Aa

Cần triển khai nhiều giải pháp để đẩy thông nhà ở xã hội

Dương Minh Anh
Dương Minh Anh duongminhanh070902@gmail.com
Thứ Ba, 17/12/2024 - 07:08

Mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực, song, những vướng mắc trong triển khai cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội như trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua, bán phức tạp hơn các dự án nhà ở thương mại; chính sách đối với chủ đầu tư chưa thật sự hấp dẫn, ưu đãi… vẫn khiến cho tiến trình thực hiện mục tiêu nhà ở xã hội chững lại trong thời gian qua.

Tiến độ triển khai dự án nhà ở xã hội vẫn chậm

Báo cáo của các địa phương về kết quả thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" chỉ rõ, ước tính giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 565.177 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 79 dự án với quy mô 42.414 căn; số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 131 dự án với quy mô 111.687 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 412 dự án với quy mô 411.076 căn.

Nếu chỉ tính riêng trong quý III/2024, cả nước có 8 dự án đã được triển khai với quy mô khoảng 4.960 căn. Cụ thể, có 1 dự án hoàn thành một phần với quy mô 200 căn hộ là tòa W3 - West Sky, thuộc dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên Huế; 4 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 2.084 căn bao gồm dự án khu nhà ở xã hội thuộc Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Quế Võ tại Bắc Ninh với 914 căn, dự án nhà ở xã hội Khu bờ Tả sông Hồng tại Lào Cai với 760 căn, nhà ở xã hội thuộc dự án khu nhà ở cho người thu nhập thấp và cán bộ, công nhân viên tại xã Hưng Lộc, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An với 60 căn, dự án khu đô thị mới Phú Hà thuộc tỉnh Ninh Thuận với 350 căn; có 3 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư quy mô 2.676 căn bao gồm 2 dự án tại tỉnh Hòa Bình là khu đô thị mới Trung Minh A với 1.289 căn và khu nhà ở xã hội tại Khu đô thị mới Trung Minh B với 1.072 căn, 1 dự án nhà ở xã hội tại Cần Thơ với quy mô 315 căn.

Như vậy, với số lượng căn hộ đã được khởi công, hoàn thành đến nay đã đạt khoảng 35,6% mục tiêu của Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" đặt ra đến năm 2025 là 428.000 căn.

Tiến độ triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" còn rất chậm. (Ảnh minh hoạ: Khánh Tùng)

Tiến độ triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" còn rất chậm. (Ảnh minh hoạ: Khánh Tùng)

Bên cạnh những kết quả đáng khích lệ, việc thực hiện triển khai các dự án nhà ở xã hội vẫn tồn tại những bất cập, tiến độ triển khai còn rất chậm.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, về tình hình triển khai thực hiện gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), hiện đã có thêm 4 ngân hàng (TPbank, VPBank, MBBank, Techcombank) có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo tổng hợp, mới chỉ có 34/63 UBND tỉnh có văn bản, công bố 83 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi trên Cổng thông tin điện tử.

Về kết quả giải ngân, tính đến nay, tổng dư nợ đạt 1.783 tỷ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, trong số các dự án đủ điều kiện vay, đã có 15 dự án ký hợp đồng tín dụng với tổng mức cam kết cấp tín dụng lên đến 4.200 tỷ đồng; trong đó dư nợ là 1.633 tỷ đồng. Đối với người mua nhà, qua công tác rà soát, hiện nay, nguồn vốn 120.000 tỷ đồng mới giải ngân khoảng 150 tỷ đồng cho người mua nhà tại 12 dự án.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ ra 5 điểm nghẽn chính của nhà ở xã hội là quỹ đất, thủ tục, cơ chế, lãi suất và đầu ra thị trường. Mặc dù, thủ tục triển khai nhà ở xã hội đã được "cởi trói" phần nào, song, vẫn còn vướng mắc về cơ chế, quy trình khi mỗi địa phương thực hiện một kiểu, hồ sơ phê duyệt phức tạp, kéo dài làm nản lòng doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Đính cho biết thêm, việc tìm quỹ đất cho nhà ở xã hội đang là một thách thức lớn, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM. Ngay cả ở các tỉnh cũng có tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất do địa phương chưa quan tâm, chủ động dành quỹ đất cho loại hình này khi quy hoạch.

