CEO Trần Ngọc Tuấn: “Chúng ta có thể vấp ngã, nhưng không được phép ngã vào chỗ cũ!”

CEO Trần Ngọc Tuấn: “Chúng ta có thể vấp ngã, nhưng không được phép ngã vào chỗ cũ!”

Chủ Nhật, 15/05/2022 - 06:09

“Đối với Viindoo, chúng tôi luôn tin vào sự tử tế. Chúng ta nên nghĩ tốt, làm tốt, đặt niềm tin vào nhau, hướng đến sự thiện lương trong mỗi con người”, doanh nhân Trần Ngọc Tuấn chia sẻ. 

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 33: CEO Trần Ngọc Tuấn: “Chúng ta có thể vấp ngã, nhưng không được phép ngã vào chỗ cũ!”

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Xuất phát điểm là một người không có sự am hiểu sâu sắc về công nghệ thông tin, CEO Trần Ngọc Tuấn cùng các cộng sự đã “rẽ ngang” lập nên Công ty Cổ phần Công nghệ Viindoo với mong muốn giúp doanh nghiệp Việt nâng tầm giá trị và sự chuyên nghiệp để cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như đưa phần mềm "Made in Việt Nam" vươn tầm thế giới.

“Công nghệ như chất kích thích, đã nghiện thì khó từ bỏ”

Vào một ngày đầu tháng 5, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Trần Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Viindoo (website: Viindoo.com) giữa mảnh đất thành phố Cảng Hải Phòng. Trong cuộc chia sẻ, ông Tuấn cởi mở kể về cái duyên đến với con đường công nghệ thông tin.

Ngày ấy, ông Tuấn là sinh viên của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, chàng sinh viên Trần Ngọc Tuấn rất ham học hỏi và luôn trao dồi những kỹ năng sống, sau đó có thời gian sang Nhật Bản thực tập và làm việc.

“Trong quá trình làm việc ở Nhật Bản và trên các con tàu, tôi thấy mình tốn rất nhiều sức lực để hoàn thành các công việc liên quan đến tính toán như thủy triều, xếp dỡ hàng hóa. Nhưng có một anh bạn người Nhật sử dụng phần mềm hỗ trợ làm việc. Chúng tôi làm cùng một công việc nhưng anh ấy chỉ mất 15 phút để hoàn thành, còn tôi thì mất đến nửa ngày. Lúc đó, tôi mới nhận ra sức mạnh của công nghệ thông tin và bắt đầu nghiên cứu, tự học, trau dồi kiến thức cho bản thân”, CEO Trần Ngọc Tuấn nhớ lại.

CEO-tran-ngoc-tuan

Doanh nhân Trần Ngọc Tuấn thẳng thắn thừa nhận, ông vốn là dân ngoại đạo, trái ngành, trái nghề nên đã phải học ngày, học đêm, tham gia các diễn đàn để tìm hiểu về công nghệ thông tin.

Sau đó, ông Tuấn có cơ hội làm việc ở một công ty tại Canada và được tiếp cận, sử dụng phần mềm SAP (phần mềm hoạch định nguồn lực doanh nghiệp) để vận hành hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi áp dụng phần mềm này thì dù chỉ là một nhân viên tầm trung cũng đã được hưởng lợi rất nhiều từ các ưu thế mà công nghệ mang lại như: Đưa ra quyết định chính xác, tiết kiệm thời gian làm các việc mang tính chất lặp lại hoặc tính toán nặng nhọc để có thời gian suy nghĩ và làm các công việc có hàm lượng chất xám cao, mang lại nhiều giá trị hơn.

Đến năm 2009, cơ duyên đã đưa đẩy ông Tuấn đi đến lựa chọn cho mình con đường riêng, đó là thành lập công ty về cung ứng thiết bị ngành đóng tàu. Lúc đó, việc đầu tiên ông Tuấn nghĩ đến là tìm kiếm một phần mềm để ứng dụng vào doanh nghiệp non trẻ của mình. Ông nhận thấy, công ty mới thành lập mà áp dụng phần mềm SAP như ở công ty cũ thì “vượt tầm ngân sách”, do đó bắt đầu tìm hiểu các giải pháp mã nguồn mở, đọc code và ứng dụng vào công ty của mình.

