Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều dự án cải tạo, mở rộng hai bên, xây dựng những tuyến đường mới khang trang. Song điều đáng bàn, do thiếu bàn tay của thiết kế đô thị nên tại nhiều tuyến đường khi đường hoàn thành cũng là lúc nhà cửa hai bên đường mọc lên một cách lộn xộn không theo một nguyên tắc, tiêu chuẩn nhất định nào cùng những biển quảng cáo muôn hình vạn trạng…
Mạnh ai nấy làm
Tuyến đường Vành đai 2 dưới thấp đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng đang gấp rút hoàn thành. Hai bên tuyến đường, các công trình hạ tầng như vỉa hè, cây xanh, trạm điện… đang được hoàn thiện những hạng mục cuối, các hộ dân sau giải phóng mặt bằng (GPMB) cũng khẩn trương xây sửa lại nhà cửa để ổn định cuộc sống.
Đại diện Sở QH - KT Hà Nội cho hay, tuyến đường Vành đai 2 hiện vẫn chưa có quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị hai bên. Tuy nhiên, trong khi chờ các đồ án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Sở QH - KT đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời về quản lý xây dựng, kiến trúc công trình hai bên tuyến đường làm cơ sở để UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xem xét, hướng dẫn chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân cải tạo, chỉnh trang và cấp phép xây dựng công trình hai bên tuyến đuờng. Mục đích là nhằm quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan hai bên tuyến đường, các nút giao thông, tạo diện mạo văn minh, hiện đại, đảm bảo tính thống nhất trên toàn tuyến. Đồng thời xử lý triệt để các trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo” kết hợp với chỉnh trang đô thị.
Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy tồn tại không ít bất cập trong xây dựng nhà cửa và những công trình hạ tầng trên tuyến đường này khiến bộ mặt hai bên tuyến phố trở lên lôm nhôm. Đáng nói nhất là tình trạng chênh lệch cốt nền nhà dân với đường phố. Đi dọc theo hướng Vĩnh Tuy - Đại La, hầu hết nền nhà dân đều cao hơn so với mặt vỉa hè từ 30 - 40cm, thậm chí có những ngôi nhà nền cao hơn mặt đường đến hơn 1m.
Ngược lại theo hướng Đại La - Vĩnh Tuy lại xuất hiện tình trạng ngôi nhà có nền thấp hơn vỉa hè vài chục centimet. Anh Toàn (chủ cửa hàng giày dép trên phố Minh Khai) cho biết, ngay sau khi GPMB, nhiều hộ dân đã bắt tay sửa chữa, xây mới nhà cửa trước khi chủ đầu tư làm đường. Do không nắm được cao độ nền đường nên mạnh ai nấy làm, có gia đình xây lại nhà ngay trên cốt nền cũ vốn trong ngõ ngách trước kia cao hơn mặt đường đến cả mét. Trong khi đó, việc xây bậc tam cấp trên vỉa hè để vào nhà là không được phép nên nhiều gia đình đã "sáng chế" ra đủ loại kết cấu tạm để lên xuống như gạch, thang sắt, thang gỗ…
Ngoài ra, trên toàn tuyến có rất nhiều ô đất không còn vuông vắn sau GPMB được người dân tận dụng xây những ngôi nhà với các kiểu hình dạng, kiến trúc kỳ dị. Đặc biệt, ngay đầu ngõ 128C, phố Đại La đang tồn tại ngôi nhà 4 tầng như một lô cốt đứng sừng sững án ngữ, tiếp giáp với đường Đại La làm che khuất tầm nhìn, mất mỹ quan đô thị nhưng không thể giải tỏa do nằm ngoài chỉ giới GPMB.
Chưa có tuyến phố nào thực hiện thiết kế đô thị thành công
Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng, trong những năm gần đây, TP. Hà Nội đã đầu tư xây dựng, mở rộng nhiều tuyến đường từ nội đô đến vành đai. Song có một thực tế cần nhìn nhận là đường được xây dựng, mở rộng đến đâu thì tình trạng nhà cửa hai bên mọc lên lộn xộn đến đó.
Tồn tại này cho thấy yếu tố thiết kế đô thị đang bị xem nhẹ, trong khi công tác quản lý đô thị còn lỏng lẻo nên đến nay vẫn chưa có những tuyến đường, phố đẹp, văn minh hiện đại đúng nghĩa.
Mặc dù đã nghiên cứu thiết kế đô thị gần 20 năm nay nhưng trên thực tế chưa có thiết kế tuyến phố nào được thực hiện thành công. Các nhà quản lý đô thị chưa áp dụng thiết kế đô thị thành một công cụ quản lý dẫn đến nảy sinh nhiều vấn đề như vỉa hè bị lấn chiếm, nhà xây không theo trật tự, biển quảng cáo lộn xộn, thậm chí xảy ra không ít kiện tụng liên quan đến vấn đề này.
Theo Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, KTS. Phạm Thanh Tùng, trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị là một phần quan trọng, không thể thiếu đối với một đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, là công cụ hữu hiệu của chính quyền trong quản lý đô thị.
“Thiết kế đô thị sẽ cho ra những khu phố tiện nghi, dãy phố có nhịp điệu kiến trúc, hài hòa về màu sắc, những không gian xanh, không gian công cộng phục vụ cho cuộc sống con người, từ kiểu dáng đèn đường, biển quảng cáo, biển báo, thùng rác, chỗ nghỉ chân... Đặc biệt, khi có thiết kế đô thị sẽ không có chỗ cho những nhà siêu mỏng, siêu méo xây dựng một cách vô lối như đã và đang xảy ra. Đồng thời sẽ không có chuyện nhà xây cao tầng bị cắt ngọn, không có chuyện kiện tụng, thanh tra vì xây dựng không phép và trái phép”, KTS. Phạm Thanh Tùng khẳng định.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng, ý thức của người dân đô thị cũng là một trong những nguyên nhân khiến bộ mặt đô thị trở nên nhem nhuốc, thiết kế đô thị không được thực thi hiệu quả. Như tại tuyến đường Vành đai 2, hè đường phố vừa mới hoàn thiện xong, chỉ vài ba ngày sau, trước cửa các ngôi nhà mặt phố đã xuất hiện hàng loạt các mặt vát nghiêng nối từ mặt đường lên hè đủ kiểu cách khác nhau, tùy tiện tạo dựng để dễ dàng cho xe lên xuống gây mất thẩm mỹ.
Không những vậy, trên các hè phố, sự lủng củng cao thấp, thò thụt của các bậc cấp lên xuống trước cửa các nhà dân mặt phố cũng cho thấy sự thiếu quản lý, giám sát. Khi cấp phép xây dựng đã không quản lý tốt về cốt nền đô thị, người dân tự ý xác định nền nhà của mình, đề phòng Nhà nước làm đường nâng cốt, những dự phòng khác nhau của người dân đã dẫn đến thảm cảnh này.
Thiết kế đô thị là lĩnh vực rất cũ của thế giới nhưng ở Việt Nam lại là vấn đề mới và đang bị hổng cả về đội ngũ làm chuyên môn lẫn tư duy quản lý. Quy mô đô thị của Hà Nội ngày càng mở rộng, việc xây dựng, tái thiết đô thị sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, nhất là điều kiện vật chất người dân đô thị ngày càng nâng lên, muốn thể hiện phong cách cho ngôi nhà của mình, nếu thiết kế đô thị không được chú trọng sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng mất kiểm soát kiến trúc đô thị.
KTS. Trần Minh Tùng (Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội)