“Bão dịch” Covid-19 khiến sản xuất, kinh doanh khó khăn, thậm chí một số lĩnh vực bị tê liệt đã tác động gián tiếp đến nguồn thu ngân sách. Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất của Chính phủ được xem là “liều vaxin" về tài chính để doanh nghiệp (DN) vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, vaxin này liệu đã đủ liều để đem lại hiệu quả thiết thực gắn với sự sống còn của doanh nghiệp? Và DN cần bao lâu để tiếp cận được trực tiếp liều thuốc này trong khi sức khoẻ tài chính ở giai đoạn cầm cự bằng ngày?
Nên gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất 1 năm
Nhiều doanh nghiệp hoan nghênh đề xuất gia hạn các khoản nộp ngân sách theo Nghị định 41, đồng thời bày tỏ mong muốn Bộ Tài chính kéo dài thêm thời hạn gia hạn bởi tình hình dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến bất ổn. Theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, chậm nộp 5 tháng là tốt, nhưng nên kéo dài hơn, tiền thuế có thể được gia hạn từ 9 tháng đến 1 năm, tiền thuê đất nên được gia hạn 13 tháng.
Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đa ngành, đại diện Tập đoàn Vingroup cho hay, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy dẫn đến thiếu linh kiện để sản xuất sản phẩm ô tô, xe máy... Về du lịch, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng việc làm của hơn 18.000 cán bộ nhân viên tại các khu nghỉ dưỡng nhưng vẫn phải duy trì lương cho số lượng người này. Tất cả các lĩnh vực kinh doanh khác như bất động sản, giáo dục của Tập đoàn đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh.
Do đó, Tập đoàn Vingroup đề xuất kéo dài thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất 1 năm thay cho 5 tháng để vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, xin miễn tiền thuê đất năm 2019 các cơ sở kinh doanh lưu trú. Đối với ngành sản xuất công nghiệp ô tô nội địa, Tập đoàn Vingroup xin giãn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Tại Hà Nội, Tập đoàn xin hỗ trợ các thủ tục hành chính như sớm cho phép các doanh nghiệp bằng sản phẩm, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch phân khu; sớm phê duyệt các danh mục sử dụng đất...
Còn lãnh đạo tập đoàn FLC cho hay, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nhưng ảnh hưởng Covid-19 đang kéo dài, thời hạn gia hạn thuế chỉ 5 - 6 tháng chưa đủ để phục hồi nền kinh tế và doanh nghiệp. Đại diện FLC đề xuất kéo dài thời gian gia hạn và các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất giãn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất nhằm “giải cứu” các doanh nghiệp bất động sản đang khó khăn trước bởi dịch Covid-19.
Công văn đề xuất “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản của VNREA tập trung vào việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch; xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài...
Theo giới chuyên gia, giải pháp gia hạn này không ảnh hưởng tới số thu ngân sách của năm 2020 dù tổng số tiền thuế, tiền thuê đất chậm nộp là khoảng hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Nếu DN "chết" bây giờ, nguồn thu ngân sách cho Nhà nước sẽ thiệt hại lâu dài
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, việc gia hạn này không ảnh hưởng quá lớn đến ngân sách Nhà nước nhưng có tác động tương đối tốt cho các doanh nghiệp. Theo đó, thay vì phải nộp tiền thuế và tiền thuê đất, doanh nghiệp có thể dùng tiền đó để phục vụ cho sản xuất kinh doanh. Như vậy, doanh nghiệp giảm được số tiền phải vay của ngân hàng để kinh doanh lại không phải trả tiền chậm nộp.
PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định: “Việc ban hành Nghị định sẽ “chốt” chặt thời hạn gia hạn thuế và tiền thuê đất. Trong khi đó, diễn biến dịch bệnh còn nhiều bất ổn và có thể kéo dài. Do đó, gia hạn 5 tháng là quá ngắn, nên kéo dài thời hạn này thành tối thiểu phải 8 tháng”.
Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc giãn này trước hết là giúp các ngân hàng có được nguồn lực tài chính ngay trước mắt để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang kiệt quệ bởi Covid-19. Vào lúc này doanh nghiệp quá khó khăn, ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động, hàng triệu hộ kinh doanh thì việc hỗ trợ cho doanh nghiệp sẽ giảm bớt đi số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, số hộ kinh doanh đóng cửa. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp đứng trước bờ vực phá sản, nếu để họ "chết" bây giờ thì mất nguồn thu ngân sách cho Nhà nước, không phải chỉ trước mắt mà có thể về lâu dài.
Đồng thời, một số chuyên gia về lĩnh vực thuế cũng cho rằng, Nghị định đã ban hành nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể, người nộp thuế sẽ gặp nhiều rủi ro.
Bởi theo quy định, người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm với đề nghị gia hạn thuế và tiền thuê đất. Nếu có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng gia hạn, cơ quan thuế sẽ có văn bản thông báo về việc dừng gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế, tiền thuê đất và tiền chậm nộp.
Trong khi đó, nghị định không quy định rõ trong bao lâu cơ quan thuế sẽ xác định người nộp thuế có thuộc đối tượng gia hạn hay không. Bởi có những trường hợp phải đến kỳ thanh tra kiểm tra quyết toán, tức là 3-5 năm sau, cơ quan thuế mới hồi tố. Khi đó, DN sẽ bị thiệt hại nặng vì phải nộp tiền phạt và tiền chậm nộp...
"Tôi cho rằng nên có hướng dẫn rõ ràng, trong đó quy định thời gian mà cơ quan thuế cần rà soát để giảm thiểu rủi ro cho DN" - một chuyên gia tư vấn thuế nhận định.