Cứ thấy bản thân cần gì là ông Tuấn lại tìm hiểu rồi lập trình, dần dần hình thành sơ bộ hệ thống quản trị doanh nghiệp và áp dụng vào công ty. CEO Trần Ngọc Tuấn nhớ lại, vị khách hàng không chính thức đầu tiên của ông chính là một người bạn Đan Mạch, là đối tác của công ty. Đó chính là khách hàng đầu tiên và được sử dụng dịch vụ miễn phí. Ý tưởng thành lập một công ty chuyên về công nghệ đã nhen nhóm trong đầu CEO Trần Ngọc Tuấn từ thời điểm ấy.

Nói về quãng thời gian chuyển ngành để setup công ty công nghệ, CEO Trần Ngọc Tuấn cho biết: “Đứng ở góc độ là chủ doanh nghiệp, tôi thấy họ cần phải có một phần mềm, công cụ, để quản lý toàn bộ các hoạt động, nhiệm vụ hàng ngày, thay vì chúng ta ghi sổ sách, excel, word… Khi tôi lựa chọn lĩnh vực kinh doanh mới thì mảng công nghệ là lựa chọn hàng đầu, năm 2012 tôi chính thức thành lập công ty công nghệ với tên là T.V.T Marine Automation”.

Là dân “ngoại đạo” nên CEO Trần Ngọc Tuấn có nhiều cơ hội và cũng gặp không ít thách thức khi lấn sân sang ngành công nghệ. Ông Tuấn chia sẻ, đối với người học chuyên ngành về công nghệ thông tin, có thể họ làm ra nhiều sản phẩm nhưng không cần biết thị trường có cần hay không. Thế nhưng, với người mới vào nghề như ông Tuấn thì đặc biệt quan tâm và cố gắng tìm hiểu để công ty có thể cung ứng được những dịch vụ tốt nhất, nhanh nhất.

“Công nghệ thông tin nó như một chất kích thích, dễ gây cho người ta “nghiện”. Như mình điều khiển cho máy móc làm tự động theo ý mình thì rất thích và “nghiện” bởi điều đó”, ông Tuấn lý giải.

Khi mới bắt đầu lập trình những dòng code đầu tiên, bản thân CEO Trần Ngọc Tuấn cũng “khoái” với những sản phẩm mình làm ra. Ông Tuấn mày mò, viết vài dòng lệnh sau đó máy làm theo ý mình nên thấy thích và bắt đầu thấy “nghiện”. Niềm đam mê công nghệ thông tin cứ thế bùng lên và thành cái “nghiệp” theo ông đến tận bây giờ.

Vượt qua chính mình để khởi nghiệp thành công

Có thể nói, ngay từ ngày bắt đầu con đường khởi nghiệp đến giờ đã đạt được những thành công nhất định, chưa lúc nào CEO Trần Ngọc Tuấn thôi khát khao, cố gắng vươn tới những đỉnh cao mới. Thời điểm mới khởi nghiệp, ông Tuấn đi nước ngoài nhiều và thấy rằng vị thế của người Việt Nam ở nước ngoài chưa được như bây giờ, bởi vì đất nước ta lúc đó còn nghèo, lạc hậu. Điều đó càng khiến ông quyết tâm làm ra một cái gì đó để khẳng định trí tuệ của người Việt sánh ngang với thế giới.

CEO Trần Ngọc Tuấn chia sẻ: “Tại thời điểm thành lập công ty công nghệ, công việc của cá nhân tôi đang rất tốt và sau đó mọi việc trở nên xấu đi. Việc xấu đi ấy đã khiến bản thân tôi suy nghĩ rất nhiều về thất bại. Nhiều lúc, tôi còn mất niềm tin vào chính bản thân mình. Vì thế, tôi đã bình tĩnh phân tích và đưa ra định hướng, cố gắng vượt qua chính bản thân mình để từng bước tiến tới thành công”.

CEO-tran-ngoc-tuan

Trong cuộc trò chuyện, nhiều lúc doanh nhân Trần Ngọc Tuấn cảm thấy bồi hồi, xúc động khi nói về sự lựa chọn vô cùng mạo hiểm của mình lúc đó. Ông không tiếp bước trên con đường bằng phẳng, có sự an toàn mà lựa chọn khởi nghiệp bằng ngành nghề mới hứa hẹn đầy trắc trở.

Đặc biệt, giai đoạn đó dạng phần mềm ứng dụng để quản trị doanh nghiệp một cách toàn diện là cực kỳ mới ở Việt Nam, nên lựa chọn của ông dường như là người mở đường, tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

CEO Trần Ngọc Tuấn
Doanh nhân Trần Ngọc Tuấn giữ vững niềm tin, vượt qua mọi thử thách để tiếp tục cuộc hành trình tạo nên những thành công rực rỡ cho Viindoo.

