Con đường để các nước đang phát triển (trong đó có nước ta) tiến tới có một nền sản xuất công nghiệp kỹ thuật cao là tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển. Người Hàn Quốc mất quãng 20 năm cho việc biến công nghệ cao của Nhật, Mỹ, Tây Đức (hiện nay là CHLB Đức)... thành công nghệ của mình. Người Singapore, Thái Lan, Malaysia và bây giờ là người Trung Quốc cũng theo con đường ấy. Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh của từng quốc gia mà thời gian giành được công nghệ nhanh hay chậm, nhưng cũng chỉ trên dưới 20 năm, thậm chí còn ngắn hơn do điều kiện toàn cầu hoá.
Thế còn Việt Nam ta thì sao? Chúng ta mở cửa cho đầu tư nước ngoài cũng đã hơn ba thập kỷ. Nhưng cho đến nay hầu như chưa có bất cứ một sản phẩm công nghiệp cao cấp nào thật sự có đủ tư cách mang nhãn, mác Việt Nam. Đành rằng quá trình chuyển giao hoàn toàn công nghệ một ngành sản xuất nào đó đòi hỏi phải đủ chín muồi về thời gian. Nhưng bao giờ mới chín muồi? Câu hỏi này xem ra chưa được nhiều người quan tâm.
Việc chuyển giao công nghệ thể hiện rõ nhất ở khía cạnh nội địa hóa sản phẩm. Nói khác đi, công nghệ được chuyển giao từng phần, từ đơn giản đến phức tạp. Đổi lại, nhà đầu tư nhận những ưu đãi về thuế, mặt bằng, giá nhân công… Thôi thì mình nghèo, mình đi sau họ nên chẳng có cách nào khác, dù biết là mình thiệt. Bù lại cho thiệt thòi đó chính là việc mình được chuyển giao công nghệ mà mình không có.
Nhưng luôn luôn xảy ra tình trạng sau đây: Nhà đầu tư tìm mọi cách trì hoãn, chừng nào hay chừng đó, nhằm kéo dài quá trình chuyển giao hoàn toàn. Chừng nào họ còn độc quyền công nghệ, họ còn ở thế thượng phong trong sản xuất, kinh doanh. Nói cách khác, nhà đầu tư càng kéo dài sự phụ thuộc của nước sở tại vào họ lâu bao nhiêu tốt bấy nhiêu cho họ. (Ở đây chưa bàn đến việc gian trá trong chuyển giao).
Theo logic thông thường thì chủ nhà phải tìm mọi cách thúc đẩy quá trình chuyển giao để có thể tự mình sản xuất được các mặt hàng đó, tức là làm chủ công nghệ. Nhưng logic này ở ta đang trở thành bất bình thường. Vì món lợi trước mắt, các nhà sản xuất trong nước sẵn sàng nhập linh kiện ngoại thay vì nội địa hóa.
Tệ hơn, số linh kiện ngoại nhập đó được dán nhãn hàng nội (giả hàng nội) để hưởng ưu đãi thuế của Chính phủ. Thế là Chính phủ (mà thực ra là dân) đã bỏ tiền “nuôi ong tay áo”. Thực chất đây là hiện tượng đồng lõa của một số người tham bát bỏ mâm, câu kết với tư bản nước ngoài bòn rút của cải đất nước mình.
Không thể đưa ra bất cứ lý do nào bào chữa cho hành động “bán đứng” lợi ích dân tộc kể trên. Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, không thu hút được đầu tư nước ngoài sẽ khó mà hội nhập, phát triển được. Nhưng song song với quá trình ấy phải là sự trỗi dậy làm chủ công nghệ, kỹ thuật.
Nếu không có quá trình đi kèm này thì mãi mãi chúng ta chỉ là người làm thuê. Mà đã là thân phận làm thuê thì họ chia cho ngần nào biết ngần ấy. Trong khi mọi tài sản quý hiếm gồm tài nguyên, sức người, môi trường... sẽ bị hút cho tới cạn kiệt hoặc bị đầu độc bằng các thủ đoạn.
Chúng ta thường hay ước những điều xa vời mà quên rằng nếu cứ viển vông vô trách nhiệm, hoang tưởng, lạc quan tếu, thì ngay cả điều nhỏ tí như một chiếc xe máy hoàn toàn do Việt Nam sản xuất, cũng còn lâu mới có thật?