Aa

Cây nghệ và nanocurcumin

Chủ Nhật, 20/12/2020 - 07:00

Trong y học cổ truyền phương Đông và Ấn Độ, nghệ đã được dùng từ lâu để chữa rất nhiều bệnh: Bệnh viêm loét dạ dày, viêm gan xơ gan cổ chướng, chữa các vết thương lở loét, chàm, thủy đậu, zona, dị ứng…

Cây nghệ là một loại thực vật thân thảo được trồng và mọc hoang nhiều ở Ấn Độ và Đông Nam Á.

Nghệ có tên khoa học là Curcumin longa, họ gừng: Zingiberaceae. Bộ phận dùng là củ (thân rễ) đào lên có thể dùng tươi ngay hoặc luộc nước sôi từ 30 - 45 phút, sau đó thái nhỏ, sấy khô, tán thành bột có màu vàng sậm để dùng dần.

Nghệ được dùng làm gia vị, phẩm màu trong chế biến thức ăn từ lâu. Món cari nổi tiếng của người Ấn Độ chắc nhiều người biết. Còn Việt Nam ta, món ốc nấu đậu, có màu vàng bắt mắt của nghệ vàng nhuộm đậu, nóng hổi thơm lừng ăn với bún vào mùa đông này thực sự là ngon nhức lưỡi! Tuy nhiên, đơn giản nhất, bìa đậu đem nhuộm nước nghệ tươi rồi nướng trên than hoa thơm lừng, cũng là một món nhậu khoái khẩu…

Trong y học cổ truyền phương Đông và Ấn Độ, nghệ đã được dùng từ lâu để chữa rất nhiều bệnh: Bệnh viêm loét dạ dày, viêm gan xơ gan cổ chướng, chữa các vết thương lở loét, chàm, thủy đậu, zona, dị ứng… bằng nước ép nghệ tươi là một thủ thuật khá phổ biến. Hoặc người ta có thể bôi bột nghệ hay sát trực tiếp nghệ tươi lên các vết thương đang lên da non để cho chóng lành và quan trọng nhất là nó làm mất, mờ các vết sẹo. Chỉ có hơi bất tiện là màu vàng của nghệ làm cho nhiều người không thích, tuy nhiên so với lợi ích mà nó mang lại cho chúng ta khi chẳng may bị tổn thương, gây sẹo thì việc chịu đựng một chút cái màu vàng khác lạ trên da cũng là điều đáng làm. 

Các thế hệ người Việt Nam đã sống qua thời bao cấp hẳn còn nhớ viên thuốc nghệ mật ong của ngành Dược khi xưa: Bột nghệ được trộn với tá dược và chút mật ong (siro) rồi đem chế thành viên nén. 

Nhiều khi không còn thuốc gì khác, các bệnh xá thường phát luôn cho người bệnh viên nghệ mật ong cùng với xuyên tâm liên, như một thứ thuốc trị bách bệnh! Hồi đang học Dược, đi thực tập bài dập viên nghệ mật ong, bọn sinh viên chúng tôi còn lấy trộm một ít đem về thỉnh thoảng nhai vài viên cho đỡ đói với nhau!

Y dược học hiện đại cũng rất chú ý nghiên cứu về cây nghệ. Theo đó, thành phần hóa học của nó có tinh dầu, đường, protein, nhựa và đặc biệt nó có nhóm hợp chất sinh học curcunoid. Trong đó hai loại D-curcumin và Db-curcumin là chủ yếu. Tác dụng chữa bệnh của nghệ là ở loại hợp chất mà chúng ta vẫn biết đến cái tên chung curcumin. Chất này có trong nghệ với hàm lượng khá cao, thường chiếm trên dưới 10% bột nghệ.

Trong y học cổ truyền phương Đông và Ấn Độ, nghệ đã được dùng từ lâu để chữa rất nhiều bệnh

Curcumin là một hợp chất tự nhiên do đó không được phép độc quyền. Nên dẫn đến tuy có rất nhiều công ty dược, phòng thí nghiệm quan tâm nghiên cứu, nhưng hình như hầu hết mới dừng lại ở mức độ phòng thí nghiệm chứ chưa ra đến lâm sàng. Bởi, con đường để dẫn một sản phẩm nào đó từ dạng tiềm năng, có khả năng chữa bệnh trong phòng thí nghiệm đến thành một sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị rõ rệt trên bệnh nhân khá là gian nan và tốn kém. 

Nhưng như đã nói ở trên, vì không được phép độc quyền nên nếu công bố công trình nghiên cứu ra, rất có thể không thu hồi được vốn vì sản phẩm rất dễ bị làm nhái theo nên người ta không mặn mà lắm là vậy. Theo các nghiên cứu mới nhất của các phòng thí nghiệm, curcumin có tác dụng ngăn chặn sự phát triển rõ rệt của tế bào ung thư. Nó làm chết, rụng tế bào ung thư tủy, ung thư ruột kết. Nó ngăn cản hình thành các tế bào ung thư mới nhưng lại không ảnh hưởng đến việc hình thành các tế bào lành.

Tuy nhiên curcumin trong sử dụng bột nghệ thông thường có rất ít tác dụng chữa bệnh, bởi sự hấp thu của nó qua đường tiêu hóa rất kém. Nhưng khi ăn cùng hạt tiêu đen và thức ăn có dầu mỡ thì sự hấp thu curcumin tăng lên đáng kể. Để khắc phục vấn đề này, sau khi chiết xuất ra curcumin rồi, người ta đem nghiền nhỏ với kích thước nano, điều đó cho phép tăng độ hòa tan của curcumin trong nước lên vài ngàn lần và kết quả sự hấp thu qua màng tiêu hóa cũng tăng lên gấp nhiều lần: theo một nghiên cứu công bố, nó tăng từ 1% lên đến 85%!

Và kết quả là trong thời gian gần đây chúng ta đã được chứng kiến sự ra đời của một loạt các sẩn phẩm có tên chung na ná nhau, nhưng nhất thiết phải gắn với NANOCURCUMIN! Có điều thật đáng buồn, chưa có sản phẩm nào được đăng ký như là một loại thuốc điều trị bệnh đích thực, mà tất cả đều là dạng thực phẩm chức năng. Mà thực phẩm chức năng không phải thuốc chữa bệnh, như chúng ta đã biết! 

Rất hy vọng trong thời gian tới, có công ty dược nào đó đầu tư tiền của và thời gian để nghiên cứu trên lâm sàng thấu đáo tác dụng chữa ung thư của curcumin, từ đó đề ra phác đồ điều trị, liều dùng cụ thể cho bệnh nhân. Và đăng ký là một loại thuốc đặc trị. Tránh tình trạng ai cũng có thể sản xuất, công bố nanocurcumin khiến cho người có nhu cầu sử dụng không biết đâu mà lần như hiện nay! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top