Ta có trong tay cây diêm và hộp quẹt. Đây là hai điều kiện góp mặt để cho ngọn lửa biểu hiện. Nhưng chưa đủ, môi trường này phải là môi trường ôxyzen. Khi cọ xát cây diêm vào hộp quẹt ta thấy ngọn lửa có mặt.
Cho thêm một điều kiện: ta đưa tay dập tắt ngọn lửa, ta thấy ngọn lửa không có mặt. Không có mặt, vì nó không biểu hiện, chứ không phải mất hẳn.
Ngọn lửa có đó, có mặt trong những điều kiện của que diêm, của hộp quẹt, của môi trường ôxyzen. Vì vậy, khi ta thấy ánh lửa không còn, nó không mất và không đi về đâu cả. Ngọn lửa ẩn tàng hay biểu hiện. Thế thôi. Vì vậy khái niệm còn - mất, đến - đi không diễn tả được thực tại của ngọn lửa.
Trong ta luôn hình thành ý niệm chết là mất, là đang từ có mà trở thành không, và sinh là từ không mà bây giờ trở thành có. Cái nhìn đó là cái nhìn mắc kẹt vào khái niệm đối đãi, nhị biên: có - không, còn - mất, đến - đi, sống - chết…
Đây là tóm tắt những gì tôi nghe được từ buổi giảng cuối trong khoá tu chùa Hoằng Pháp do Thiền Sư Nhất Hạnh hướng dẫn. Buổi giảng hôm đó có đề tài, “người thân tôi chết bây giờ ở đâu”. Sau này tôi tìm thấy đề tài ấy trong cuốn “Không sanh không diệt đừng sợ hãi” của Thầy.
Học Phật từ tuổi nhỏ, tôi luôn muốn thể nghiệm những điều học được. Nhớ có thời gian cùng các Chú tập sự xuất gia ở Sắc Tứ đi chở đất thịt về trồng cây. Khuôn viên Tổ đình Sắc Tứ toàn là đất cát. Muốn trồng cây gì chúng tôi phải ra các mảnh ruộng trước chùa chở đất thịt về cho vào dưới hố trồng cây. Vừa làm tôi vừa quán trong khi làm. Một trong những đề tài quán chiếu đó là câu: “Mình từ đâu đến, chết rồi sẽ đi về đâu?”.
Hồi đó, những hình ảnh như: Tu là như cứu lửa cháy trên đầu, sinh tử là việc lớn, người tu phải dán chữ tử lên trên trán để tu, mạng sống tựa như cây bờ giây giếng... luôn ám ảnh tôi. Một thời gian khá dài tôi hì hục chạy đua với thời gian. “Một ngày đã qua, đời sống ngắn lại, như cá ít nước, nào có vui gì…” là câu kinh luôn vang vang trong đầu. Mặt trời sắp lặn là khoá kinh chiều của tôi kết thúc với câu kinh kia. Thầy tôi còn dạy, con biết tại sao phải tụng kinh Di Đà vào buổi chiều không, vì đêm đến, ngả lưng nằm xuống là chưa chắc biết mình đã dậy được. Thầy kết luận, đời người vô thường, nay còn mai mất, nên tụng kinh Di Đà là để, nếu lỡ trút hơi thở thì nguyện vãng sinh về Tây phương luôn.
Không dùng trí năng khi đi vào công án. Vừa làm việc vừa tập trung hết tâm ý vào đề tài quán niệm. Không có gì vướng bận, không hối hả đi về đâu, không ước mong tìm kiếm gì ngoài phút giây hiện tại. Tuổi trẻ, với tất cả sức bình sinh của mình, tôi đã sống như vậy, mong muốn đạt đến những chứng nghiệm tâm linh khi thể nghiệm.
