghề bao quát thì con số cắt giảm rõ ràng không có ý nghĩa và không thực chất", bà Thảo nói.

Trong dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đang đề xuất bãi bỏ 12 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sửa đổi 19 ngành nghề nhưng lại bổ sung thêm 6 ngành nghề vào danh mục. Theo CIEM đánh giá, báo cáo của các bộ ngành đã cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, nhưng con số cắt giảm thực chất chỉ khoảng 30% và có những quy định cắt giảm không giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp.

Đánh giá về chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh thời gian vừa qua, bà Thảo cho rằng chủ yếu là đơn giản hoá hơn là cắt bỏ điều kiện kinh doanh, dẫn tới tình trạng một số sửa đổi chỉ mang tính hình thức. Ví dụ như có những quy định giảm từ 2 nhân viên kiểm định xuống còn một hay từ quy định yêu cầu 5,5m2 - 7,5m2 xuống chỉ còn 5,5m2. "Về bản chất là quy định không thay đổi nhưng vẫn được liệt vào cắt giảm điều kiện kinh doanh", bà Thảo nói.

Thực chất, có tình trạng bộ ngành cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng không tạo thuận lợi rõ ràng cho doanh nghiệp, không phải là những điều kiện kinh doanh đang là rào cản của doanh nghiệp. Cùng với đó, vẫn còn những điều kiện kinh doanh không cần thiết, mang tính câu chữ.

Cùng với đó, theo rà soát của CIEM, vẫn còn tình trạng giấy phép nằm trong giấy phép, điều kiện chồng điều kiện trong điều kiện kinh doanh hiện nay. Vì thế, dù đầu mục chỉ có 243 điều kiện kinh doanh nhưng thực tế có nhiều điều kiện kinh doanh hơn thế.

CIEM đề xuất, cần có những báo cáo, nghiên cứu cụ thể về việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đã tác động như thế nào tới doanh nghiệp. Các bộ ngành cần có những báo cáo để cho biết thực chất việc cắt giảm điều kiện kinh doanh như vậy đã tác động thế nào tới doanh nghiệp.

Đề xuất về những dư địa để cải cách điều kiện kinh doanh trong thời gian tới, bà Thảo cho rằng cần có thay đổi trong cách thức quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh sang hậu kiểm. Theo đó, doanh nghiệp được chủ động thực hiện các hoạt động kinh doanh khi đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh. Doanh nghiệp chỉ cần thông báo không cần phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước; tự chịu trách nhiệm về việc đáp ứng yêu cầu điều kiện kinh doanh. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần thực hiện hậu kiểm khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động với cơ sở nguyên tắc quản lý rủi ro dựa trên mức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.

Cùng với đó CIEM cũng đề xuất nên thực hiện phân cấp mạnh mẽ cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc quản lý doanh nghiệp tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh.

Không để doanh nghiệp rơi vào "bẫy" điều kiện kinh doanh

Đồng tình với những đề xuất mà CIEM đưa ra, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, nên chuyển cơ chế quản lý nhà nước về điều kiện kinh doanh sang hậu kiểm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường. Cùng với đó, theo ông Tuấn cũng cần làm rõ nội hàm khái niệm thế nào là kinh doanh có điều kiện, đặt giả thiết vì sao phải có điều kiện kinh doanh?

Ông Tuấn đề xuất trong Luật Đầu tư sửa đổi lần này cần làm rõ thế nào là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, điều kiện kinh doanh là gì và cần có nghiên cứu cụ thể nếu bỏ điều kiện kinh doanh đó đi thì hệ quả thế nào? "Nếu đã có điều kiện kinh doanh thì phải có quy định thật cụ thể, rõ ràng, tránh để doanh nghiệp rơi vào "bẫy" điều kiện kinh doanh", ông Tuấn nói.

Phó Chủ tịch VAFIE cũng kiến nghị nên có cơ chế thử nghiệm cho cải cách điều kiện kinh doanh. Nghĩa là có những điểm các bộ thấy khó bỏ vì chưa an tâm thì nên thử nghiệm bỏ, nếu có tác động tích cực thì sẽ bỏ hẳn và nhân rộng ra.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp phản ánh đang còn gặp rất nhiều rào cản trong điều kiện kinh doanh, dường như việc loại bỏ điều kiện kinh doanh mới chỉ làm được về số lượng mà không đạt được nhiều chất lượng.

Ví dụ như trường hợp Tập đoàn Vabis đầu tư trong lĩnh vực vui chơi giải trí có thưởng. Nghị định 06/2017 về vấn đề đua chó, đua ngựa đã được ban hành cách đây 3 năm nhưng vẫn không thể triển khai. Trước đó, doanh nghiệp đã được tỉnh cấp phép đầu tư, hoàn thành xây dựng đã 3, 4 năm, rót hàng nghìn tỷ đồng vào nhưng không thể đi vào hoạt đoạt vì vướng quy định ra đời sau về ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cụ thể "dự án phải nằm trong quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt". Vậy là doanh nghiệp phải nằm chờ lời hứa của tỉnh là trình Thủ tướng xin điều chỉnh quy hoạch đã hơn 2 năm nay.

"Doanh nghiệp bỏ hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư, nhưng rồi cả đống tài sản phải nằm chờ quy định ra đời sau đó. Nếu cứ viện dẫn luật theo cách này thì nhà đầu tư gần như bị dẫn vào "bẫy" luẩn quẩn, không thể gỡ ra được", ông Tuấn nói.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top