Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn luận về chủ đề này. Xin giới thiệu các chuyên gia tham gia cuộc đối thoại: Ông Nguyễn Trần Nam - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng; KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam; TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Chánh Văn phòng kiêm Phó tổng thư ký, Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn – Bộ Xây dựng; KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam; Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn; Ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển Capital House.
PV: Thời gian gần đây, ở Việt Nam, người ta nhắc nhiều đến xu hướng xây dựng đô thị xanh, nhưng có lẽ, đô thị xanh không đơn thuần chỉ là xây dựng một nơi có nhiều cây xanh hay hồ nước. Là người nhiều năm nghiên cứu về đô thị xanh, theo TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, chúng ta nên hiểu về cụm từ này như thế nào cho đầy đủ?
TS. Lê Thị Bích Thuận: Tại Việt Nam chưa có định nghĩa chính thức thế nào là đô thị xanh, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sử dụng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái nhưng đó chỉ là một trong hàng trăm tiêu chí.
Tổng quan, đô thị xanh là tổng thể hài hòa của ba yếu tố: Môi trường xanh – kinh tế xanh – xã hội xanh.
Đô thị xanh không chỉ là tiết kiệm năng lượng mà ở đó cư dân sống trong khu đô thị phải cảm thấy hài lòng, được thụ hưởng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phải có công viên, có chỗ cho trẻ nhỏ vui chơi và học tập thì mới gọi là một cuộc sống xanh. Ngược lại nếu chỉ đến đó để ở, vui chơi thì lại phải vào nội đô, đi công viên cách đó cả chục km, đưa con đi học cũng thật xa thì không thể gọi là xanh được mặc dù không gian ở của họ là rất hài hòa, rất “xanh”.
Thách thức hiện nay là chúng ta chưa có thể chế về đô thị xanh. Thứ hai, nhận thức về đô thị xanh chưa rõ ràng trong các nhà quản lý Nhà nước, chính quyền.
PV: Vâng, có lẽ như TS.KTS Lê Thị Bích Thuận vừa nói, trở ngại lớn nhất hiện nay là định nghĩa “đô thị xanh” ở Việt Nam còn chưa rõ ràng nên khó có thể có được những tiêu chí và chính sách cụ thể. Theo KTS Trần Ngọc Chính, cần phải hoàn thiện những chính sách như thế nào để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các đô thị xanh?
KTS. Trần Ngọc Chính: Việt Nam hiện nay chưa có bộ tiêu chí về xây dựng đô thị xanh nhưng Bộ Xây dựng đang soạn thảo “Thông tư quy định Bộ chỉ số xây dựng đô thị tăng trưởng xanh và hướng dẫn thực hiện” là cơ sở để các đô thị xác định mục tiêu cụ thể về hoạt động xây dựng, Quy hoạch đô thị, Chương trình phát triển đô thị, kế hoạch hoạt động của đô thị nhằm thực hiện triển khai chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.
Không thể đổ lỗi là chủ đầu tư không chịu làm mà phải nói là chính quyền đã quan tâm đến chưa, đã tạo được điều kiện chưa.
TS. Lê Thị Bích Thuận
Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển đô thị xanh, công trình xanh, sản xuất và áp dụng vật liệu xây dựng xanh; xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kinh tế - kỹ thuật về xây dựng xanh, đô thị xanh, công trình xanh, vật liệu xanh.
Nghiên cứu và ban hành hệ thống tiêu chuẩn về quy hoạch, kiến trúc đô thị, thiết kế sử dụng vật liệu, giải pháp xây dựng xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu khí nhà kính, giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải rắn đô thị. Ban hành quy định bắt buộc thực hiện các giải pháp xây dựng xanh phổ biến vào các công trình đầu tư bằng vốn nhà nước, các tòa nhà thương mại mới và cải tạo các khu chung cư hiện có ở đô thị.
Xây dựng chính sách tài chính hỗ trợ xây dựng công trình xanh tập trung vào chính sách thuế và phí như: Phí Bảo vệ môi trường đối với nước thải (nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt ra môi trường); Chính sách chi ngân sách nhà nước ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường; Ưu tiên nguồn vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; Chương trình mục tiêu quốc gia tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả...;
Chính sách tín dụng cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động dự án bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch; ưu đãi tín dụng, hỗ trợ về vốn, đất đai đối với các tổ chức, cá nhân tham gia cung ứng dịch vụ môi trường;
Chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước thực hiện cho vay ưu đãi đối với các dự án năng lượng sạch, có khả năng tái tạo; ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, các dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý nước thải, rác thải các khu đô thị…
PV: Thưa Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam, kiến tạo những đô thị xanh có lẽ không chỉ dừng ở việc chúng ta bàn nhiệm vụ này trên giấy nữa, mà hơn lúc nào hết cần áp dụng vào cuộc sống, trong mỗi công trình xanh, dự án bất động sản xanh, ông có quan điểm thế nào về câu chuyện này?