Thời gian sau này khi học ở Cao đẳng, ngoài giờ học là tôi có mặt ở các tiệm sách. Sách tôi đọc đủ các loại. Nhưng chú ý nhất là tìm xem những trình bày về thiền của các học giả và hành giả. Đọc nhiều, và không chỉ đọc, mà còn kết hợp với cái thấy từ sự thực tập, có gì khúc mắc tôi phải suy nghiệm và tự tìm cho được câu trả lời thoả đáng. Có những vấn đề chưa giải đáp được, tôi tìm gặp các thầy lớn có kinh nghiệm tu tập để hỏi. Tham khảo, không mắc kẹt vào chỉ dẫn hay giải thích đến từ bất cứ đâu, vì vậy tôi có thể lắng nghe để học hỏi tất cả.
Năm tháng miệt mài, thế nhưng có những vấn đề không thể đi vào được. Không sanh không diệt, vô khứ vô lai, có – không... Cái hiểu bằng trí năng để giảng giải về những danh từ đó qua tìm hiểu đọc sách thì tôi vẫn thường giải thích khi có Phật tử đến hỏi. Ngay cả khi giải thích cho họ rồi tôi vẫn cứ thấy chưa ổn bởi ngôn ngữ vô hồn không hoàn toàn đến từ tuệ giác. Phải nói rằng, chỉ đứng về ngôn ngữ để hiểu không thôi, thì những thuật ngữ Phật giáo kia là những thuật ngữ khó giải thích cho cặn kẽ thoả đáng nhất. Có khi nghe các thầy lớn giảng giải, chỉ là thay số ngôn ngữ này bằng một số ngôn ngữ khác rối rắm hơn.
Hôm đó, bằng hình ảnh ví dụ thật đơn giản nhưng sáng tỏ, đầy tuệ giác, chúng tôi vừa nghe vừa quán chiếu dễ dàng đề tài: Chết Đi Về Đâu….mà Thầy Nhất Hạnh cống hiến. Khoá tu bảy ngày, ngày nào Thầy cũng giảng vào buổi sáng. Bảy ngày là bảy đề tài khác nhau. Sau hơn hai mươi năm đọc và hành trì theo những gì tôi rút ra từ những lời dạy trong sách của Thầy, hôm đó là lần đầu tiên tôi được trực tiếp nghe Thầy giảng. Cũng bao nhiêu đó lời Bụt dạy mà chúng tôi đã học, đã đọc, đã thực tập, nhưng qua ngôn ngữ của Thầy, nó sáng rỡ, sống động, thực tế và mới lạ làm sao. Ngồi dưới thính chúng, tôi thật sự chấn động và hạnh phúc. Sau này tôi thường nói chuyện với mọi người, nếu ai hỏi rằng cuộc đời tôi, cái may mắn và diễm phúc nhất là gì, tôi sẽ trả lời với tất cả sự chân thành và kính cẩn, rằng: Cám ơn Cha đã giới thiệu tôi đến với Phật pháp từ nhỏ, và cái diễm phúc lớn nhất là được gặp Thiền sư Thích Nhất Hạnh, bậc giác ngộ trên đời.
Ta trở lại với đề tài trên của Thầy. Về hình ảnh ví dụ, đó là một hình ảnh ví dụ đầy sáng tạo. Tạo được hình ảnh trực quan cho hành giả trong khi nghe, để ta dễ quán chiếu và nắm bắt ngay cái cụ thể cốt lõi của đề tài. Tôi cho đó là một phát kiến đầy tuệ giác từ sự hành trì quán chiếu của Thầy, nên Thầy mới cung ứng được hình ảnh ví dụ đó cho người thực tập thiền. Ngày xưa, không có ghi chép, chỉ nhờ những ví dụ đầy hình ảnh như vậy mà đệ tử của Bụt dễ dàng ghi nhớ lời Bụt dạy để quán chiếu thành công. Ta thử lấy một ví dụ, khi Bụt dạy, “giáo lý ta chỉ có một vị duy nhất, đó là vị giải thoát. Như trăm sông đổ vào biển cả chỉ mang một vị duy nhất, đó là vị mặn”. Trăm sông hay hàng ngàn vạn sông, thì thế nào rồi cùng tìm về biển cả. Sông thì có hàng vạn cái tên khác nhau, có dị biệt, đổ vào biển chỉ mang một tên, một vị đồng nhất. Cái điều đó ai mà không hình dung đựợc chứ, quá đơn giản, nhưng thâm sâu vô cùng và dễ hiểu để nắm bắt ý chỉ từ lời dạy của Bụt.
Cái điều kiện mà Thầy đưa thêm, môi trường ôxyzen quả là mang tính chất thời đại và tinh tế. Đặc biệt và làm cho người thiền quán nhận ra, dễ nắm được vẫn là ở chỗ danh từ Thầy dùng: Ẩn tàng hay biểu hiện, để diễn đạt về “có” và “không” hay khái niệm còn - mất. Rắc rối nhất vẫn là ở chỗ làm sao để nắm bắt được Tử là Không mất, vậy nó có mặt như thế nào? Cách thầy đưa ra là biểu hiện, và không biểu hiện nữa. Dùng như vậy quả là đắc ý. Khoa học vật lý đã cho ta biết không có gì mất đi. Tổ tiên ta hàng ngàn năm nay vẫn sống với quan niệm như vậy để thờ tự cúng bái, tưởng nhớ cầu siêu cho người thân đã mất. Vì họ nghĩ chết không đi đâu cả, vẫn quanh quẩn đâu đó trong thế giới vô hình (ẩn tàng). Họ vẫn có đó, “có mặt” trong những điều kiện gần và xa, có cái ta có thể nhìn thấy, có cái ta không thể nhìn thấy.
Khi tiếp xúc với khoa học, con người đặt lại mọi vấn đề đều phải đi qua kiểm chứng, cố chấp vào thực nghiệm duy lý, ta dần xa với nếp nghĩ của tổ tiên ta.
Chỉ vì ta không nhìn thấy, chứ họ vẫn “có mặt” ở đó, luôn nghe lời mời thỉnh, cầu nguyện của cháu con. Có nhiều người sống ở thời nay, nhưng không bao giờ biết vận dụng đầu óc khách quan khoa học để quan sát các hiện tượng quanh ta. Không thấy, không biết, nên chỉ phán cho một danh từ: mê tín. Nếu chỉ bằng hai con “mắt thịt” của ta, thì giới hạn lắm. Vi khuẩn ta đâu thấy. Không có kính hiển vi ai bảo có vi trùng. Ngày xưa Bụt bảo trong bát nước có tám vạn bốn ngàn con vi trùng, nếu không cầu nguyện trước khi uống là như ăn thịt chúng sanh. Ngày xưa Bụt nói, người thời đó tin và thực tập theo. Còn ta cho là sống trong thời đại khoa học, nên bác bỏ. Chỉ tại ta mê mờ hơn vì tâm không chứa Đạo. Tôi thường nói với mọi người khi họ bảo họ không tin về những hiện tượng tâm linh kỳ bí: “Chỉ tại mình không biết, nên không tin, chứ không phải không có hiện tượng đó”. Cái gì mình không hiểu không biết đến thì gán cho là không có, là mê tín.
Trong đầu óc của loài người, với tất cả sự giới hạn che lấp bởi nhiều đời kiếp nặng nề đầy tham đắm chấp trước, nên chỉ thấy do “sinh” mà con người có mặt. Khi chết, thân thể tan hoại chẳng thấy trở lại, nên cho là không còn nữa. Giữ chặt khái niệm đó, bởi những giới hạn của tri thức, con người không thoát ra được vỏ bọc của bản ngã. Xu hướng hưởng thụ vốn đẩy con người vào những gì giới hạn ngắn ngủi trước mắt, càng tạo ra ảo giác mê lầm về ranh giới có - không, được - mất, sống - chết.
Ta thường cho cái ngày ta ra khỏi bào thai mẹ là ngày được sinh ra. Ta có thể hiểu sinh ra là như vậy, nhưng không thể hiểu đồng nghĩa, lúc sinh ra đó là từ “không” mà trở thành “có”. Khi tắt hơi thở, thân thể bắt đầu đi vào giai đoạn tan hoại, ta gọi là chết, nhưng không thể hiểu đồng nghĩa là đang từ “có”, giờ trở về “không”. Không có mất đi, không có sinh ra. Vậy không có “thêm” do sinh, và không có “bớt” do diệt. Đó là sự thật. Tựa như cao thấp khi nhìn trên từng cơn sóng, nhìn ở tổng thể bản thân nước, thì làm gì có cao thấp. “Bất tăng bất giảm”, câu kinh chúng ta đọc hằng ngày nhưng không hình dung được. Sống chết chỉ là sự tiếp nối. Nhờ chiêm nghiệm quán chiếu trên cái hiểu đó, ta dần đi vào sâu trong lòng sự sống. Ta chạm đến được sự thật.
Thủa nhỏ, cái chết mà tôi chứng kiến đầu tiên là Ông nội tôi. Lúc đó tôi đang là chú tiểu để chỏm ở chùa Sắc Tứ. Một hôm có người lên báo tin là ông nội tôi vừa qua đời. Tôi với Thầy tôi cho tôi được về nhà trước lúc nhập liệm Ông. Tôi về đến, thấy trong nhà đã rất đông người. Có người dẫn tôi đến bên xác Ông nằm trên giường. Ông mặc bộ đồ màu đỏ với chiếc khăn phủ kín mặt. Người ta dỡ chiếc khăn trên mặt Ông để cho tôi được nhìn thấy mặt Ông lần cuối. Lúc đó tôi mười tuổi, hình ảnh duy nhất mà tôi còn nhớ được trong đám tang Ông là khi tôi đến đứng bên xác Ông để nhìn mặt Ông lần cuối trước khi liệm. Tuổi nhỏ, tuy chưa hiểu gì lắm về cái chết, nhưng tôi ý thức được một điều là có một người thân đã ra đi và không còn sống bên mọi người nữa. Từ đó tôi hay chú ý khi nghe nói về một ai đó qua đời.
Lớn lên tí nữa, tôi được theo Thầy mình để đi nhập liệm khi có người mất. Tôi bắt đầu chú ý để đếm xem trong đời mình chứng kiến được bao nhiêu người chết. Lúc đó, trong trí trẻ thơ, tôi không nghĩ là có đến nhiều người chết nên mới cố gắng nhớ xem và đặc biệt chú ý khi nghe nói về một ai đó vừa qua đời. Nếu là cái chết của một người mà tôi có quen biết, thì đó là một cái tin ám ảnh tôi dai dẳng hơn. Tôi lại sinh ra sợ một ngày nào đó người thân trong gia đình sẽ ra đi vào cõi chết. Cũng theo năm tháng lớn lên trong nhà chùa, nên sự hiểu biết đã cho tôi chấp nhận một sự thật: người thân mình rồi cũng sẽ chết. Chỉ ý nghĩ đó đến thôi là cả một nỗi sợ. Không có cách nào hơn để đối mặt, tôi đành thực tập làm quen bằng cách quán chiếu mỗi khi đi nhập liệm cho ai đó. Đứng nhập liệm cho người vừa mất, tôi liền tập trung và quán chiếu đó là người thân của mình. Khi tôi thấy đó là cha là mẹ, khi tôi quán chiếu đó là anh chị hay em chẳng hạn. Tôi thấy họ chết đi và đang nằm yên bất động để đi vào cõi khác. Sau này lớn lên tôi tiếp xúc nhiều người qua đời, tôi không còn để ý đếm xem bao nhiêu người chết nữa. Nhưng đứng trước mỗi cái chết tôi đều bị chấn động và trầm ngâm suy nghĩ. Cái chết cũng sẽ đến với mình.
