Aa

Câu chuyện về Mã Pì Lèng

Chủ Nhật, 13/10/2019 - 06:30

Ngắm tòa nhà, tôi ngẫm nghĩ, giá mà có đủ can đảm để quay lại con đèo hùng vĩ này, ngồi một buổi uống cà phê ngắm thiên nhiên hùng vĩ của Mã Pì Lèng thì thật là một trải nghiệm đáng giá, tận hưởng.

Tôi lên Mã Pì Lèng từ năm 2014. Phóng xe từ Hà Nội lên đến thành phố Hà Giang, bỏ cái xe con cảnh giả chỉ để chạy đường đồng bằng lại, chúng tôi thuê một chiếc xe ô tô gầm cao và một tay lái bản địa xịn, chạy một vòng lên đến tận cột cờ Lũng Cú. Tất nhiên là không thể không qua con đèo nổi tiếng Mã Pì Lèng được!

Đến đỉnh đèo, chúng tôi dừng xe. Choáng ngợp vì phong cảnh hùng vĩ nơi đây! Quả là ai chưa từng đến Mã Pì Lèng thì thật cũng phí một đời khi không có được cái cảm giác cực kỳ khó tả khi đứng trên đèo cao, nhìn xuống những vách đá tai mèo lởm chởm, gần như dựng đứng. Thăm thẳm xa là con sông Nho Quế đang uốn lượn phía dưới, mỏng manh như một sợi chỉ xanh lơ.

Khi ấy trên đỉnh đèo không có gì. Chúng tôi cũng đã nói với nhau, giá mà nơi đây có một cái đài vọng cảnh thì tuyệt vời biết bao. Đàng hoàng ngồi nghỉ ngắm cảnh, thưởng thức thiên nhiên mà không nơm nớp sợ xảy chân xuống vực như thế này! Bọn tôi còn tán, nếu chẳng may mà bọn mình có rơi xuống vực nơi đây thì thôi, khỏi mất công tìm mang xác về làm gì cho nhọc. Mà có khi tan tành ra hết cũng chẳng thấy gì nữa mà tìm. Nên tốt nhất cứ thắp nén hương bái vọng là xong!

Nhưng vừa nói dứt lời với nhau xong mấy câu chuyện tếu cho thư giãn đoạn đường thì từ mép đường, bên phía vực, cả đám trẻ con người dân tộc, trai có gái có đã bám gờ đá vọt lên mặt đường. Chúng xúm lại chúng tôi xin tiền! Hỏi nhà đâu? Chúng chỉ xuống những căn nhà nằm rải rác cô đơn ven những sườn núi đá bên dưới. Thì ra chúng nhìn thấy du khách dừng lại trên đỉnh đèo nên leo lên xin tiền. 

Lúc ở dưới thành phố Hà Giang và cổng trời Đồng Văn, chúng tôi cũng được nhiều người khuyến cáo là không cho tiền bọn trẻ. Họ nói cho làm chúng hư đi. Thế nhưng quả thực là tôi không nỡ lòng nào khi nhìn những bộ quần áo lem luốc, những ánh mắt thật thà mong có chút gì. Và nhất là khi tôi nhìn những cây ngô còi cọc đang mọc phất phơ trong gió trên sườn núi đá xám lạnh. Tôi không đủ can đảm để quay đi mà không rút ví.

Sau chuyến đi Hà Giang ấy, ấn tượng về con đèo hùng vĩ, nguy hiểm bậc nhất Việt Nam vẫn ám ảnh tôi mãi. Nhưng tôi hoàn toàn không có ý định quay lại nơi đó làm gì. Thử thách một lần là đủ, tôi tự nhủ thế. Rồi hình ảnh về con đèo Mã Pì Lèng khuất dần trong tâm trí tôi.

Đến dịp gần đây, con đèo Mã Pì Lèng bỗng lại rộ lên trên các phương tiện thông tin đại chúng nên những cảm giác về chuyến đi năm xưa bỗng nhiên như sống trở lại. Chúng tôi đã từng mơ ước khi ấy, có một cái chỗ dừng nghỉ an toàn vệ sinh và ngắm cảnh. Thì nay, trên chỗ ngồi năm xưa, họ đã xây hẳn cả một tòa nhà 7 tầng!

Ngắm tòa nhà, tôi ngẫm nghĩ, giá mà có đủ can đảm để quay lại con đèo hùng vĩ này, ngồi một buổi uống cà phê ngắm thiên nhiên hùng vĩ của Mã Pì Lèng thì thật là một trải nghiệm đáng giá, tận hưởng. Chứ không như năm xưa, vừa ngắm, vừa nói chuyện, vừa phải nhắc nhở nhau nhỡ ra xảy chân thì xong.

Về mặt công năng, tòa nhà kia quả là đáng giá. Chẳng thế mà nghe đồn chỗ nghỉ của nó đã được du khách đặt hết đến sang năm.

Về mặt kiến trúc, thì tôi không phải dân nghề nhưng cũng thấy quả là... vớ vẩn! Có làm cũng phải sao cho đẹp và hài hòa với cảnh quan xung quanh chứ quả thật nhìn nó trông như hàng gai bê tông cắm vào thân thể thiên nhiên. Mà nước mình đâu có thiếu những kiến trúc sư cảnh quan tài năng?

Lại nghe nói, về mặt pháp lý, tòa nhà này chẳng có một cái giấy tờ gì gọi là giấy phép xây dựng hay gì đó tương tự! Chuyện này thì ở nước mình cũng thường. Dưới thủ đô người ta còn xây cả tòa nhà vài chục tầng cũng chẳng có giấy phép gì kia mà!

Vậy thì biết xử sao đây?

Đây rõ là một ca điển hình của mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển. Bảo tồn theo hướng nguyên trạng thiên nhiên thì không phát triển được kinh tế xã hội. Và nhất là người dân trong vùng di sản hầu như sẽ chẳng được hưởng gì. Còn phát triển bằng mọi giá thì lại dẫn đến phá nát cảnh quan môi trường. Mà trên đất nước này có biết bao nhiêu thắng cảnh thiên nhiên đẹp đẽ nên thơ cho đến giờ phút này đã bị bàn tay con người phá nát. 

Bởi thế cho nên, khi nhìn thấy cái khối bê tông xám ngắt lù lù hiện ra bên con đèo hùng vĩ kia nhiều người mới nhảy dựng lên như vậy. Bài toán cân bằng phương trình cho cả hai vế bảo tồn và phát triển luôn làm nhức óc những người cầm cân nảy mực trong xã hội.

Không thể để con đèo hùng vĩ đẹp đẽ nhưng cứ mãi hoang vu như xưa. Cần phải tạo ra điểm tham quan vọng cảnh cho du khách. Và đồng thời cung cấp những dịch vụ thiết yếu, những sản vật địa phương của các gia đình đồng bào dân tộc xung quanh đó. Đó sẽ là điểm nhấn phát triển kinh tế du lịch. 

Vấn đề là quy mô cho phù hợp, không phá vỡ cảnh quan và phải có sự kiểm soát rất chặt chẽ của chính quyền. Bởi nếu không, chỉ vài năm sau, một rừng bê tông khủng khiếp sẽ mọc lên. Con đèo thần bí sẽ biến thành con dốc, dòng sông Nho Quế trong xanh kia sẽ thành cái lạch suối nước đen sì ô nhiễm.

Và lúc đó, Mã Pì Lèng huyền thoại sẽ chỉ còn trong ký ức. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top