Aa

Cần xử nghiêm các mối liên kết ngầm giữa ngân hàng với bất động sản

Thứ Ba, 07/11/2017 - 06:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải dứt điểm tình trạng tiềm ẩn sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại, tiếp tục sáp nhập, hợp nhất những ngân hàng thương mại yếu kém, bên cạnh đó phải xử lý nghiêm nhằm chấm dứt những mối liên kết ngầm giữa thị trường tín dụng với thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội năm 2017 sáng ngày 1/11 vừa qua tại Hội trường kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy của đoàn Đà Nẵng đã có 5 kiến nghị về phát triển kinh tế.

Thứ nhất, đại biểu đồng tình với 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ đề ra nhưng đề nghị cần phải tách bạch giữa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện từng mục tiêu đề ra trong từng nhóm nội dung. Trong đó từng lĩnh vực cần phải có giải pháp cụ thể hơn, nhất là các lĩnh vực đang rất bức xúc như môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng buôn lậu qua biên giới đang phá hoại nền kinh tế. Đồng thời, chú trọng các biện pháp giảm nghèo bền vững.

Thứ hai, đại biểu đề nghị cần tập trung hơn mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng thông qua chính sách tạo động lực để tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là trong nông nghiệp và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Giảm dần sản phẩm gia công có giá trị gia tăng thấp, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, đầu tư đổi mới công nghệ. Cần triển khai có hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chức năng sản xuất công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Và đại biểu cho rằng GDP là quan trọng, nhưng quan trọng hơn vẫn là chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.

Thứ ba, theo đại biểu trong nhiều năm nữa nước ta còn phải thực hiện chính sách chủ động bội chi bằng con đường vay nợ để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa đất nước. Đại biểu tán thành với mức bội chi ngân sách là 3,5% GDP nhưng đề nghị Chính phủ phải kèm theo các điều kiện nghiêm ngặt như là có chiến lược nợ của Chính phủ và nợ quốc gia rõ ràng; áp dụng các điều kiện bảo đảm hiệu quả trong đầu tư; phải xem xét việc xây dựng trụ sở làm việc của hệ thống chính trị là chi tiêu dùng, không phải là đầu tư, loại ra ngoài nguồn vốn đầu tư hàng năm; cân đối kỹ khả năng trả nợ hàng năm cả về Việt Nam Đồng và ngoại tệ; tuân thủ nguyên tắc chi phí cơ hội và tính đồng bộ trong đầu tư; chi tiêu thường xuyên của nhà nước thực sự tiết kiệm, phải giảm tỷ lệ chi thường xuyên trong cơ cấu chi ngân sách; cơ chế phân bổ vốn đầu tư phải minh bạch; cơ chế giám sát dòng vốn đầu tư phải chặt chẽ. Nếu tiếp tục cách làm như những năm qua thì hệ lụy không chỉ tăng rủi ro cho hệ thống tài chính, mất an toàn nợ công mà còn góp phần gây bất ổn vĩ mô.

Đại biểu Thúy cũng rất tâm huyết với lĩnh vực tài chính ngân hàng khi có kiến nghị tiếp theo rằng cần triển khai đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết số 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện đồng bộ với giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng tiềm ẩn sở hữu chéo của các ngân hàng thương mại, tiếp tục sáp nhập, hợp nhất những ngân hàng thương mại yếu kém. Phải đặt yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp và tính chuyên nghiệp của viên chức ngân hàng thương mại lên hàng đầu. Ngoài ra phải xử lý nghiêm nhằm chấm dứt những mối liên kết ngầm giữa thị trường tín dụng với thị trường bất động sản, đồng thời tạo cơ chế liên thông, minh bạch giữa hai thị trường tài chính và bất động sản bằng các công cụ thị trường.

Đại biểu Thúy cho rằng tuân thủ pháp luật phải được xem là nền tảng của hoạt động tín dụng ngân hàng. Chúng ta biết mục tiêu tái cơ cấu của hệ thống ngân hàng thương mại càng chậm thì càng tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô và chậm khai thông điểm nghẽn về vốn cho nền kinh tế. Hiện nay hệ thống ngân hàng thương mại cung cấp khoảng 75% nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Kiến nghị cuối cùng đó là đại biểu đề nghị Chính phủ cho rà soát lại các quy định dưới luật như nghị định của Chính phủ, thông tư của các bộ triển khai các đạo luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động đầu tư kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản mà hiện nay các doanh nghiệp cho rằng luật thì thông thoáng, còn dưới luật thì trói buộc, tạo điều kiện gây khó dễ cho doanh nghiệp. Tình trạng trên rải thảm dưới rải đinh không chỉ giữa lãnh đạo với bộ máy thừa hành mà còn là giữa luật với văn bản dưới luật. Đại biểu đề nghị cần xem đây là một nội dung quan trọng của cải cách hành chính.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top