Góp ý vào dự án sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD), ĐBQH Phạm Đức Ấn (đoàn TP. Hà Nội) - Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đã phân tích về những nội dung đang được quan tâm, đó là can thiệp sớm và kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng.
Về can thiệp sớm tại Điều 156, đại biểu Phạm Đức Ấn nhận định, sự khác nhau của hai ý kiến không nhiều. Phương án 1 nêu ra để đặt vào tình trạng can thiệp sớm chỉ cần có yếu tố là lỗ đến trên 15% vốn tự có và quỹ dự trữ. Phương án 2 lại tiếp cận từ an toàn vốn, vì vậy ngoài việc bị lỗ lũy kế trên 15% còn bị cộng thêm vi phạm về tỷ lệ an toàn vốn. Cách tiếp cận này theo tôi thấy rất hợp lý. Bởi vì khi bị lỗ lũy kế, tổ chức tín dụng có thể sẽ được cổ đông hoặc chủ sở hữu tăng thêm vốn, hoặc tổ chức tín dụng đó có thể cơ cấu lại các khoản đầu tư của mình, các khoản đầu tư có hiệu quả khi bán đi sẽ giải quyết được vấn đề về lỗ lũy kế đó. Vì vậy cũng chưa nhất thiết phải bắt buộc áp dụng can thiệp sớm.
"Như vậy với nội dung này, tôi thấy nên dung hòa cả 2 phương án. Khi TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ Quỹ dự trữ và không có phương án khả thi để khắc phục lỗ lũy kế được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận sẽ thuộc đối tượng cần can thiệp sớm", ông Ấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, phương án 1 cũng bỏ quy định TCTD bị rút tiền hàng loạt và chuyển sang đối tượng để kiểm soát đặc biệt. Còn phương án 2 lại cho rằng đấy là đối tượng để can thiệp sớm. Tuy nhiên, để một TCTD bị rút tiền hàng loạt thì có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả những nguyên nhân từ những thông tin thất thiệt và có thể có thông tin thật là một vài vị lãnh đạo cấp cao bị truy tố, khởi tố, nhưng thực chất nó không hẳn liên quan đến rủi ro của tổ chức tín dụng. Vì vậy, nên trao quyền quyết định cho Ngân hàng Nhà nước và cụ thể là Ngân hàng Nhà nước xem xét áp dụng can thiệp sớm trong trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt.
Cũng theo đại biểu Phạm Đức Ấn: "Khi phát sinh một hoặc một vài ngân hàng yếu kém mà dẫn đến các tổ chức tín dụng khác sẽ phản ứng dây chuyền và có thể xảy ra rút tiền hàng loạt thì việc các TCTD hỗ trợ lẫn nhau là điều rất cần thiết, nếu không có thể sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề, mà lúc đó chỉ một mình Ngân hàng Nhà nước để giải quyết vấn đề thì sẽ rất thách thức. Như vậy cũng cần có những cơ chế để ngoài Ngân hàng Nhà nước ra, các tổ chức tín dụng có thể trực tiếp hỗ trợ các tổ chức tín dụng có vấn đề và phải có cơ sở pháp lý để bảo vệ các TCTD hỗ trợ này. Vì vậy, những quy định dự thảo đưa ra từ kỳ họp thứ 5 cũng cần được nghiên cứu để đưa vào lại trong lần này".
Về điều kiện kiểm soát đặc biệt tại Điều 162, đại biểu Phạm Đức Ấn cho hay: "Tôi nghiêng về phương án thứ 2, đó là giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước để xác định vào thời điểm nào thì áp dụng kiểm soát đặc biệt. Bởi vì kể cả trường hợp có lỗ lũy kế đến 100% vốn điều lệ và quỹ dự trữ thì thực tế hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian vừa qua nếu can thiệp sớm sẽ mang lại hiệu quả cao hơn là đưa vào kiểm soát đặc biệt.
Thực tế mà nói thì dấu hiệu lỗ lũy kế hay rút tiền hàng loạt cũng chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ cần phải giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước quyết định nội dung này. Đây không phải là quyền mà là một trách nhiệm rất lớn của Ngân hàng Nhà nước. Bởi vì làm thế nào để chọn một thời điểm phù hợp nhất để đảm bảo rằng việc đấy hoàn toàn thích hợp, nếu sớm quá nhiều khi không đáp ứng được yêu cầu cứu TCTD đó. Đồng thời, làm thế nào để không bị những vấn đề phức tạp phát sinh thêm, đấy là vấn đề tôi nghĩ cần phải xác định rõ.
Ngoài ra, qua thực tiễn của Mỹ, Thụy Sĩ trong thời gian qua cũng cần giao cho cấp thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp đặc biệt ngoài tiền lệ, nhưng với một mục đích duy nhất, đó là đảm bảo an toàn hệ thống để xử lý. Bởi vì chính các ngân hàng trung ương Mỹ và Thụy Sĩ đã có những biện pháp nằm ngoài tiền lệ này.
Về vấn đề liên quan đến khoản vay đặc biệt. Đối với quy định tại khoản 5 Điều 183 quy định cho vay đặc biệt đảm bảo bắt buộc phải có tài sản đảm bảo. Theo tôi vấn đề này nên xem xét, bởi vì trong thực tế khi TCTD chưa thanh toán hết nợ giữa người gửi tiền thì trong trường hợp cần thiết, kể cả chưa làm được thủ tục đảm bảo tài sản thì Ngân hàng nhà nước vẫn phải có khoản cho vay đặc biệt. Cần phải lưu ý về nội dung này".
Về áp dụng kiểm soát đặc biệt Tổ chức tín dụng - Điều 162, có 2 phương án:
Phương án 1: Điều chỉnh theo hướng: (1) Đặt ngay vào kiểm soát đặc biệt khi: TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và quỹ dự trữ; Hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà TCTD không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm; (NHNN xét thấy TCTD được can thiệp sớm không có khả năng phục hồi theo phương án khắc phục; TCTD bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản (như dự thảo Luật trình tại Kỳ họp thứ 5);
(2) Xem xét, quyết định đặt vào kiểm soát đặc biệt đối với: Trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 145 của Luật hiện hành, gồm: mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của NHNN; số lỗ lũy kế của TCTD lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục; xếp hạng yếu kém trong 02 năm liên tục; Rút tiền hàng loạt. Đồng thời, bỏ khoản 3 Điều 162 do chưa xác định rõ biện pháp đặc biệt trong trường hợp này là gì, điều kiện nào để Chính phủ phải quyết định và báo cáo Quốc hội.
Theo phương án này sẽ bảo đảm tính răn đe đồng thời bao quát được các trường hợp từ can thiệp sớm đến kiểm soát đặc biệt gắn với mức độ kỷ luật thị trường tăng dần (từ TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ sẽ đặt vào can thiệp sớm; từ lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ sẽ xem xét, quyết định đặt vào kiểm soát đặc biệt và từ lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ phải đặt ngay vào kiểm soát đặc biệt).
Phương án 2: Giữ quy định NHNN xem xét, quyết định các trường hợp đặt vào kiểm soát đặc biệt, trong đó có trường hợp TCTD bị rút tiền hàng loạt và có lỗ lũy kế lớn hơn 100% giá trị của vốn điều lệ và quỹ dự trữ; giữ khoản 3 về các biện pháp đặc biệt khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt để xử lý những vấn đề thực tiễn phát sinh chưa có quy định hoặc phải áp dụng biện pháp cần thiết khác mà chưa dự liệu được ở thời điểm hiện tại để đảm bảo an toàn hệ thống TCTD, trật tự, an toàn xã hội (như dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 5). Chính phủ nhất trí với phương án này và cho rằng việc đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt nên được xem xét, cân nhắc trên nhiều yếu tố khác nhau. Việc quy định “cứng” ngay lập tức đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt cần được cân nhắc thận trọng.
Đa số ý kiến UBTVQH thống nhất với phương án 1. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng của dự thảo Luật có quan hệ mật thiết với các quy định về can thiệp sớm, là căn cứ để xử lý các TCTD có vấn đề, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong báo cáo của Chính phủ cũng chưa đánh giá đủ rõ và đầy đủ tác động của các chính sách trong dự thảo Luật hiện nay, nên chưa đủ cơ sở để thiết kế phương án tối ưu. UBTVQH xin báo cáo để Quốc hội thảo luận, cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến ĐBQH, UBTVQH sẽ đề nghị Chính phủ đề xuất cụ thể các trường hợp can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, thuyết minh các trường hợp và đánh giá tác động cụ thể hơn.
Về áp dụng can thiệp sớm TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 156): Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu sửa đổi một cách kỹ lưỡng đối với các quy định liên quan đến can thiệp sớm, quản trị rủi ro ngân hàng; quy định can thiệp sớm như dự thảo luật vẫn là chậm.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng sớm hơn, cụ thể, đối với trường hợp lỗ lũy kế của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là 20%), vi phạm tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 30 ngày liên tục (so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 là 3 tháng liên tục). Đối với phương án thiết kế nội dung về can thiệp sớm trong trường hợp lỗ lũy kế và rút tiền hàng loạt, có 2 phương án như sau:
Phương án 1: Giữ quy định TCTD được can thiệp sớm chỉ căn cứ vào lỗ lũy kế là 15%, không kết hợp thêm các điều kiện khác để tránh trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể có lỗ lũy kế cao nhưng không được cảnh báo, xử lý kịp thời; bỏ trường hợp rút tiền hàng loạt do đây là trường hợp nhiều người gửi tiền cùng rút tiền, dẫn đến TCTD mất khả năng chi trả hoặc có nguy cơ mất khả năng chi trả, thuộc trường hợp được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt theo Luật hiện hành. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy định phù hợp với TCTD phi ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô.
Phương án 2: Kết hợp tiêu chí lỗ lũy kế và tiêu chí vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn như ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 612/BC-CP vì có một số trường hợp TCTD có lỗ lũy kế lớn hơn 15% giá trị vốn điều lệ, vốn được cấp nhưng TCTD này đã khắc phục được nguyên nhân dẫn đến lỗ (như tăng vốn, giảm đầu tư) và bảo đảm tỷ lệ bảo đảm an toàn; giữ quy định về rút tiền hàng loạt.