Giải pháp thiết thực "nuôi dưỡng" nguồn thu cho ngân sách
Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong năm 2025, gồm giảm 30% tiền thuê đất phải nộp (phương án 1) và mức giảm khác (phương án 2), nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giảm áp lực tài chính trong đầu tư sản xuất kinh doanh.
Đề xuất này phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đề xuất, ban hành các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền trong tháng 2 năm nay tại Chỉ thị 03/CT-TTg ban hành ngày 4/2/2025.
Trên thực tế, chính sách giảm tiền thuê đất được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2024, đã hỗ trợ tích cực cho sự phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế trong và sau đại dịch Covid-19. Bộ Tài chính cho hay, mức giảm 30% tiền thuê đất năm 2025 cũng tương đương các năm trước. Đa số đều đồng thuận với việc tiếp tục giảm tiền thuê đất năm 2025 và mức giảm 30% như các năm trước.
Sau đề xuất của Bộ Tài chính, nhiều ý kiến ủng hộ và cho rằng chính sách này sẽ hỗ trợ trực tiếp cho dòng tiền của doanh nghiệp, giúp họ có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Chính sách giảm tiền thuê đất được thực hiện trong giai đoạn 2020 - 2024, hỗ trợ tích cực đến sự phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế. (Ảnh minh họa: Tùng Dương/Reatimes)
Theo ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, việc xác định con số 30% hay bao nhiêu phần trăm thì Chính phủ sẽ xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành. Với phương án đề xuất 30% của Bộ Tài chính, qua các năm giảm vừa qua thì mức này tương đương dao động từ 3.500 - 4.000 tỷ đồng/năm. Đây cũng là nguồn lực lớn trợ giúp cho tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp bất động sản, việc giảm tiền thuê đất có ý nghĩa giảm tải áp lực về tài chính, khi thanh khoản của thị trường vẫn chưa thực sự phục hồi đồng đều, bền vững; doanh nghiệp vẫn đứng trước áp lực về trả nợ gốc và lãi ngân hàng, trái phiếu.
ThS. Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản cho biết, về tính hợp pháp, tại Điều 157 Luật Đất đai 2024 đã liệt kê các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ngoài ra để bảo đảm linh hoạt trong thực thi thì khoản 2 Điều 157 còn có quy định "quét" về việc Chính phủ được quy định thêm các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Như vậy, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, Chính phủ có thể ban hành Nghị định để quy định việc giảm tiền thuê đất trong năm 2025 cho doanh nghiệp. Do đó, đề xuất của Bộ Tài chính phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2024.
Việc giảm tiền thuê đất ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Song theo ông Đỉnh, thu từ đất chỉ là một trong số các nguồn thu của ngân sách. Việc giảm thu từ tiền thuê đất sẽ trở thành trợ lực cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, yên tâm sản xuất, kinh doanh, hướng đến mục tiêu tăng trưởng hai con số như Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Từ đó, ngân sách nhà nước sẽ có thể thu thêm từ các nguồn thuế, phí, lệ phí để bù lại phần "hụt" từ tiền thuê đất.
Đặc biệt, đề xuất này rất hợp lý trong bối cảnh tiền thuê đất có xu hướng tăng theo đà tăng của bảng giá đất, cộng với áp lực về trả nợ, lãi ngân hàng, trái phiếu, gánh nặng thuê đất đối với doanh nghiệp sẽ tăng cao hơn.
"Giảm tiền thuê đất là giải pháp để hướng đến "dân giàu - nước mạnh" - cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng được hưởng lợi. Nếu không giảm tiền thuê đất, hay mức giảm thấp, thì ngân sách nhà nước có thể gia tăng nguồn thu, nhưng sẽ làm giảm khả năng sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của ngân sách", ông Đỉnh chia sẻ.
Mặt khác, về pháp lý, trước đây, thẩm quyền cho phép giảm tiền thuê đất đối với các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên hiện nay, thẩm quyền này thuộc Chính phủ và phải được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Như vậy, về trình tự, thủ tục và thẩm quyền sẽ trở nên chặt chẽ hơn, được đánh giá kỹ lưỡng hơn để bảo đảm nguồn thu cho ngân sách, theo ông Đỉnh.
Nên linh hoạt mức giảm tiền thuê đất
ThS. Nguyễn Văn Đỉnh nhìn nhận, doanh nghiệp và người dân luôn hoan nghênh và ghi nhận sự đồng hành của Chính phủ trong chính sách giảm thuế, phí. Trong bối cảnh Luật Đất đai (sửa đổi) đã có hiệu lực, giá thuê đất năm 2025 sẽ buộc phải cao hơn các năm trước, đòi hỏi những chính sách hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng, khu vực hơn.
"Việc giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước trong năm 2025 là cần thiết, nhưng không nên cố định chung một mức 30% mà có thể linh hoạt hơn. Một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn hơn thì có thể được giảm ở mức cao hơn. Ngược lại, lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng bởi những tác động kinh tế, địa chính trị… sẽ được giảm ở mức thấp hơn", ông Nguyễn Văn Đỉnh nêu quan điểm.

Theo chuyên gia, để chính sách giảm tiền thuê đất mới thực sự hỗ trợ doanh nghiệp, mức giảm tiền thuê đất tối thiểu nên ở ngưỡng 30 - 50%. (Ảnh minh họa)
Trao đổi với Reatimes xung quanh đề xuất này, ông Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá Việt Nam (VAI) cho biết, Luật Đất đai 2024 đã đưa ra giới hạn mức độ biến động của các trường hợp xác định tiền thuê đất khi đến kỳ ổn định tiếp theo không quá tỷ lệ do Chính phủ quy định cho từng giai đoạn đang được giới hạn "không quá tổng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm cả nước của giai đoạn 5 năm trước đó". Theo số liệu tạm tính, tổng chỉ số này dưới 20% có thể được coi là chưa quá biến động.
Song, đối với các trường hợp mới được thuê đất, hoặc thửa đất không được hưởng chính sách ổn định tiền thuê đất thì sẽ chịu áp lực rất lớn. Nếu các địa phương không thay đổi tỷ lệ tính tiền thuê đất trên bảng giá đất, thì tiền thuê đất từ năm 2026 sẽ tăng cao.
Vì vậy, ông Ngô Gia Cường cho rằng, không nên "khống chế" mức tỷ lệ phần trăm tính giá thuê đất ở mức tối thiểu 0,25% (theo quy định tại Nghị định 103/2024/NĐ-CP ngày 30/7/2024), mà để địa phương linh hoạt điều chỉnh tỷ lệ phần trăm này ở mức thấp hơn khi cần thiết. Cùng với đó, cũng nên sớm xem xét chính sách giảm tiền sử dụng đất để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết, giá thuê đất tại TP.HCM đã tăng 2 lần trong 3 năm qua. Năm 2024, theo Luật Đất đai (sửa đổi), bảng giá đất tại các địa phương lại đồng loạt tăng, đẩy chi phí thuê đất tăng lên. Nếu quy định đồng đều 30% sẽ không bù đắp được chi phí thuê đất tăng thêm của doanh nghiệp khi áp bảng giá đất mới. Vì vậy theo ông, mức giảm tiền thuê đất tối thiểu ở ngưỡng 30 - 50% thì chính sách giảm tiền thuê đất mới thực sự hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh mới./.