Aa

Cần xóa “điểm mờ” đấu giá đất

Thứ Sáu, 01/10/2021 - 14:30

Đấu giá đất là một công tác quan trọng trong việc vốn hóa nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cần sớm rà soát, hoàn thiện những quy định của pháp luật.

Thực tế hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động đấu giá đất hiện nay cho thấy còn tồn tại nhiều “điểm mờ”, sự chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn trong các nội dung về xác định giá khởi điểm khi đấu giá, xác định các trường hợp không qua đấu giá mà giao quyền sử dụng đất...

Để tránh hiện tượng thay phiếu, lộ giá thì cần áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá công khai, khách quan và có chứng cứ kiểm tra giám sát. (Một phiên đấu giá đất ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh tư liệu)
Để tránh hiện tượng thay phiếu, lộ giá thì cần áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá công khai, khách quan và có chứng cứ kiểm tra giám sát. (Một phiên đấu giá đất ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ảnh tư liệu)

Luật chồng chéo

Có thể dẫn ra một số nội dung điển hình như đang tồn tại xung đột pháp luật giữa pháp luật về đấu giá tài sản và Luật Đất đai, cụ thể: Nghị định 43/2014 đã quy định "Tổ chức phát triển quỹ đất" trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, có chức năng "tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác".

Trong khi đó, Luật Đấu giá tài sản quy định "Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đấu giá tài sản" có trách nhiệm "Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoạt động đấu giá tài sản, chính sách, chiến lược phát triển nghề đấu giá".

Bên cạnh đó, một “điểm mờ” nữa là hiện theo khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai quy định: “đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất”.

Thực tế cho thấy đây có thể là kẽ hở để các đối tượng lợi dụng thao túng bằng việc cản trở, phá hoại cuộc đấu giá để được vận dụng quy định này.

Cần giám sát độc lập

Tại Điều 40 Luật Đấu giá quy định có bốn hình thức đấu giá, gồm đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá, đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp, đấu giá trực tuyến.

Như vậy, để tránh hiện tượng thay phiếu, lộ giá thì cần áp dụng hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá công khai, khách quan và có chứng cứ kiểm tra giám sát.

Đặc biệt, ngay cả với hoạt động của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản cũng cần sớm có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động để đảm bảo cơ quan này hoạt động trung thực, vô tư, khách quan, không xảy ra tình trạng "quân xanh, quân đỏ" làm sai lệch kết quả đấu giá. Do đó, chúng ta cần quy định về đơn vị độc lập có kinh nghiệm giám sát.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 77, Điều 79 Luật Đấu giá tài sản thì Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm "Kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm về tổ chức và hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản".

PGS. TS. Doãn Hồng Nhung

Phó Trưởng Ban Pháp chế, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top