Một bên là ý nghĩ về cái chết sẽ bỏ lại tất cả, một bên là cuộc sống phải dồn chứa tích luỹ để tham đắm thêm lên. Càng đi sâu nghiên cứu tôi càng đầy lên nhiều mâu thuẫn trong lòng? Mình sống để làm gì? Rồi sẽ đi về đâu khi xuôi tay như những người mình từng tiễn đưa kia? Đó là lý do dẫn tôi đến chọn đề tài quán niệm: “mình từ đâu tới, chết rồi đi về đâu?”
Cái chết thứ hai mà tôi có kinh nghiệm để hướng dẫn, đó là Thầy tôi. Sau một cơn tai biến, Thầy tôi nằm liệt trên giường bịnh, không nói được, không đi lại, nói chung mọi cử động gần như tê liệt. Ở tuổi 78, gặp phải cái bịnh nan y đó, Người gần như kiệt sức và ít có cơ may hồi phục. Từ khi Người bị tai biến đến lúc qua đời vỏn vẹn 15 ngày. Chúng tôi thay nhau túc trực bên Thầy. Trong 15 ngày đó, Người có những lúc tưởng như sắp ra đi. Những khi như vậy chúng tôi ngồi yên bao quanh Thầy để niệm Bụt. Có những lúc mọi người niệm hai đến ba giờ liền, nhưng Thầy vẫn vậy. Một tay Thầy bị liệt, còn tay kia chúng tôi đưa tràng hạt cho Thầy lần. Tôi để ý quan sát, thấy Thầy tuy nằm yên bất động nhưng tay thầy vẫn lần hạt theo tiếng mõ chúng tôi gõ niệm Bụt. Có lúc tay không cầm tràng hạt, nhưng nghe tiếng niệm Bụt thì Thầy nhịp nhịp ngón tay trỏ theo nhịp mõ. Những lúc tưởng như Thầy sắp mất là chúng tôi tránh mọi tiếng động, chỉ có tiếng niệm Bụt vang vang và tiếng chuông trống Bát Nhã đều đều để tiễn đưa Thầy. Tôi cố gắng tránh tối đa tiếng khóc của mọi người. Ngồi bên Thầy nhưng tôi tuyệt đối không khóc. Người nào quá xúc động mà bật tiếng khóc là lập tức tôi đứng dậy bảo người đó đi ra ngoài phòng.
Và đây là điều tôi rút được từ kinh nghiệm tiếp cận với giây phút Thầy tôi sắp đi vào cõi khác. Tuy rất yếu vào những giờ phút cuối nhưng Thầy vẫn lấy hơi ở đan điền. Người tu, thực tập thiền định thường theo dõi hơi thở và lấy hơi ở Đan điền, nên đến khi nguy kịch hơi thở vẫn không bị dồn nén đưa đến trạng huống ngộp thở làm ức chế thần kinh, tạo ra ảo giác, dẫn đến hoang mang khiếp sợ. Bị tai biến, nằm liệt trên giường, nhưng tay Thầy vẫn lần được tràng hạt theo tiếng mõ, hay khi tay Thầy nhịp theo tiếng mõ vọng chẳng hạn. Đó là biểu hiện khả năng làm chủ tinh thần khi thân thể sắp tan hoại. Vì vẫn lấy được hơi thở đều, không thở gấp, dồn dập khi sắp qua đời. Thân thể vật lý tuân theo quy luật biến hoại, nhưng thần thức định tỉnh, làm chủ được giờ phút trút hơi thở là điều ta có khả năng đạt đến.
Chỉ đến khi nhập Tháp xong tôi mới bật khóc. Đến khi đó chúng tôi mới thấy mình bơ vơ. Chúng tôi không biết bắt đầu lại từ đâu. Sau sự kiện đó, tôi cố gắng hình dung lại tất cả nhưng vẫn không biết có phải mình và thầy chỉ duyên nợ chừng ấy khi Thầy còn sống? Giờ Thầy vào cõi khác, cái thực sự dính líu đến nhau là gì đây? Thầy có còn biết đến mình nữa không từ trong cõi giới đó? Có thực sự là Thầy đã siêu thoát? Nhưng cuộc đời không cho tôi nhiều thời giờ để ngồi yên đó chiêm nghiệm về cái chết của Thầy mình.
Thế rồi năm tháng dần dà, công việc nối tiếp công việc. Chuyện học hành, rồi nơi ăn chốn ở, bước chân hoá duyên làm thay đổi mọi chuyện. Cho đến một hôm, cái sợ vốn đưa tôi vào những đề tài quán chiếu về cái chết đã thực sự gõ cửa. Đang ngồi xem thời sự lúc 19 giờ tối, có người đến báo tin là anh ruột tôi vừa qua đời. Nghe xong nhưng tôi không tin vào cái tin đó. Mấy giây sau tôi mới tin được, vì nghĩ, biết đâu tai nạn bất thường. Đã có thời gian chuẩn bị nhưng tôi không khỏi bàng hoàng khi nghĩ về cái chết của một người thân.
Bởi Anh tôi chết ở xa nên khi quan tài Anh đưa về quê phải quàng trên nghĩa địa. Không mời được thầy nào, tôi phải đứng làm lễ chính khi di quan và hạ huyệt. Trước quan tài anh tôi, tôi đọc và khai thị cho anh về bài: “Thân này không phải là tôi, tôi không kẹt nơi thân ấy. Tôi là sự sống thanh thang, tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt…”
Tôi đã từng định tâm để đọc cho biết bao nhiêu người về bài khai thị ấy, và quán chiếu về sự tương dung giữa mình và người đang tắt thở kia. Lần này đối tượng kia là một người thân, người anh ruột mình. Chưa bao giờ trong đời tôi thấm thía về lời kinh kia đến vậy. Chấn động, tâm thức bàng hoàng, trong phút chốc, tôi thấy mình biến thành cái thi thể kia, tôi thấy tôi đang đọc để khai thị cho chính tôi: “Thân này không phải là tôi, tôi không kẹt nơi thân ấy, tôi là sự sống thênh thang, tôi chưa bao giờ từng sinh, mà cũng chưa bao giờ từng diệt, nhìn kia biển rộng trời cao, muôn vàn tinh tú lao xao, tất cả đều biểu hiện tôi từ nguồn linh tâm thức. Tự muôn đời tôi vẫn tự do, Tử sinh là cửa ngõ ra vào…”.
“Tử sinh là cửa ngõ ra vào”. Tôi trực nhận điều đó, sống chết là cửa ngõ để qua lại nhân gian.
Kể từ đó, lại một lần nữa tâm thức tôi dấy lên niềm ưu tư sống chết mãnh liệt hơn để lên đường. Như một đoạn kết của sự chín muồi, cần điểm nhẹ để khai thông. Như con gà con tự nó đã có thể gõ nhẹ để chui ra khỏi quả trứng. Sự khai mở tuyệt vời qua hình ảnh ví dụ kia của thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đưa tôi đi thật xa mà không kiếm tìm trong kiến thức và khái niệm giả tạo dính mắc bởi còn mất, đến đi... Pháp âm vi diệu của Thầy đi thẳng vào tiến trình quán chiếu của tôi lúc đó, bao nhiêu cái chết tôi từng đối diện hiện về. Tôi và Thầy tôi, tôi và anh tôi, ông nội tôi, …họ không còn là những mảnh vỡ cá thể biệt lập ngoài tôi, đã qua, mà chính là sự sống trôi chảy đang hiện hữu đầy sinh động ngay đây.