Ông Nguyễn Trần Nam: Đúng vậy, câu hỏi hiện nay là làm như thế nào để phát triển công trình xanh chứ không phải là có làm hay không?
Chúng ta nêu các giải pháp rất toàn diện như xây dựng hành lang pháp lý, chính sách, vận động doanh nghiệp bất động sản tạo sản phẩm, nâng cao nhận thức của người dân để mua sản phẩm đạt tiêu chí xanh hơn là mua các sản phẩm không xanh.
Lần tham gia sự kiện ở Singapore gần đây, tôi cũng trao đổi với ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ - về việc làm sao để chúng ta phối hợp làm giống Singapore là không cấp giấy phép cho tất cả các dự án xây dựng không đạt tiêu chí xanh. Việc này thể hiện quyết tâm rất cao của một số lãnh đạo các bộ, ngành.
Tất nhiên, chúng ta học tập thì cũng phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, phải linh hoạt, uyển chuyển hơn. Như Việt Nam bây giờ áp dụng quy định tất cả các công trình buộc phải đạt chứng chỉ xanh thì cũng khó, cần thực hiện từng bước. Phát triển công trình xanh tại Việt Nam phải đi vào cụ thể, nêu ra mà không có biện pháp, bước đi cụ thể thì chỉ là phong trào mang tính chất làm đẹp, không có hiệu quả thiết thực.
PV: Vâng, như vậy rõ ràng để có một đô thị xanh, phải phát triển công trình xanh, tức là cần có những nhà đầu tư xanh?
TS. Lê Thị Bích Thuận: Nói đến vai trò thì tất cả các bên đều rất quan trọng: từ người quản lý, người kinh doanh, xây dựng cho đến người dân, tất cả được gọi là một cộng đồng cùng hướng tới thì đô thị xanh mới phát triển được. Không thể đổ lỗi là chủ đầu tư không chịu làm mà phải nói là chính quyền đã quan tâm đến chưa, đã tạo được điều kiện chưa.
Ngoài ra, chủ đầu tư đã biết đến hay đã hiểu về việc xây dựng xanh hay chưa. Và cuối cùng, người dân đã sử dụng những kết quả xây dựng đó như thế nào và người dân có ủng hộ các sáng kiến về đô thị xanh không?
Doanh nghiệp kinh doanh không thể không có lợi nhuận. Cho nên chính sách phải hướng làm sao có phần tạo được lợi ích cho nhà đầu tư và có phần nhỏ nữa là phần bắt buộc phải cưỡng chế.
Ông Nguyễn Trần Nam
Có rất nhiều chủ đầu tư biết việc xây dựng được công trình xanh, một đô thị xanh là tốt nhưng mà nguồn lực của họ có thể không đủ. Bản chất của các nhà đầu tư hiện nay là khi họ nhận đầu tư một khu đô thị thì họ rất ít khi quan tâm đến xây dựng toàn khu đô thị mà thường họ đầu tư xây dựng nhà ở trong khu đô thị trước, sau đó mới quan tâm đến không gian công cộng, công viên hoặc để cho chính quyền thành phố xây dựng. Thứ nữa là chủ đầu tư, khi nói đến xây dựng xanh họ lại e ngại vì phức tạp quá.
PV: Với góc nhìn của Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, theo ông Nguyễn Trần Nam, cần phải làm gì để hài hòa lợi ích, “tạo” ra nhiều chủ đầu tư xanh?
Ông Nguyễn Trần Nam: Làm công trình xanh là liên quan tới lợi ích. Lợi ích mang tính toàn cầu, mang tính xã hội nhiều hơn lợi ích cá nhân, lợi ích tổ chức. Vì thế, trong việc này, chúng ta giải quyết vấn đề lợi ích nhà đầu tư. Bởi lợi ích chính là động lực.
Các nhà đầu tư tạo ra các công trình xanh. Mục tiêu đầu tiên của doanh nghiệp tư nhân là lợi ích, có thể là lợi nhuận, tăng tài sản. Doanh nghiệp kinh doanh không thể không có lợi nhuận. Cho nên chính sách phải hướng làm sao có phần tạo được lợi ích cho nhà đầu tư và có phần nhỏ nữa là phần bắt buộc phải cưỡng chế.
Giai đoạn này xin giảm thuế là không thể. Bộ Tài chính đang tăng thuế một số thứ thì khó có chuyện xin giảm thuế. Tăng các chỉ tiêu quy hoạch, cho dày, cho cao lên thì lại là phản lại công trình xanh, cũng không có lợi ích. Giờ làm thế nào để đưa lại lợi ích cho doanh nghiệp là câu hỏi lớn.
Hiện nay, chúng tôi đã có "Chương trình vận động phát triển Công trình Xanh Việt Nam" thực hiện trong 5 năm từ (2017 - 2021). Chúng ta cần tuyên truyền rộng rãi cho công chúng, cho truyền thông làm sao tổ chức trao giải, gắn biển trang trọng công khai và phải tôn vinh doanh nghiệp làm công trình xanh.
Các giải hay lễ nhận chứng chỉ công trình xanh của doanh nghiệp đang tổ chức rất bình thường. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Xây Dựng Phạm Hồng Hà đã giao nhiệm vụ cho chúng tôi là phải tổ chức giải thường bất động sản hàng năm, thường niên, phải tổ chức to tầm Oscar, lấy Oscar làm mẫu.
Tôi dự kiến trong 10 hệ thống giải phải có giải cho công trình xanh, chưa kể hàng năm Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tổ chức riêng một đêm tôn vinh công trình xanh.
Hiệp hội cũng đã quyết định đưa công trình xanh trở thành một hạng mục quan trọng của “Giải thưởng Bất động sản Việt Nam”, dự kiến trao giải vào quý I năm 2018, đồng thời cũng đưa tiêu chí "xanh" trở thành điểm ưu tiên trong việc xét thưởng của nhiều hạng mục.
PV: Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Trịnh Tùng Bách, việc xây dựng các công trình xanh có thực sự quá khó khăn không?
Ông Trịnh Tùng Bách: Trước hết, xin khẳng định, công trình xanh đơn lẻ chính là những hạt nhân quan trọng để phát triển những khu đô thị xanh thực sự trong tương lai. Công trình xanh – khu đô thị xanh – Hệ sinh thái xanh… mục đích cuối cùng là phục vụ con người, bảo vệ môi trường, nâng cao sức khoẻ, tiện nghi đồng thời nhìn rộng hơn là góp phần vào việc phát triển bền vững cho toàn xã hội.
Hiện tại Capital House cũng như nhiều đơn vị khác phát triển công trình xanh bởi thấy rõ lợi ích cho cộng đồng. Trước đây, chúng ta vẫn coi công trình xanh là một thứ xa xỉ chỉ dành cho tầng lớp “có tiền”, nhưng suy nghĩ như vậy là hoàn toàn không đúng. Nhận thức được điều này, Capital House rất chú trọng phát triển xanh cho cả các dòng sản phẩm ở phân khúc thấp và trung bình, phân khúc mà chiếm đa số lượng khách hàng bất động sản.
Tất nhiên là người đi đầu bao giờ cũng gặp những khó khăn nhất định, nhưng chúng tôi cảm thấy rất xứng đáng với những gì mà chúng tôi đã bỏ công sức và đã làm được. Trong quá trình phát triển công trình xanh, chúng tôi đã phải tự tìm đường và mất rất nhiều công sức, tiền của và đặc biệt là chất xám. Nếu có được những cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì thực sự sẽ là một chất xúc tác mạnh giúp các chủ đầu tư mạnh dạn hơn khi làm công trình xanh.
Ở nước ngoài đã có rất nhiều cơ chế chính sách để phát triển xanh được áp dụng: tăng mật độ xây dựng, hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi ở các hạng mục xanh hay chỉ đơn giản là giảm thời gian phê duyệt hồ sơ… Bất cứ một chính sách hỗ trợ nào của Nhà nước cũng là điều cần thiết và đáng quý, đặc biệt là trong giai đoạn này, khi chúng ta đang thực sự bước những bước đi đầu tiên.
