Aa

Cần một giải pháp hợp tình hợp lý để tạo niềm tin cho nhà đầu tư

Thứ Ba, 28/02/2023 - 13:15

Dự án Nhà hàng và Bến du thuyền được UBND TP. Đà Nẵng cho phép Công ty TNHH I.V.C lập dự án đầu tư vào năm 2008. Sau đó, dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư, được giao đất tại khu vực phía Nam cảng sông Hàn.

Ngày 23/12/2015, UBND TP. Đà Nẵng có Quyết định số 9517/QĐ-UBND về việc cho Công ty TNHH I.V.C thuê đất để xây dựng Nhà hàng và Bến du thuyền tại khu vực phía Nam cảng sông Hàn (P. Thạch Thang, Q. Hải Châu).

Lênh đênh dự án ven sông

Đến ngày 30/8/2016, UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 5896/QĐ-UBND về chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư là Công ty TNHH I.V.C đối với dự án Nhà hàng và Bến du thuyền tại khu vực phía Nam cảng sông Hàn.

Dự án Nhà hàng và Bến du thuyền nằm tại bờ Tây sông Hàn, TP. Đà Nẵng. (Ảnh: Đông Duy)

Mục tiêu của dự án là tạo ra một không gian kiến trúc hiện đại, thoáng mát thân thiện với môi trường, cung cấp sản phẩm bao gồm: Dịch vụ nhà hàng, ăn uống, dịch vụ bar, cà phê ngoài trời. Dự án có diện tích 4.082m2, trong đó diện tích xây dựng là 1.258m2, công trình xây dựng quy mô 3 tầng với tổng diện tích sàn là 4.346m2, mật độ xây dựng 30,8%; khu vực ngoài trời rộng 395m2, gồm cảnh quan cây xanh kết hợp cà phê; sân bãi giao thông, lối đi bộ và đậu xe rộng 2.429m2.

Theo quyết định phê duyệt, dự án có tổng vốn đầu tư hơn 95,3 tỷ đồng, trong đó chủ đầu tư sở hữu hơn 38 tỷ đồng, số còn lại sẽ được huy động từ vốn vay tổ chức tín dụng. Dự án được thực hiện trong 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Chuẩn bị đầu tư (từ tháng 4 - 9/2016).

Giai đoạn 2: Đầu tư xây dựng (từ tháng 10/2016 - 4/2017).

Gia đoạn 3: Hoàn thành và đưa vào sử dụng (từ tháng 4/2017).

Thời gian hoạt động của dự án sẽ là 50 năm, tính từ ngày cấp Quyết định chủ trương đầu tư.

Đến giữa năm 2017, dự án Nhà hàng và Bến du thuyền tại khu vực phía Nam cảng sông Hàn do Công ty TNHH I.V.C đã hoàn thành xây dựng phần nhà hàng, tuy nhiên do liên quan đến vụ việc ông Phan Văn Anh Vũ bị Bộ Công an khởi tố,do đó, dự án "nằm im", không thể tiếp tục hoàn thiện…

Về nghĩa vụ tài chính với diện tích đất, ngày 15/3/2016, UBND TP. Đà Nẵng và Công ty TNHH I.V.C đã ký kết hợp đồng thuê số 11/ HĐTĐ/2016 thỏa thuận thuê đất đối với phần diện tích đất để thực hiện dự án Nhà hàng và Bến du thuyền tại khu vực phía Nam cảng sông Hàn.

Theo đó, phần diện tích đất và đất có mặt nước cho Công ty TNHH I.V.C thuê có quy mô 3.000m2, trong đó diện tích đất là 1.632,6m2; diện tích đất có mặt nước là 1.367,4m2. Thời gian thuê đất từ ngày 23/12/2015 đến ngày 23/12/2065 và trả tiền thuê đất theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm. Được biết, đơn giá thuê đất đối với diện tích đất là 23.500 đồng/m2/năm, đơn giá thuê đất đối với diện tích đất có mặt nước là 14.100 đồng/m2/năm. Đơn giá trên sẽ được điều chỉnh theo chu kỳ ổn định 5 năm.

Đến ngày 31/10/2016, UBND TP. Đà Nẵng ký với Công ty TNHH I.V.C Phụ lục hợp đồng thuê đất số 11-1/PLHĐ (kèm theo Hợp đồng thuê đất số 11/HĐTĐ/2016 ngày 15/3/2016), nâng diện tích cho thuê từ 3.000m2 lên 4.082m2, trong đó diện tích đất là 2.147m2, diện tích đất có mặt nước là 1.935m2 với đơn giá thuê đất là 23.500 đồng/m2/năm.

Đến ngày 15/2/2019, hai bên tiếp tục ký kết Phụ lục hợp đồng thuê đất số 11-2/PLHĐ, thống nhất điều chỉnh đơn giá thuê đất để thực hiện dự án Nhà hàng và Bến du thuyền tại khu vực phía Nam cảng sông Hàn.

Tại thỏa thuận này, tổng diện tích thuê đất và đất có mặt nước là 4.082m2, trong đó phần diện tích 3.000m2 (tại Quyết định số 9517/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND TP. Đà Nẵng) sẽ được tính theo đơn giá mới. Phần diện tích đất có đơn giá thuê là 1.230.160 đồng/m2/năm; diện tích đất có mặt nước có đơn giá thuê là 738.100 đồng/m2/năm. Đối với phần diện tích tăng thêm là 1.082m2 (như trong phần Phụ lục hợp đồng số 11-1/PLHĐ ngày 30/10/2016, phần diện tích đất có đơn giá thuê là 1.249.380 đồng/m2/năm; phần diện tích đất có mặt nước có đơn giá thuê là 749.628 đồng/m2/năm.

