Aa

Đống rấm xưa…

Chủ Nhật, 06/12/2020 - 13:00

Dọc đường làng mùa đông xưa hay có nhiều đống rấm như vậy. Bọn trẻ con mùa rét đi chơi loanh quanh trong làng chán chê, hết trò, bèn ra cời lửa sưởi ấm với nhau. Về nhà quần áo đầu tóc đứa nào đứa nấy khét mù mùi oi khói

Ngày xưa hình như rét hơn bây giờ!

Có lẽ do khí hậu biến đổi, trái đất nóng lên sao đó. Hay là do bọn trẻ chúng tôi khi ấy thiếu cơm, ít áo nên cảm thấy cái rét mùa đông thật cay nghiệt khủng khiếp. Rét đến nứt má lở môi. Rét co hết cả người lại. Thế nhưng dù giá rét thế nào thì đám trẻ choai cũng khó có thể ngồi xó bếp quanh bếp lửa mà xuýt xoa hơ tay được. Vẫn cứ phải ra ngoài đi học làm đồng, chăn trâu cắt cỏ, thậm chí là đi lần mò những con cá rô chết cóng dưới đầm nước trong veo, gần đóng băng vì lạnh kia.

Làng tôi xưa nhiều cây. Nhà nào cũng có vườn, trong đó có nhiều loại cây ăn quả, còn phía giáp với đường làng ngõ xóm hay trồng tre. Có lẽ là để ngăn trộm nữa, bởi tre có nhiều cành gai nhọn. Nhưng cây cối nhiều thì rất hay rụng lá gãy cành. Mùa đông cây khô lá vàng, lá rụng la đà khắp con đường lát gạch nghiêng chạy dọc đường làng. 

Các bà các chị buổi sáng sớm hay dùng cái chổi tre cán dài khua dọc con đường, gom thành những đống to rồi châm lửa. Lá khô, cành mục nhóm trước, lá vàng cành tươi bụi đất phủ lên trên… Thế là thành một cái đống rấm cháy nghi ngút khói cả ngày. Cái đống rấm ấy không bùng thành ngọn lửa to, mà âm thầm cháy, đến một lúc nào đó cháy hết, nguội đi, các bà các chị lại ra xúc tro đem đổ vào chuồng lợn cho ngấu rồi làm phân bón ruộng. 

Dọc đường làng mùa đông xưa hay có nhiều đống rấm như vậy. Bọn trẻ con mùa rét đi chơi loanh quanh trong làng chán chê, hết trò, bèn ra cời lửa sưởi ấm với nhau. Về nhà quần áo đầu tóc đứa nào đứa nấy khét mù mùi oi khói. Mãi sau này lớn lên đi khỏi làng lâu rồi, mỗi khi gặp ở đâu đống lửa là tôi lại nhớ đến cái mùi oi khói thuở xưa. 

Cái mùi oi khói nó chỉ có từ những ngọn khói của cái đống rấm âm ỉ cháy tỏa ra chứ không có từ những bếp lửa than hừng hực. Có một thời kỳ tôi đã từng ở miền núi cao mấy năm nên tôi biết. Trên đó bếp củi đỏ lửa quanh năm, trong nhà luôn có mùi khói nhưng khác hẳn cái mùi oi khói của đống rấm làng quê.

Ở miền núi cao, mùa đông giá rét kinh người, buổi sáng chậu nước để ngoài cửa nhà đóng thành một lớp băng mỏng. Người dưới xuôi lên làm việc như tôi chịu đựng thật khốn khổ. Nên mọi việc thường loanh quanh giải quyết bên bếp lửa hồng đốt bằng củi rừng, cháy suốt đêm ngày: ăn cạnh bếp, tiếp khách khứa đến chơi, làm việc hầu như cũng bên bếp lửa. Nhiều nhà đồng bào dân tộc Tày, Nùng còn có một bếp lửa giữa sàn nhà ngủ cho ấm kia. 

Dịp gần đây đọc tin tức thấy nói có nhiều vụ chết người do ngộ độc khí than sưởi ấm trong phòng kín, tôi chợt nhớ lại ngày xưa trên miền núi, cũng đốt sưởi trong nhà đóng kín cửa suốt nhưng chẳng thấy ai chết vì ngộ độc khói bao giờ? Thì ra củi đốt lành hơn than, vì nó sinh ra khí CO2 ngay và nhà ngày xưa không xây kín cửa cao tường, trần vách kỹ như bây giờ, nên vẫn có sự lưu thông không khí dễ dàng. Nhất là nhà sàn ghép toàn bằng cây thì càng nhiều khe hở. 

Còn ngày nay, đem than hoa, thậm chí là than tổ ong đốt sưởi cực nguy hiểm. Do đầu tiên nó sinh ra khí CO (carbon mono oxid), khí này rất độc với cơ thể người, bởi chỉ cần hít phải một lượng nhỏ, trung tâm hô hấp trên não đã bị ức chế, khiến cho người ta không thở được…

Ngày bé, bọn tôi chưa biết đến CO2, CO nên rất khoái ra sưởi bên đống rấm. Thậm chí những hôm rét mướt mà vẫn phải đi trâu cũng rủ nhau gầy một đống rấm trên sườn đê. Ngồi sưởi ấm rồi buôn chuyện gẫu. Chuyện học hành trên lớp, chuyện thằng nào hôm qua bị bố cho đi họp “hợp tác xã mây tre đan” (bị quất cho vài roi mây vào đít vì tội nghịch dại chi đó!), cũng vui. Có thằng sáng kiến, kiếm một cái ống bơ sữa bò, đục làm như một cái bếp lò di động có sợi dây thép treo vào một đoạn cành tre tươi. Đi nhặt ít quả phi lao cho vào đốt thành ra như cái bếp lò di động. Sáng đi học cả bọn túm tụm nhau đi dưới chân đê, vừa đi vừa xuýt xoa tranh nhau hơ tay cũng đỡ cóng…

Nay về làng chả còn cây, đường thì đổ bê tông, nhà nào cũng đun nấu bằng bếp ga cả rồi nên mùa đông cũng không còn ngửi thấy mùi oi khói của những đống rấm ven đường xưa nữa. Nhưng có lẽ cái mùi oi khói được hình thành từ tất cả các loại lá củi khô, tươi, từ cả những cục phân trâu bò khô, là một sự ám ảnh. Nó đã ám suốt vào quần áo đầu tóc lũ trẻ làng tôi những ngày đông giá rét. Và sẽ còn ám mãi trong tâm trí của tôi, đến hết đời… 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top