“Đêm qua sân trước một nhành mai” - đây là một lời nhắn nhủ muôn đời cho con cháu, phải luôn “thấy” được “nhành mai” của “đêm hôm qua” vẫn còn đó. Nghĩa là cái tinh hoa, cái sức mạnh trong kho tàng tuệ giác của cha ông làm nền cho một bước tiến thịnh vượng mới luôn đủ đầy.
Có bao nhiêu đêm đi qua, là có bấy nhiêu ngày mới trở lại. Đó là quy luật. Niềm tin vào vận mệnh đi lên của dân tộc không bao giờ mất trong tôi. Tôi được sinh ra từ trong niềm tin đó của bố và của mẹ hằng ngày tưới tẩm vào nếp sống anh em chúng tôi. Bố tôi, ông có niềm tin lớn đến tuyệt đối vào sự linh thiêng che chở của tổ tiên. Đó là niềm tin vào nền tâm linh của dân tộc, vào nếp sống đạo đức biết khoan dung và hành thiện giúp người. Chân lý rất mộc mạc ông trao truyền hàng ngày cho anh em chúng tôi chính là: “ăn hiền ở lành”.
Theo thời gian, nhờ nương vào nếp sống của gia đình trao truyền với đạo lý “ăn hiền ở lành”, tuổi chúng tôi cứ lớn dần thì sự quan tâm đến mọi người và xã hội của chúng tôi cũng lớn dần. Bốn chữ “ăn hiền ở lành” là tiêu chuẩn về quan điểm sống bố mẹ tôi dạy con cái. Nhờ đạo lý đơn giản này mà chúng tôi luôn sống hòa hợp với bản thân, môi trường xung quanh và với thiên nhiên. “Ăn hiền ở lành” – vận mệnh dân tộc không ngoài phạm trù nhân quả đó.
Chúng tôi được bố mẹ dạy từ nhỏ, “học ăn” trước hết là học cách cư xử với chính mình, “học ở” là học cách cư xử với môi trường sống. Trong đời sống của gia đình nông thôn, chúng tôi lớn lên, nói đến “ăn”, đầu tiên là nói đến cách hành xử với mình, nói đến “ở” là nói đến cách hành xử với tha nhân là bà con lối xóm và với thiên nhiên. Thực ra, khi chúng ta học được cách ăn, cũng là khi ta học cách “ở”. Ăn thế nào cho cơ thể khỏe mạnh, ăn thế nào để bảo vệ đất mẹ và hài hòa với tự nhiên cũng chính là cách “ở” đầu tiên chúng ta cần học.
Đất nước đang chuyển mình. Chúng ta đang đứng trước một lựa chọn: bước vào vận hội mới để tìm sự thịnh vượng trong cuộc cách mạng 4.0 trên nền văn hóa dân tộc, hay tiếp tục tuột dốc để tàn phá đến tận cùng đất mẹ?
Cơ thể của con người trong đời sống xã hội ngày nay càng thêm nhiều bệnh tật. Thiên nhiên mỗi ngày thêm kiệt quệ tài nguyên. Văn hóa dần dần bị mất đi giá trị nguồn cội và méo mó, lệch lạc. Tật bệnh tràn lan, khí hậu nóng lên trên toàn cầu, cháy rừng amazon… Con người lo lắng, thiên nhiên kêu cứu…
Nhìn vào ngày hôm nay, phải chăng chúng ta đã sai từ cách “ăn”? Dân tộc cũng như một cơ thể, chúng ta đã đưa vào “cơ thể” dân tộc chúng ta những “thức ăn” không phù hợp với thể trạng mình. Cơ thể dân tộc từ lâu đã dần dần bị ngộ độc. Vậy vấn đề đặt ra là làm sao để có thể giải độc cho cơ thể đất mẹ và dân tộc.
Bắt đầu từ điều bố mẹ từng dặn dò: “Ăn hiền, ở lành”, tôi nhận ra chân lý đơn thuần ấy đủ để bắt đầu cho một sự ươm mầm những đổi thay tích cực nơi con người và rộng hơn là cả cộng đồng.
Ta thử ngồi lại với nhau, ngày Tết nói chuyện “ăn”. Bình tâm nhìn lại quá khứ đất nước đã trải qua, có khi nào ta nhận thấy dân tộc mình như một cơ thể đang ở tình trạng nhiễm độc? Hiểu ở nghĩa của con người, hiểu ở nghĩa của thiên nhiên, hiểu ở nghĩa của văn hóa, quả thực là chúng ta đang bị nhiễm độc nặng. Việc cần là giải độc!
Chúng ta “ăn” chưa hiền, vì vậy chúng ta đang “ở” chưa lành. Vận mệnh của dân tộc chính phụ thuộc vào vận mệnh từng con người nhân lên.
Đã từ lâu, thức ăn văn hóa chúng ta đang ăn không phù hợp với thể trạng dân tộc chúng ta. Thức ăn đó “không hiền” như chúng ta nghĩ. Chúng ta tiếp nhận cái mới, ngỡ nó là cứu tinh, là giải pháp toàn năng. Vì nôn nóng cần một giải pháp cho cuộc giải phóng dân tộc, chúng ta đã làm mất dần trong lòng bao thế hệ niềm tin vào nền văn hóa dân tộc. Oái oăm là thế hệ chúng ta phần nhiều đã quay lưng với quá khứ. Từ đó chúng ta hình thành hệ ý thức xây dựng căn nhà xã hội kiểu mới, không có nền móng vững chắc của văn hóa dân tộc.
Ta đủ bình tâm nhìn thẳng vào thực tại với những nóng vội chọn những “thức ăn nhanh” cho ý muốn mau chóng hòa nhập với hiện đại và xây dựng đời sống mới. Có những nét văn hóa đã có lúc nằm trên bờ vực bị “hòa tan” trước khi kịp hội nhập; có những lối sống tha hóa theo đua đòi khi ập vào tiếp cận mà chưa biết chọn lọc trước nhiều nền văn hóa và nhiều lối sống cũng như tiện nghi trong cộng đồng toàn cầu.
Chúng ta, cả dân tộc, từ lâu nay như lơ lửng giữa trạng thái cơ thể mất trọng lực. Chúng ta mất phương hướng, không kiểm soát được sự tha hóa. Như một người lạc giữa ma trận, hay như một kẻ đi xa lâu ngày mệt mỏi lại đến giữa ngã ba đường, phân vân chưa chọn được lối rẽ, quyết định sinh tồn cho vận mệnh chính mình!?
Chúng ta đã “ăn” những gì để cơ thể dân tộc nằm lâu trong tình trạng nhiễm độc như vậy? Qua năm tháng, càng lâu thì chất độc càng thấm sâu vào nội tạng. Đã đến lúc, chúng ta cần một giải pháp giải độc có lộ trình, giải độc chuyên sâu, đồng bộ và hiệu quả. Làm được như vậy, khi chúng ta đưa được những thức ăn bổ dưỡng vào thì cơ thể chúng ta mới hấp thu tốt nhất để phát huy tác dụng nuôi dưỡng. Nếu được giải độc, cơ thể sớm phục hồi. Tôi thấy không thiếu giải pháp hiệu quả, như những dưỡng chất cần thiết để nâng cao thể lực đất nước.
Chúng ta thử lấy một ví dụ trên cơ thể con người. Khi một người bị ung thư chẳng hạn, việc rất cần là thải độc cho cơ thể họ. Một người ung thư là một người do cơ thể lâu ngày nằm trong tình trạng thiếu chất, thừa độc tố đã đưa đến rối loạn. Rối loạn là do cơ thể không cung cấp thức ăn tốt (thức ăn có đủ các vitamin, khoáng đa lượng và vi lượng) hàng ngày. Trong khi đó thức ăn đưa vào lại kém phẩm chất, mang theo nhiều độc tố trong nó.
Tình trạng đó diễn ra lâu ngày đưa đến rối loạn chuyển hóa và dẫn đến bế tắc trong các hoạt động của tế bào. Thay vì tế bào như quy luật bình thường, có sinh có diệt, ở đây, cơ thể phát sinh loại tế bào chỉ sinh mà không diệt. Và khi chỉ số sinh không thể kiểm soát nghĩa là ung thư hình thành trong lòng cơ thể mà chúng ta không hay biết. Khi đã hình thành tế bào ung thư, nó sẽ lấy hết dinh dưỡng khi ta đưa vào cơ thể. Và bao nhiêu độc tố nó thải ra làm cơ thể chúng ta ngộp ứ trong tình trạng nhiễm độc. Và do cơ thể đã rối loạn lại thiếu dưỡng chất, giờ ngập trong độc tố nên cơ thể hoàn toàn mất khả năng đào thải lượng độc tố đó ra ngoài. Di căn hình thành và giết chết người đó.
Thải độc các độc tố nội sinh và ngoại sinh đang tồn tại trong cơ thể – Bổ sung các chất cần thiết – Bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của các gốc tự do – Trẻ hóa tế bào là tiến trình phục hồi cho một cơ thể đang nhiễm bệnh. Đủ tỉnh táo và có khao khát muốn lành bệnh, chúng ta sẽ nhận diện được đâu là những thức ăn đã làm cho cơ thể dân tộc trì trệ đến như hôm nay.
Từ nhiều năm nay khi đi sâu tìm hiểu và nghiên cứu sự xuống cấp của xã hội, tôi nhận thấy văn hóa vẫn là thứ căn bản để quyết định sự thay đổi (Những gì có giá trị văn hóa thực sẽ mang theo nó thuộc tính giáo dục. Và giáo dục đích thực sẽ tạo ra văn hóa đúng nghĩa). Trong đó, cơ cấu gia đình đóng góp vào giáo dục để hình thành văn hóa giữ vị trí rất quan trọng. Giáo dục gia đình góp phần rất lớn trong việc hình thành nhân cách từ sớm. Trong giáo dục gia đình, giáo dục về truyền thống là nền tảng cốt lõi.
Tôi thường nói, cha mẹ sinh con cái dù con cái có đui què tật bệnh hay tàn phế đến đâu bố mẹ vẫn yêu con, vẫn thương lo cho con. Nhưng con cái để yêu thương được cha mẹ, điều đó cần được giáo dục. Và con cái để yêu thương ngược trở lên ông bà và trên ông bà, và ngược lên nhiều đời cho đến cội nguồn dân tộc, điều ấy cần được giáo dục một cách nghiêm túc và bền bỉ. Nền giáo dục từ ấu thơ khi con trẻ đang còn sống trong gia đình với bố mẹ là yếu tố căn bản mang tính nền tảng. Đó là giáo dục truyền thống cho con biết yêu thương và nhớ ơn. Đây chính là “thức ăn” hàng ngày của mỗi một hạt giống (con trẻ) trong vườn hoa dân tộc cần được tưới tẩm, nuôi dưỡng.
Ngày nay, bố mẹ cứ ném con cho học đường, hoàn toàn giao khoán cho học đường. Đó là điều nguy hiểm. “Dạy con dạy thủa lên ba”, chúng ta cần hiểu nghiêm túc lời nói này của giống nòi. Khi một người con lớn lên, nếu không có sợi dây văn hóa truyền thống nối người đó với gia đình để liên hệ trong giáo dục, phát triển tư tưởng, họ không xác định được văn hóa gốc của mình. Từ đó, người ấy sẽ không hình thành được tư duy dân tộc làm nền tảng. Điều này rất quan trọng. Tôi được dạy từ nhỏ: “Dù đứng ở đâu trên chính chỗ con đang đứng, chỗ đó là chỗ con phải làm chủ”. Cái học làm chủ là đòi hỏi cao nhất trong giáo dục. Làm chủ được bản thân rồi mới mong làm chủ được cuộc đời mình, vận mệnh của mình. Muốn làm chủ chúng ta phải có nền tảng.
Từ trong chiếc nôi gia đình, chúng tôi được dạy về lòng biết ơn. Nếp sống ơn nghĩa nuôi sống chúng tôi khi lớn lên và vào đời. Chúng tôi được dạy, trái với ơn nghĩa là trái với đạo lý gia đình, là phủ nhận cội nguồn ân đức tiên tổ. Bài học về lòng yêu thương giống nòi nguồn cội và tâm thức biết ơn ấy không đâu xa. Nó hiện hữu một cách gần gũi và sống động trong mỗi gia đình Việt từ nhiều ngàn năm lịch sử bất kể qua bao biến đổi thăng trầm. Đó là từ ngay chính nơi ban thờ gia tiên trong mỗi gia đình. Thắp lên một nén hương, chúng tôi được dạy là thực tập thắp lên lòng thương tưởng, kính ngưỡng với tiên tổ, với nguồn cội ngàn đời. Truyền thống ấy còn, nghĩa là nét tinh hoa văn hóa Việt còn; cũng đồng thời là nguồn “thức ăn” để tưới tẩm và nuôi dưỡng hạt giống lành của tâm thức dân tộc còn.
Còn lòng biết ơn và hiếu kính được trao truyền giữa các thế hệ về tình yêu thương giống nòi là dân tộc còn đứng vững trên niềm tự hào về nguồn cội để phát triển. Chúng ta hãy cùng “khơi nguồn” để dòng chảy tinh hoa ấy luôn tưới mát và cung cấp chất dinh dưỡng cho tâm hồn của những người con nước Việt hôm nay và ngày mai…
Về xã hội, chúng tôi rất tâm đắc với quan điểm thay đổi xã hội từ bên ngoài và đề cao giáo dục ngoài học đường. Xã hội đang hình thành một xu hướng như thế và rất mãnh liệt. Chúng ta thấy nhiều trung tâm đào tạo ra đời, những chuyên gia về giáo dục ngoài học đường xuất hiện ngày càng nhiều. Đó chính là xu thế. Các doanh nghiệp liên kết với nhau thành những tổ chức theo dạng Networking. Họ học hỏi bằng các hội thảo và giúp đỡ nhau để nâng cao kiến thức về quản lý phát triển doanh nghiệp. Tôi tìm hiểu về tổ chức gọi là Hội đồng Anh, Tổ chức Pháp Việt về văn hóa, các tổ chức của người Nhật... Nhưng, tôi nhận thấy, đây là thế kỷ mà thế giới nhận diện nhau qua văn hóa và tâm linh. Đất nước nào có một nền văn hóa và tâm linh cao, đất nước đó là điểm đến. Bên cạnh đó là sách, thứ kiến thức ngoài học đường không thể thiếu trên hành trình học hỏi và hoàn thiện suốt đời.
Từ giáo dục và văn hóa đó, chúng ta thay đổi được quan niệm của con người ngày nay. Nghĩa là thay đổi được hướng đi kinh tế trong tầm nhìn phát triển. Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ vừa rồi, chúng tôi hân hạnh được gặp đức Đạt Lai Lạt Ma. Người và Thiền sư Thích Nhất Hạnh là hai vị thầy tâm linh lớn nhất trên thế giới. Quan điểm của Ngài rất rõ, làm sao để xây dựng được một nền giáo dục nhân loại hoàn chỉnh. Nền giáo dục của nhân loại ngày nay chỉ giáo dục con người hướng đến vật chất. Đó là một nền giáo dục khiếm khuyết. Giáo dục tình thương, theo Ngài, đã không được xem trọng trong nền giáo dục ngày nay. Ngài nói, chúng ta đã sinh ra trong nền giáo dục khiếm khuyết đó, chúng ta là người khiếm khuyết. Hãy thay đổi nó! Giáo dục phải trên nền tảng mang tính dân tộc, tính nhân bản và tính khai phóng.