Tồn tại hay không tồn tại?

Những năm qua, có nhiều ý kiến xung quanh việc xử lý đối với công trình tại dự án Nhà hàng và Bến du thuyền tại khu vực phía Nam cảng sông Hàn do Công ty TNHH I.V.C làm chủ đầu tư.

Trước đó, vào tháng 6/2018, tại hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức có liên quan về phương án thiết kế đô thị khu vực xung quanh Di tích thành Điện Hải, Viện Kiến trúc Quốc gia đề xuất giữ lại công trình và chuyển đổi chức năng sang mục đích phục vụ cộng đồng. Đề xuất trên được đa số ý kiến thống nhất và kiến nghị chuyển đổi công năng sang Trung tâm thông tin du lịch.

Bến du thuyền và Nhà hàng là điểm nhấn trong tổng thể kiến trúc khu vực bờ Tây sông Hàn.

Đến tháng 7/2018, Sở Xây dựng có báo cáo UBND TP. Đà Nẵng, thống nhất phương án đề xuất giữ lại công trình và chuyển đổi công năng theo đề xuất của đơn vị tư vấn. Trái ngược với ý kiến trên, nhiều người cho rằng cần đập bỏ công trình để tạo cảnh quan thông thoáng bên bờ sông Hàn, đồng thời tạo kết nối không gian giữa thành Điện Hải - di tích cấp quốc gia đặc biệt với Bảo tàng Đà Nẵng mới (số 42 Bạch Đằng).

Được biết, trong thời gian tới, TP. Đà Nẵng sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến phản biện xã hội về việc cho tồn tại hay phá bỏ công trình kể trên nhằm thống nhất phương án thiết kế cảnh quan khi quy hoạch khu vực quảng trường trung tâm.

Tháng 8/2018, Ban Cán sự Đảng UBND TP. Đà Nẵng báo cáo Thường trực Thành ủy về việc thu hồi dự án Nhà hàng và Bến du thuyền, chi phí đền bù khoảng 100 tỷ đồng. Chi phí trên là tiền đền bù xây dựng công trình cho chủ đầu tư, không bồi thường về đất vì là đất thuê.

Như vậy, nếu muốn định đoạt số phận của dự án Nhà hàng và Bến du thuyền tại khu vực phía Nam cảng sông Hàn thì trước tiên TP. Đà Nẵng sẽ phải thu hồi dự án kể trên và bồi thường cho phía chủ đầu tư số tiền khoảng hơn 100 tỷ đồng. Trong trường hợp này, có lẽ việc thu hồi dự án và chuyển đổi công năng để phục vụ công cộng là phù hợp và thực dụng nhất. Việc thu hồi dự án tưởng chừng không khó, nhưng sẽ tạo tiền lệ xấu trong việc kêu gọi và xúc tiến đầu tư. Bởi lẽ nhà đầu tư rất ngại sự bất nhất trong chính sách thu hút, kêu gọi đầu tư và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp.

Nếu thực hiện theo phương án đập bỏ thì đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ phải bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn chỉ để tháo dỡ một công trình mà trước đó đã được các sở, ban, ngành của thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư, xây dựng. Chưa kể chi phí bồi thường và chi phí đập bỏ, tái tạo không gian,) thì liệu đây có phải là phương án gây ra lãng phí lớn cho nguồn lực của thành phố trong giai đoạn khó khăn hiện nay?

Cũng cần nhìn nhận rằng, trong nhiều năm qua, dù công trình tại dự án Nhà hàng và Bến du thuyền tại khu vực phía Nam cảng sông Hàn không được đi vào hoạt động, nhưng cũng đã tạo nên một điểm nhấn kiến trúc cho thành phố. Đồng thời cũng là khu vực người dân thường xuyên tập trung cho các hoạt động tập thể. Dự án này gắn kết với các công trình kiến trúc xung quanh và các cơ sở lưu trú, cầu cảng dịch vụ du lịch dọc bờ sông Hàn tạo thành cụm công trình dịch vụ ven sông thu hút lượng lớn du khách đến tham quan thưởng ngoạn… Với việc thu hồi và chuyển đổi công năng của công trình, phục vụ phát triển du lịch, các hoạt động cộng đồng cho thành phố thì phải chăng là lợi nhiều đường?

Cũng cần nói thêm, trước đây khi triển khai dự án này tại khu vực phía Nam cảng sông Hàn, chính quyền TP. Đà Nẵng cũng đã họp bàn rất nhiều lần và cũng đã thuê tư vấn thiết kế nước ngoài tư vấn toàn cảnh trên sông Hàn. Hầu hết các kiến trúc sư cũng thống nhất nên làm bến du thuyền này để tạo điểm nhấn kiến trúc cho bờ Tây sông Hàn. Đặc biệt, chính quyền TP. Đà Nẵng luôn khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi, tốt nhất cho doanh nghiệp đầu tư, làm ăn, kinh doanh tại "thành phố đáng sống" này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top