Đặc biệt, việc xây dựng nhà ở xã hội khó khăn hơn nhiều so với nhà ở thương mại bởi nguồn vốn hỗ trợ chủ yếu từ các gói tín dụng ngắn hạn và trung hạn, mang tính thời điểm, không bền vững. Cơ chế triển khai hiện nay vẫn yêu cầu doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư nhưng lợi nhuận tối đa chỉ được giới hạn ở mức 10% trong khi thủ tục và quy chế lại phức tạp hơn so với nhà thương mại. Điều này đã khiến nhiều chủ đầu tư không "mặn mà" với phân khúc này.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, một trong những thách thức lớn trong phát triển nhà ở xã hội là lãi suất vay. Dù nhà ở xã hội là sản phẩm mà Chính phủ hướng đến để phục vụ cho nhóm người có thu nhập thấp, nhưng mức lãi suất vay tăng từ 4,8% lên đến 6,6% hiện nay lại trở thành rào cản lớn. Mức lãi suất này thậm chí còn cao hơn cả lãi vay ưu đãi mà nhiều ngân hàng áp dụng cho mua dự án thương mại. Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc chi phí mua nhà cũng tăng, khiến người dân càng khó tiếp cận.

Cần triển khai nhiều giải pháp để đẩy thông nhà ở xã hội- Ảnh 3.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để Đề án phát triển hơn 1 triệu căn nhà ở xã hội có thể đi vào hiện thực cần có sự chung tay của "bốn nhà" gồm nhà nước, nhà băng, nhà phát triển và nhà dân. Trong đó, nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, các địa phương chủ động rà soát và thực hiện quy hoạch quỹ đất dành cho nhà ở xã hội; đồng thời sớm nghiên cứu và ban hành các chính sách hỗ trợ phù hợp với đặc thù của từng địa phương. 

Về phía nhà băng, cần xem xét lại mức lãi suất vay ưu đãi sao cho thực sự "ưu đãi" đối với nhóm người có thu nhập thấp. Các nhà phát triển dự án cần có trách nhiệm thay đổi tư duy, không chỉ "làm cho xong" mà phải "làm cho tới", đảm bảo chất lượng công trình và đầy đủ hệ sinh thái hạ tầng như giao thông, trường học, bệnh viện, chợ... Với nhà dân, ngoài sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, cần chủ động tích lũy và lập kế hoạch tài chính để hiện thực hóa giấc mơ an cư, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản đang chuyển đổi.

Bàn về vấn đề nâng cao chất lượng cho nhà ở xã hội, TS. Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp đã có những hành động thiết thực trong việc thay đổi quan điểm về làm nhà ở xã hội; hướng đến phát triển loại hình này có chất lượng tương đương nhà thương mại.

Lãnh đạo Tập đoàn cho rằng, phát triển nhà ở xã hội cần phải bước sang giai đoạn 2.0 với những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ và phương thức thi công. Hiện tại, Tập đoàn Hoàng Quân đã đăng ký với Chính phủ kế hoạch xây dựng 50.000 căn nhà ở xã hội, tương đương 50 dự án và chỉ còn khoảng 6 năm để thực hiện. Điều này đòi hỏi phải có một chiến lược phát triển nhanh chóng, với giải pháp công nghệ hiện đại để rút ngắn thời gian thi công, giúp các dự án được hoàn thành đúng tiến độ và đạt chất lượng tốt với giá rẻ hơn. 

"Về nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội, không thể chỉ dựa vào vay ngân hàng mà cần có các giải pháp huy động vốn từ quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế, ngân hàng quốc tế và các quỹ từ thiện phục vụ an sinh xã hội. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ và bền vững, từ đó giảm áp lực tài chính cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội", TS. Trương Anh Tuấn bổ sung thêm.

Nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Quyết định, Chỉ thị để hướng dẫn chi tiết trong quá trình triển khai. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 130/CĐ-TTg về việc đôn đốc tập trung chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền, cải cách và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở xã hội; yêu cầu các thủ tục hành chính liên quan đến giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng và lựa chọn nhà đầu tư phải được thực hiện nhanh chóng, công khai và minh bạch.

Về nguồn vốn, Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội và nhà ở công nhân. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần lập danh mục dự án nhà ở cho công nhân và công bố công khai để các ngân hàng có cơ sở cho vay.

Ngoài ra, các địa phương cũng được giao thực hiện nghiêm quy định về quỹ đất cho nhà lưu trú công nhân và 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội; đồng thời, cần triển khai Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội" cho giai đoạn 2021-2030.

Thủ tướng cũng chỉ đạo tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm; các dự án đã khởi công cần được đôn đốc để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, cần khẩn trương triển khai các thủ tục cần thiết để sớm khởi công.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ rà soát, bổ sung quy hoạch và bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top