Sống đời sống tin yêu bằng “bầu ơi thương lấy bí cùng” đã bao đời nay người dân đùm bọc nâng đỡ nhau trong khốn khó đi lên. Đó luôn là sức mạnh. Nó được chứng minh qua hai triều đại vững mạnh của dân tộc ta: triều Lý và triều Trần. Anh hùng nhưng thuần từ và vững mạnh trong phát triển kinh tế. Phải chăng nó đặt giáo dục trên một nền văn minh vật chất? Không. Nó được đặt trên nền văn minh Đạo Bụt và tinh thần Hiếu - Nghĩa của dân dộc. Một nền giáo dục Đế Vương Học đã hình thành từ Đại Việt hàng ngàn năm trước để từ nhà giáo dục vĩ đại - Vạn Hạnh, đào tạo ra Lý Công Uẩn khai sinh một nền thịnh vượng cho dân tộc trải dài trên 200 năm. Nhà Trần tiếp nối được nền giáo dục đó đã đào tạo những minh quân, những nhà văn hóa, những bậc võ tướng thiên tài.
Nền móng giáo dục và thầy giáo lỗi lạc không phải bắt đầu với Chu Văn An như bây giờ người ta đang cổ xúy. Nền giáo dục nhân bản và khai phóng đó đã dựa trên tinh thần dân tộc được định hướng bởi giáo lý Đạo Bụt, để những người con như Khương Tăng Hội vào cuối thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch đã đến khai phóng cho Đông Ngô lúc bấy giờ Tôn Quyền đang làm vua. Nền giáo dục đó, bắt đầu với Lý Thánh Tông đã đem về cho Đại Việt việc mở mang bờ cõi, với sự quy hàng của Chế Củ dâng ba châu Địa lý Ma Linh và bố Chính. Và rồi sau họ là Quân vương Trần Nhân Tông với cuộc đại thắng vô tiền khoáng hậu trước đế quốc Nguyên Mông. Rồi Chúa Nguyễn Phúc Chu sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh cắm cờ lấy đất Gia Định bước tiếp ý nguyện chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Vua Gia Long. Trần Nhân Tông là Phật Hoàng, Nguyễn Phúc Chu là một Bồ Tát Giới tại gia.
Cha ông chúng ta là người thấm nhuần cái đạo “ăn” – “ở” của tổ tiên giống nòi Việt 5.000 năm qua. Các vị tiền nhân chúng ta cho rằng tội nặng nhất là tội bất hiếu. Họ đã biết xây dựng một nền giáo dục gia đình rất vững chắc từ lòng biết ơn và khoan dung. Biết ơn làm phát triển tình thương, lòng khoan dung làm phát sinh đức hy sinh. Yêu nước chỉ có được khi con trẻ biết yêu bố mẹ và gia đình mình từ một nếp sống có ơn có nghĩa.
Chúng ta đã “nhận về” những gì từ cha ông, từ cuộc đời, từ đất mẹ và thiên nhiên? Chúng ta lấy gì để “trả lại”? Có một gợi ý nho nhỏ cho bạn từ lời dạy của cha ông mà bố mẹ tôi luôn căn dặn chúng tôi, ấy là: “Ăn hiền, ở lành”. Chúng ta cần biết ăn uống hiền hòa, sống đời lành lẽ với chính mình và với cuộc đời, với đất mẹ hơn. Sự chuyển hóa lớn lao luôn được bắt nguồn từ những thay đổi rất vi tế. Nó nằm ở nơi nhận thức của mỗi người. Từ nhận thức tốt mà đến hành động tốt, thói quen tốt và hình thành nên một nền tảng ý thức tốt, dẫn đến hệ quả là những chuyển biến tích cực và tốt đẹp.
“Đêm qua sân trước một nhành mai” – Phải luôn “thấy” được “nhành mai” của “đêm hôm qua” vẫn còn đó. Tôi vẫn thấy còn đó cái tinh hoa, cái sức mạnh trong kho tàng tuệ giác của cha ông luôn soi đường cho một cuộc thay da đổi thịt cần thiết để đất nước và con người bước vào những ngày mới, mùa xuân mới thịnh vượng, an lành!
* Trích trong bản dịch bài kệ “Cáo tật thị chúng” của Mãn Giác thiền sư.
Phần nguyên tác:
Xuân khứ bách họa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tân,
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
Dịch:
Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Trước mắt việc đi mãi,
Trên đầu già đến rồi.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết, qua sân trước một cành mai.