Thời điểm này, hầu hết giao dịch căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh đều đến từ các dự án mở bán giai đoạn tiếp đã hoàn thiện pháp lý, có tiến độ xây dựng nhanh, chính sách bán hàng tốt và của các chủ đầu tư uy tín.
Dữ liệu của DKRA cho thấy, lượng tiêu thụ tập trung ở những dự án tầm trung có mức giá từ 45 - 55 triệu đồng/m2, sở hữu vị trí thuận tiện kết nối về trung tâm thành phố. Tại quận Bình Tân, quận 8, quận 9 (cũ) và huyện Bình Chánh, giao dịch của một số dự án căn hộ tăng nhiệt dịp cận Tết, song sức cầu phân bổ chưa đồng đều giữa các dự án.
Ngay trong tuần đầu tiên của năm 2024, một dự án căn hộ tại khu Tây TP. Hồ Chí Minh là Akari City giai đoạn 2 của Nam Long đã đem về doanh số bán hàng 200 tỷ đồng cho chủ đầu tư. Con số này rất đáng mừng trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều thách thức. Theo tìm hiểm, dự án này có mức giá chào bán ra thị trường từ 45 triệu đồng/m2, đã cất nóc và sẽ bàn giao vào cuối năm 2024. Ngoài ra, chủ đầu tư của dự án này cũng đang đưa ra chính sách bán hàng khá hấp dẫn cho người mua.
Hay như một dự án căn hộ khác tại khu Nam TP. Hồ Chí Minh là Flora Panorama thuộc Mizuki Park mới đây đã tổ chức sự kiện tham quan căn hộ mẫu cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng. Dù là thời điểm cận Tết Nguyên đán nhưng sự chú ý của người mua đối với phân khúc căn hộ vẫn khá tốt. Trong đó, chính sách bán hàng "bom tấn" của một số chủ đầu tư đang kích thích tâm lý xuống tiền.
Trong chia sẻ mới đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho biết, càng cận Tết, tỷ lệ hấp thụ căn hộ càng ghi nhận tín hiệu tích cực hơn so với giai đoạn nửa năm 2023 trước đó. Điều này nhờ vào động thái tích cực từ các chủ đầu tư bao gồm việc áp dụng chính sách ưu đãi như giãn tiến độ thanh toán, chiết khấu cao khi thanh toán sớm. Thêm vào đó, việc lãi suất giảm cùng tâm lý người mua nhà được cải thiện đã góp phần khiến số lượng nhà ở được bán ra trong 2 quý cuối năm tại TP. Hồ Chí Minh tăng gấp đôi so với nửa đầu năm.
Tuy nhiên, dù giao dịch tăng nhưng nguồn cung căn hộ lại gần như không có sự thay đổi. Đại diện CBRE cho biết, nguồn cung căn hộ mới tại TP. Hồ Chí Minh đạt mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cụ thể, cả năm 2023, tại TP. Hồ Chí Minh có hơn 8.700 căn hộ chung cư, giảm 54% so với năm 2022. Dù nguồn cung có dấu hiệu tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm nhưng vẫn nhỏ giọt và phân bổ không đồng đều giữa các khu vực.
Bà Dương Thùy Dung dự báo, trong năm 2024, nguồn cung mới tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì hạn chế. Trong bối cảnh nhu cầu lớn sẽ khiến giá bán căn hộ tiếp tục neo ở mức cao. Cùng với mặt bằng lãi suất đang bình ổn trở lại, các yếu tố về chính sách và pháp lý đang trong lộ trình sửa đổi và thông qua góp phần khiến niềm tin thị trường được cải thiện, từ đó giúp thị trường phục hồi trong năm 2024.
Căn hộ giá trên dưới 50 triệu đồng/m2 sẽ trở thành "hàng hiếm" trong tương lai
Ghi nhận cho thấy, giá sơ cấp căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Theo dữ liệu từ CBRE, giá bán sơ cấp căn hộ tại TP. Hồ Chí Minh đã đạt hơn 61 triệu đồng/m2. Dù mức này đã giảm 1,7% so với năm 2022 nhưng mặt bằng giá này vẫn đang chiếm phần lớn trên thị trường.
Báo cáo mới đây của Nhà Tốt cho biết, trong quý 4/2023, giá bán trung bình của căn hộ sơ cấp tại TP. Thủ Đức đã đạt 65,51 triệu đồng/m2. Thậm chí, tại các dự án đã bàn giao đạt mức 65,4 triệu đồng/m2.
Nếu tính trên tổng nguồn cung mở bán mới trong năm 2023, số căn hộ thuộc phân khúc cao cấp chiếm 84% tại TP. Hồ Chí Minh. Trong khi phân khúc trung cấp có giá bán phù hợp hơn với túi tiền của đại bộ phận người dân lại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, còn phân khúc bình dân hoàn toàn biến mất trong vài năm trở lại đây.
Theo bà Dương Thùy Dung, phần lớn các dự án đang có giao dịch ở hiện tại rơi vào các sản phẩm có giá trên dưới 50 triệu đồng/m2. Mức giá này có thể trở nên khan hiếm hơn trong giai đoạn tới khi mặt bằng căn hộ sơ cấp TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp đà tăng. Trên thực tế, các dự án có mức giá trên dưới 50 triệu đồng/m2 phân bổ không đồng đều giữa các khu vực tại TP. Hồ Chí Minh, tập trung phần lớn ở khu Tây và Nam TP. Hồ Chí Minh.
Mới đây, trong bản tin thị trường của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) cũng chỉ ra, cơ cấu nguồn cung ngày càng "nghiêng" về các sản phẩm cao cấp, có giá trị lớn, phục vụ mục đích đầu tư, đầu cơ. Sự chênh lệch pha kéo dài này đã khiến giá nhà ở liên tục bị đẩy lên cao.
Tỷ trọng nguồn cung căn hộ thuộc phân khúc bình dân (dưới 25 triệu/m2) trên tổng nguồn cung nhà ở liên tục sụt giảm, từ mức 30% vào năm 2019 xuống còn 7% năm 2022 và 6% vào năm 2023 vừa qua. Trước đó, giai đoạn 2019 - 2022, tỷ trọng căn hộ trung cấp (25 - 50 triệu/m2) cũng sụt giảm xuống mức lần lượt là 54%, 46%, 34%, 27%, trong đó, nguồn cung chủ yếu đến từ các sản phẩm có mức giá trong khoảng 40 - 50 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, nhu cầu mua nhà ở thực vẫn luôn dẫn đầu trong cơ cấu nhu cầu nhà ở với tỷ trọng lên tới 80%, còn 15% là nhu cầu đầu tư dài hạn và 5% còn lại là nhu cầu đầu cơ. Chỉ có khoảng 25% nhu cầu mua nhà ở thực có khả năng tài chính để chuyển hóa thành cầu thực.