Theo Báo Tiền Phong, Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội vừa đề xuất UBND TP. Hà Nội sửa chữa cầu Vĩnh Tuy 1 (cầu Vĩnh Tuy cũ) do xuất hiện một số hư hỏng, xuống cấp.
Trước đó, Ban Duy tu đã tiến hành kiểm định cầu và ghi nhận nhiều vấn đề cần khắc phục.
Theo đó, kết quả kiểm tra cho thấy kết cấu dầm cầu xuất hiện vết nứt, gối cầu bằng thép trên các nhịp chính vượt sông bị han gỉ, chưa được bôi mỡ hay sơn bảo vệ, trong khi mố cầu xuất hiện các vết nứt xiên và thẳng đứng.
Nhằm đảm bảo chất lượng công trình, Ban Duy tu đề xuất sửa chữa, xử lý các vết nứt bê tông theo tiêu chuẩn giới hạn cho phép, đồng thời thay thế các khe co giãn cao su, nối dài ống thoát nước trên các nhịp dầm Super T giữa sông để thuận lợi cho công tác bảo trì sau này.
![Cầu Vĩnh tuy 1. Nguồn ảnh: Thương hiệu và Pháp luật Cầu Vĩnh tuy 1. Nguồn ảnh: Thương hiệu và Pháp luật](https://cdn1z.reatimes.vn/thumb_w/864/652356615132086272/2025/2/14/cay-cau-17395064736281198776599.jpg)
Cầu Vĩnh tuy 1. Nguồn ảnh: Thương hiệu và Pháp luật
Đối với hệ thống gối cầu, đơn vị này đưa ra hai phương án xử lý: Một là tiến hành tẩy rỉ, sơn lại bằng hệ sơn có độ bền cao, sau đó phủ lớp sơn chống rỉ và bôi mỡ bảo vệ đối với các gối chậu thép bị han gỉ mà chưa được bảo vệ.
Hai là kiểm tra lớp mỡ bảo vệ của các gối đã được bôi mỡ để tránh tình trạng dính bám vào tấm trượt, gây ảnh hưởng đến khả năng vận hành của hệ thống.
Được biết, cầu Vĩnh Tuy 1 được khánh thành và đưa vào khai thác năm 2009, là một trong những công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Công trình có tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách, dài 5,8km, bao gồm cầu vượt sông, đường hai đầu cầu và các nút giao khác mức, trong đó, phần cầu vượt sông Hồng dài 3,7km, mặt cắt ngang giai đoạn 1 rộng 19,25m.
Cầu có kết cấu bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực, phần cầu chính vượt sông sử dụng kết cấu dầm đúc hẫng gồm tám nhịp dài 990m.
Từ khi đưa vào sử dụng, công trình này đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường kết nối giao thông giữa hai bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng gia tăng giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố.