Aa

"Câu" doanh nghiệp ngoại đổ tiền vào bất động sản Việt Nam

Thứ Năm, 14/09/2017 - 23:18

Kể từ khi Luật Kinh doanh Bất Động sản sửa đổi cho phép người nước ngoài và Việt kiều sở hữu bất động sản, các nhà đầu tư đã mang sự quan tâm quay trở lại thị trường Việt Nam, khiến niềm tin về thị trường tăng lên đáng kể.

Cũng chính vì lý do đó mà thị trường bất động sản Việt Nam đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết giữa các công ty trong nước và các tập đoàn nước ngoài trong việc sở hữu các dự án đẹp và các khoản đầu tư tốt nhất. 

Bài học nhãn tiền

Tuy nhiên, đầu tư bất động sản ở Việt Nam luôn đi kèm với những thách thức. Cụ thể, đối với các dự án nhà ở và thương mại, các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm những khu đất “sạch” như: hoàn thành thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn tất thanh toán chi phí sử dụng đất, có quyền sử dụng đất, và kế hoạch phát triển tốt.

Tuy nhiên, những dự án như trên rất hiếm, bởi lẽ thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn non trẻ. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn bị kiểm soát chặt chẽ, các dự án có tiềm năng phát triển tốt khá khan hiếm. Khả năng tiếp cận đến các dự án tốt tương đối hạn chế. Do đó, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài thường tìm đến sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để có thể gia nhập vào thị trường.

Niềm tin về thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại đã tăng lên đáng kể

Niềm tin về thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư ngoại đã tăng lên đáng kể

Chưa kể, mới đây, đề xuất đánh thuế với những người sở hữu bất động sản thứ 2 sẽ có những ảnh hưởng nhất định đối các các nhà đầu tư ngoại đang có ý định chọn Việt Nam để đầu tư. Bởi nếu đề xuất này được thông qua sẽ làm những nhà đầu tư nước ngoài e dè khi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam. Họ có thể coi đây là một dấu hiệu không khả quan, thể hiện sự chững lại của thị trường bất động sản. 

Minh chứng điển hình như tại Singapore, nơi áp dụng thuế cho việc sở hữu nhà ở thứ 2, các nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực này cân nhắc rất kĩ lưỡng trước khi quyết định đầu tư. Họ sẽ so sánh lợi nhuận thu được từ khoản đầu tư có cao hơn nhiều so với số tiền họ bỏ ra không, và nếu không có sự đảm bảo chắc chắn và khả quan về lợi nhuận, họ sẽ đi tìm những mối đầu tư khác mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Do đó, nguồn thu bất động sản từ người nước ngoài sẽ có xu hướng giảm thiểu, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước từ thị trường bất động sản trọng yếu.

Liên kết với ngân hàng

Hiện nay, thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn khởi sắc, chưa có nguy cơ phát triển nóng như thị trường các nước Singapore, Thái Lan. Do đó, Chính phủ vẫn có thể dễ dàng kiểm soát tình hình thị trường, tạo lập một môi trường đầu tư bất động sản bền vững. 

Để tiếp tục hút đầu tư, các DN ngoại nên liên kết với các đối tác ngân hàng trọng điểm để đưa ra các chính sách vay vốn hợp lí cho khách hàng, đồng thời hỗ trợ ước tính thuế và chi phí bảo trì bất động sản hàng năm cho khách hàng. Các chính sách và chương trình bán hàng cũng cần được cân nhắc kĩ với các ưu đãi hấp dẫn hơn để giảm thiểu chi phí.

Đồng thời, dựa trên kinh nghiệm tại thị trường bất động sản Việt Nam, các nhà đầu tư ngoại có thể giúp khách hàng đánh giá thị trường cho thuê, nếu họ cân nhắc cho thuê bất động sản sau khi mua nhà. Những chương trình cam kết cho thuê, đảm bảo lợi nhuận lâu dài cho khách hàng mua nhà cũng sẽ được lập ra để thu hút đầu tư. 

DN nội - ngoại bắt tay

Còn việc tiếp cận quỹ đất, vì các quỹ đất lớn thường được sở hữu bởi công ty Việt Nam. Do đó, xu hướng liên doanh với các công ty trong nước trong thời gian tới sẽ được tiếp tục để nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận quỹ đất này để phát triển dự án. Thay vì áp dụng đánh thuế căn nhà thứ hai trở lên, Chính phủ cũng có thể kiểm soát nguồn cung bất động sản bằng việc ban hành quy hoạch rõ ràng và định hướng các DN phát triển bất động sản theo xu hướng đô thị hóa một cách hợp lí.

Về lâu dài, để tăng sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, Chính phủ có thể xem xét thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài. 

Hiện tại, thời hạn sở hữu nhà tại Việt Nam đang là 50 năm. So sánh với các nước như Malaysia, Singapore, Thái Lan, thời hạn sở hữu nhà của người nước ngoài đang là 99 năm. Bên cạnh đó, điều kiện và thủ tục để người nước ngoài có thể mua nhà tại Việt Nam cần được thuận tiện và rõ ràng hơn. Đơn cử, Chính phủ có thể đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, tạo điều kiện cho họ dễ dàng đi lại trong nước, mở tài khoản ngân hàng, quản lý tài chính… 

Dennis Ng Teck Yow - Phó TGĐ Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top