Aa

Cần một chiến lược quốc gia cho phát triển đô thị thông minh

Thứ Ba, 28/08/2018 - 15:40

Cần lập một chiến lược quốc gia về xây dựng và phát triển đô thị thông minh để các đô thị tương lai có thể phát triển hài hòa, hợp tác tốt với nhau ngay từ giai đoạn đầu phát triển.

 

Thành công bước đầu

Ở Việt Nam một số đô thị cũng đã quan tâm bắt tay vào việc xây dựng và phê duyệt các đề án, quy hoạch phát triển đô thị thông minh.

Cụ thể, TP.HCM là một trong những thành phố lớn nhất cả nước đã có Quyết định số 4693 ngày 8/9/2016 về thành lập Ban Điều hành thực hiện Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh” gồm 22 thành viên.

Để xây dựng thành phố thông minh, UBND TP.HCM và Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đã ký thỏa thuận hợp tác Tư vấn khung về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) trong xây dựng và triển khai Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. TP cũng đang tìm kiếm các đối tác tư vấn công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft (Hoa Kỳ) để có các kế hoạch đầu tư phát triển thực tế trong tương lai.

Tại Đà Nẵng, Chiến lược phát triển đô thị thông minh theo hướng xây dựng một chính quyền thông minh kết nối được với những công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh. Bằng chứng mới đây nhất, TP và Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã ký kết Biên bản ghi nhớ về xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng, đơn vị tư vấn nước ngoài được chọn là Tập đoàn IBM.

Bình Dương cũng đang có những bước đi đầu tiên để chuẩn bị cho lộ trình xây dựng thành phố thông minh bằng sự phối hợp giữa Tập đoàn Braintport (Hà Lan) và Tổng Công ty Becamex IDC với Đề án “Xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương” dựa trên mô hình của thành phố Eindhoven.

Các thành phần của đô thị thông minh.

Các thành phần của đô thị thông minh.

Ở tầm quốc gia, mới đây Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan xây dựng, ban hành tiêu chí đánh giá, công nhận đô thị thông minh và hướng dẫn các địa phương thực hiện, bảo đảm việc đầu tư thiết thực, hiệu quả, phù hợp với khả năng cân đối vốn và điều kiện của từng địa phương, tránh đầu tư theo phong trào, lãng phí, thất thoát.

Kinh nghiệm phát triển Đô thị Thông minh trên thế giới hiện nay rất phong phú, với các mức độ thành công khác nhau, và phần lớn đều đang trong thời kỳ thử nghiệm và phát triển. Ví dụ như chương trình Quốc gia thông minh (Singapore), chương trình chính phủ số hóa (Malaysia), đô thị thông minh Fujisawa (Nhật), dự án 100 thành phố thông minh (Ấn Độ),…

Tại Việt Nam mô hình đô thị thông minh gắn với đại học tại Bình Dương được cho là thành công, tạo ra thế mạnh phát triển lâu dài cho đô thị hướng đến phát triển Bình Dương trở thành trung tâm kinh tế trí thức của cả Nam Trung bộ, là nơi đào tạo cán bộ chuyên gia, những người có đủ năng lực đưa đất nước hội nhập.

Tại các đô thị đặc biệt lớn như Hà Nội và TP.HCM, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các yêu cầu bức thiết nhất như quản lý hạ tầng và giao thông, quản lý ngập lụt và môi trường, quản lý hành chính và chính quyền điện tử.

Và những thách thức

Việc phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam còn rất nhiều thách thức. Trước hết là áp dụng hệ thống công nghệ cao để đưa vào phát triển đô thị bởi điều kiện phát triển cho các đô thị và công trình của Việt Nam chưa đồng bộ và hạ tầng cũng chưa được phát triển toàn diện. Cho nên khi lồng ghép hệ thống công nghệ cao sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Vấn đề thứ hai là sự tiếp nhận của người dân, đặc biệt là người quản lý đô thị. Để sở hữu những căn hộ thông minh trong khu đô thị thông minh thì người dân bắt buộc phải chi trả một chi phí nhất định trong quá trình sử dụng và chắc chắn là không rẻ. Do vậy, điều quan trọng là cần phải nâng cao nhận thức cho người dân để nhận thấy sự khác biệt giữa khu đô thị cũ và đô thị thông minh.

Thứ ba, Việt Nam nên có những chính sách thu hút các nhà đầu tư để phát triển thí điểm các công trình thông minh nhằm giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho từng hộ gia đình.

Để phục vụ cho yêu cầu cần thường xuyên đào tạo nhân lực, nâng cấp hệ thống và phục vụ cho việc phát triển công nghệ thông tin quốc gia trong tương lai, cần khuyến khích xây dựng và phát triển các Tập đoàn Công nghệ, cũng như các khu đô thị công nghệ, các khu nghiên cứu và phát triển (R&D) và các Khu đô thị đại học tại các vùng đô thị lớn, như Vùng đô thị Thủ đô Hà Nội, Vùng đô thị miền Trung, Vùng đô thị TP.HCM và Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Lập “Kế hoạch phối hợp và Giải pháp xử lý tình huống” cho suốt quá trình Phát triển đô thị thông minh. Trao trách nhiệm, quyền hạn cho ban chỉ đạo và điều hành phát triển đô thị thông minh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của UBND và Thành Ủy và sự tham gia của lãnh đạo các sở và ban ngành. Trong quá trình phát triển, tùy theo nhu cầu phát triển các lĩnh vực trọng điểm trong từng giai đoạn, mà có thể lập ra các tiểu ban chuyên trách với sự tham gia của các sở ngành có liên quan, ví dụ về quản lý giao thông, bảo vệ môi trường và quản lý hành chính điện tử.

Trong tương lai xa hơn, cần xây dựng chiến lược chuẩn bị cho việc phát triển mạng đô thị thông minh trên toàn quốc kết nối tốt với nhau và với các Vùng đô thị, quốc gia và quốc tế.

TSKH.KTS Ngô Viết Nam Sơn

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top