Những ngày vừa qua, tâm điểm chú ý của dư luận hướng vào việc nguồn nước sạch sinh hoạt do Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp đến các quận phía Tây Nam TP. Hà Nội (quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai và Nam Từ Liêm) bị nhiễm dầu thải, trong đó chỉ tiêu Styren cao vượt mức cho phép tới hơn 3 lần.
Chưa hết hoang mang vì phải dùng nước bẩn liên tục trong nhiều ngày, người dân lại tiếp tục phải đối mặt với nỗi khổ bị cắt nước, phải xếp hàng dài chờ cấp nước sinh hoạt từ xe bồn. Vì thiếu nước - nhu cầu thiết yếu nhất nên cuộc sống của người dân bị đảo lộn, khó khăn tưởng chừng đến cùng cực như thời Hà Nội còn bao cấp.
Cơ quan Nhà nước đang tích cực vào cuộc và phát hiện ra hàng loạt các vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Rõ ràng, đô thị với nước sạch sinh hoạt không thể là những vấn đề riêng rẽ. Reatimes đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Tú, Công ty Luật Fanci để độc giả có góc nhìn rõ hơn về sự việc này.
PHẢI KHỞI TỐ HÌNH SỰ HÀNH VI CẤP NƯỚC BẨN CỦA VIWASUPCO
PV: Thưa luật sư, nước sinh hoạt cho cư dân là mặt hàng thiết yếu và chiến lược. Pháp luật có quy định gì về tiêu chuẩn của mặt hàng này? Ông bình luận như thế nào khi Nhà nước cho phép tư nhân kinh doanh mặt hàng nước sạch?
Luật sư Nguyễn Văn Tú: Điều 4 Nghị định 117/2007 quy định “Chất lượng nước sạch sử dụng trong mục đích sinh hoạt phải đảm bảo theo các quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định. Bộ Y tế ban hành quy chuẩn nước sạch sử dụng mục đích sinh hoạt”. Nước sạch do Viwasupco cung cấp có nồng độ Styren cao hơn quy định đến 3 lần thì rõ ràng không bảo đảm về mặt chất lượng.
Kinh doanh mặt hàng thiết yếu như nước sạch luôn có được tệp khách hàng ổn định và tăng trưởng đều, doanh số chỉ tăng, đồng nghĩa với lợi nhuận cao và bảo đảm. Nhà nước không độc quyền mà cho tư nhân cùng khai thác cũng là chủ trương đúng đắn.
Tuy nhiên, trách nhiệm quản lý của cơ quan Nhà nước phải được tăng cường vì mặt hàng thiết yếu như nước sạch cần luôn được bảo đảm. Khủng hoảng nước sạch cũng dễ dàng trở thành mối đe dọa an ninh, an sinh xã hội. Ở đây, việc thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý đối với Viwasupco rõ ràng không được bảo đảm, dẫn tới sự cố nghiêm trọng này.
PV: Các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình xác định một lượng dầu thải khá lớn, khoảng 100 tấn, đã bị đổ trộm ra khe suối dẫn đến ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà cung cấp cho nhà máy của Viwasupco. Styren được cho là một hoạt chất có trong lượng dầu thải này. Ngày 16/10/2019, Công an huyện Kỳ Sơn đã khởi tố vụ án gây ô nhiễm môi trường. Vậy luật sư có quan điểm như nào về vấn đề này?
Luật sư Nguyễn Văn Tú: Phát hiện lượng dầu thải lớn như vậy đổ ra môi trường không phép là đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Công an huyện Kỳ Sơn đã làm kịp thời và đúng đắn. Phải khởi tố để điều tra làm rõ tội phạm đưa ra truy tố.
Tuy nhiên, việc Styren có trong dầu thải và Styren có trong nước sinh hoạt cần phải được xem xét cẩn thận và đúng đắn. Trách nhiệm của kẻ xả dầu thải với trách nhiệm của Viwasupco cung cấp nước bẩn là hai trách nhiệm độc lập. Hậu quả do cung cấp nước bẩn là cực kỳ nghiêm trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội của hàng vạn con người. Phải khởi tố hình sự thêm đối với hành vi cấp nước bẩn này của Viwasupco và những cá nhân có liên quan.
PV: Sức khỏe của người dân rõ ràng là vô cùng quan trọng. Ngày 15/10/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an nhanh chóng điều tra nguyên nhân nước nhiễm bẩn và xử lý các sai phạm. Chính quyền Hà Nội cũng đã khuyến cáo người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng chỉ nên sử dụng nguồn nước này để sinh hoạt, không nên dùng để ăn uống. Luật sư nhận định như thế nào khi dư luận vẫn cho rằng chính quyền đã phản ứng chậm trước sự cố này?
Luật sư Nguyễn Văn Tú: Sự cố nước bẩn của Viwasupco thu hút sự quan tâm của chính quyền tỉnh Hòa Bình, TP. Hà Nội, Bộ Công an và cả Thủ tướng là tương xứng vì đó là vấn đề an sinh xã hội liên quan đến sức khỏe của khoảng 3 vạn dân. Tôi cho rằng, chính quyền hành động như vậy là kịp thời. Nếu có chậm trễ thì chính là do các cấp không nhận được báo cáo từ Viwasupco và cơ quan quản lý trực tiếp.
Trong sự việc này, không thể không xem xét trách nhiệm của những đơn vị và cá nhân liên quan. Nếu báo cáo và quản lý sát sao thì đã không để mấy vạn dân sử dụng nước bẩn đến gần chục ngày như vậy.
CẦN ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA VIWASUPCO
PV: Cho đến nay, lãnh đạo Viwasupco vẫn chưa đưa ra bất kỳ lời xin lỗi chính thức nào đến khách hàng của mình và cho rằng họ không bưng bít thông tin vì đã có báo cho cơ quan công an. Luật sư đánh giá như thế nào về chi tiết này?
Luật sư Nguyễn Văn Tú: Trong hoạt động kinh doanh, bán hàng mà hàng hóa không bảo đảm chất lượng nhưng vẫn thu đủ tiền của khách hàng thì không chỉ vi phạm đạo đức kinh doanh mà còn vi phạm pháp luật. Viwasupco có trách nhiệm phải thông báo cho toàn bộ khách hàng của mình về việc nguồn nước bị nhiễm bẩn nhưng đã không cung cấp. Ở đây có dấu hiệu chối bỏ trách nhiệm chứ không đơn thuần chỉ là việc nói lời xin lỗi. Bên cạnh đó, việc đã báo thông tin cho cơ quan công an không loại trừ nghĩa vụ phải báo cáo cho khách hàng và cơ quan quản lý.
Viwasupco là đơn vị tư nhân có nhiều tai tiếng về việc kinh doanh này. Chúng ta còn nhớ mấy năm trước hệ thống đường ống của họ bị vỡ đến hàng chục lần khiến cư dân Thủ đô không có nước sinh hoạt ổn định. Lần này thì sự việc còn nghiêm trọng hơn nhiều vì cung cấp nước bẩn. Rõ ràng, đơn vị này không có khả năng kinh doanh bảo đảm, cần đình chỉ hoạt động kinh doanh của họ.
PV: Vậy hàng vạn công dân đã dùng nước bẩn có được bồi thường không và cách thức yêu cầu về bồi thường như thế nào thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Văn Tú: Vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý còn gây thiệt hại thì phải bồi thường. Đây là phần trách nhiệm dân sự. Do số lượng người sử dụng nguồn nước này quá đông nên lúc này, Hội Bảo vệ người tiêu dùng là đơn vị có quyền khởi kiện và đưa ra yêu cầu bồi thường cho người dân. Các thiệt hại về sức khỏe có thể chưa đủ chứng cứ nhưng thiệt hại về tinh thần, làm đảo lộn cuộc sống của người dân là hoàn toàn có. Viwasupco và những bên có lỗi phải liên đới bồi thường số tiền này.
Tuy nhiên, điều đáng buồn là trong lúc người người sục sôi vì sự việc ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà thì tôi chưa thấy Hội Bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng.
Lúc này, các cư dân bị thiệt hại có thể yêu cầu người đại diện của mình là Hội Bảo vệ người tiêu dùng đứng ra làm việc. Khi khởi kiện, Hội có thể nhờ luật sư vì công tác khởi kiện luôn cần người có chuyên môn.
PV: Luật sư có lời khuyên nào cho chủ đầu tư kinh doanh các bất động sản về vấn đề nguồn nước sạch sau sự kiện lần này không?
Luật sư Nguyễn Văn Tú: Nước sạch là một trong những tiêu chí quan trọng của các dự án khu đô thị. Đây có thể là lợi thế cạnh tranh của một dự án. Vậy khi lựa chọn đối tác cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho các khu đô thị mình đầu tư, chủ đầu tư cũng cần lựa chọn những đối tác tin cậy để cư dân tương lai được sử dụng nguồn nước sạch ổn định, bảo đảm tiêu chuẩn.
Cảm ơn luật sư vì những chia sẻ!