PV: Theo KTS Phạm Thanh Tùng, ngoài việc hoàn thiện chính sách và tạo động lực cho các chủ đầu tư xây dựng những công trình xanh, còn cần điều gì để tạo nên tinh thần của một khu đô thị xanh?
KTS Phạm Thanh Tùng: Thực hiện đô thị xanh mà muốn tốt thì phải bắt đầu từ bản thân trong thiết kế đô thị. Chỉ một ngôi nhà có kiến trúc xanh cũng không có tác động gì đối với cả khu đô thị. Theo đó, đây là cả một kế hoạch có tầm vĩ mô mà người cầm trịch chính là Nhà nước. Bắt đầu từ những quy chuẩn xây dựng phải đổi mới. Đồng thời, phải thực hiện quy hoạch, một đô thị chỉ toàn thấy nhà không thể gọi là đô thị xanh dù chúng ta có trồng cây trên mái; hay một đô thị mới thiếu trường học, thiếu sân chơi, vườn hoa cũng không thể gọi là đô thị xanh được.
Đô thị là một quần cư, ở đó có người giàu, người nghèo, tạo nên quần cư nào thì quần cư đó phải thân thiện với thiên nhiên, thân thiện giữa con người với con người.
Đó là bài toán việc quản trị đô thị với sự đóng góp của kiến trúc sư, nhà đầu tư và người dân. Ngay từ quản trị đô thị thì người quản lý đã phải có tư duy xanh, rồi bắt đầu đến xây dựng con người xanh rồi mới đến công trình xanh. Bởi công trình cũng là do con người sáng tạo ra. Không có con người xanh có nghĩa là không có khái niệm sống thân thiện với môi trường, không biết trân trọng thiên nhiên, không biết yêu thiên nhiên thì không thể nào tạo ra được một công trình xanh hay một đô thị xanh.
PV: Thưa nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, là một người yêu Hà Nội và luôn đau đáu với đô thị xanh, theo cảm nhận của nhà thơ, điều gì sẽ làm nên một đô thị xanh đúng nghĩa?
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: Tôi thực sự đau lòng khi nhìn thấy một Hà Nội đang lộn xộn vô cùng, theo tôi muốn xây dựng một đô thị xanh thì hãy bắt đầu xây dựng từ ý thức của con người, đó chính là gốc rễ. Tôi cảm giác như con người bây giờ đều sống vội, sống gấp gáp, vô cảm, chỉ quan tâm đến việc kiếm tiền, hay hiểu rộng ra là quan tâm đến vật chất. Theo tôi, muốn có một đô thị xanh thì trước tiên, con người phải sống xanh!
"Sống xanh" hiểu ở đây là gì, đó là sự hòa hợp với thiên nhiên, là mối quan hệ giữa người với người. Xanh phải gắn với cuộc đời mình. Và để có được điều này thì cần phải giáo dục từ con trẻ. Xung quanh chung cư nơi tôi ở, có rất nhiều lớp học dạy các cháu bé học múa, học đàn, học nhảy, học tiếng anh… Những điều đó rất tốt, nhưng cái quan trọng, căn bản nhất là dạy những tâm hồn non nớt ấy về tình yêu thiên nhiên, dạy cách trân trọng từng giọt mưa, từng chiếc lá, dạy cách chào hỏi, lễ phép với những người xung quanh thì lại thiếu.
Sống xanh là khi những cư dân trong cùng một khu đô thị gặp nhau, giao tiếp với nhau, chào hỏi nhau. Nếp sống của khu đô thị khác với nếp sống theo kiểu hàng xóm làng giềng ở quê vốn đã ăn sâu vào tiềm thức, vào nếp ăn, nếp ở của nhiều người dân.
Sự quan tâm của các cư dân trong một khu đô thị là sự quan tâm văn minh, đủ để giữ cho mỗi gia đình có một không gian riêng, không quá soi mói, nặng nề hủ tục, can thiệp vào đời sống cá nhân của các hộ dân. Đồng thời cũng loại bỏ được rất nhiều thủ tục mang tính hành chính, phiền hà như họp tổ dân phố chỉ để đấu tố, phê bình nhau hay tốn tiền của để bình bầu, in ấn hàng loạt các chứng nhận gia đình văn hóa mới, mà theo tôi là vô cùng lãng phí. Để kiến tạo nên khu đô thị xanh, hãy bắt đầu từ chính tư duy xanh, con người xanh!
Xin chân thành cảm ơn các vị khách mời đã tham gia cuộc đối thoại!