“Thời điểm thành lập công ty, tôi và cộng sự chưa có đủ kinh nghiệm và vốn tích lũy kiến thức về công nghệ cũng như thiếu sự am hiểu về thị trường này nên khó khăn chồng chất khó khăn”, ông Tuấn trải lòng.

Vì vậy mà đôi khi niềm tin của CEO Trần Ngọc Tuấn và các cộng sự đã bị lung lay. Lúc đó, CEO Viindoo lại tự hỏi: Tại sao mình bắt đầu, vì lý do gì mình bước tiếp? Đó cũng chính là động lực để doanh nhân Trần Ngọc Tuấn giữ vững niềm tin, vượt qua mọi thử thách để tiếp tục cuộc hành trình tạo nên những thành công rực rỡ cho Viindoo.

“Tham vọng vượt trội – Niềm tin và sự tử tế”

CEO Trần Ngọc Tuấn lấy “Tham vọng vượt trội – Niềm tin và sự tử tế” làm triết lý và định hướng phát triển cho Viindoo. Ông lý giải rằng, để có một đội ngũ với “tham vọng vượt trội” như hiện tại, Viindoo đã phải “cắn răng” loại bỏ rất nhiều người không thể sát cánh được với mục tiêu mà lãnh đạo công ty đã đề ra. Có người đã đồng hành cùng ông Tuấn từ những ngày đầu thành lập công ty, thế nhưng sau đó đã không đạt được tiêu chí mong muốn, không có sự quyết tâm nên cũng “chia tay”.

Bên cạnh đó, ranh giới giữa tham vọng và lòng tham rất mong manh, chính vì thế, niềm tin và sự tử tế trong mỗi con người được vận dụng như một công cụ để giúp cho toàn thể nhân viên Viindoo không vượt sang lằn ranh đỏ của lòng tham.

“Đối với Viindoo, chúng tôi luôn tin vào sự tử tế. Chúng ta nên nghĩ tốt, làm tốt, đặt niềm tin vào nhau, hướng đến sự thiện lương trong mỗi con người”, ông Tuấn lý giải về triết lý kinh doanh của Viindoo.

CEO-tran-ngoc-tuan

CEO Trần Ngọc Tuấn tâm sự, điểm nổi bật trong ứng dụng phần mềm của Viindoo so với các sản phẩm khác là sự tích hợp các giải pháp tổng thể và cấu trúc theo kiểu module. Với kiến trúc theo kiểu module – lắp ghép, các đối tác có thể triển khai từng bước. Đặc biệt, nếu doanh nghiệp chưa có nguồn lực sẵn sàng thì có thể triển khai 1 module, đến khi doanh nghiệp sẵn sàng với các nguồn lực cần thiết cho việc triển khai các module tiếp theo thì hoàn toàn có thể mở rộng mà không cần "đập" đi để xây lại.

Theo ông Tuấn, Viindoo quan niệm phải hướng đến những giá trị thật cho khách hàng. Ví như, khi đưa ra một chính sách hay điều khoản trong hợp đồng, Viindoo luôn nghĩ rằng mình đã hướng đến khách hàng hay chưa. Khi làm một sản phẩm hay sửa một dòng code, công ty cũng nghĩ đến trải nghiệm của khách hàng ra sao.

CEO Trần Ngọc Tuấn
CEO Trần Ngọc Tuấn luôn truyền cảm hứng đến nhân viên làm việc hăng say, sáng tạo và đoàn kết để tạo nên sự thành công của Viindoo.

Với vai trò CEO, ông Tuấn khẳng định, ở bên ngoài thì khách hàng làm trung tâm, còn ở trong nội bộ thì con người là trung tâm. Chính vì thế, ông truyền tải đến tất cả nhân viên trong công ty và định hướng họ xây dựng và phát huy giá trị riêng của mình với công ty, để từ đó học hỏi, phát triển bản thân ngày càng hoàn thiện hơn.

Một điểm nữa mà Viindoo luôn hướng tới đó là khi triển khai ứng dụng phần mềm cho doanh nghiệp phải “giữ mọi thứ đơn giản” nhất. Có một thực tế là doanh nghiệp trước khi tìm đến với Viindoo, họ thường quản lý bằng sổ sách, giấy tờ hoặc excel hoặc phần mềm riêng lẻ... Khi doanh nghiệp tiếp cận ứng dụng phần mềm, Viindoo giữ mọi thứ đơn giản nghĩa là trước đây doanh nghiệp có gì thì mình nâng cấp lên một bậc. Như vậy, doanh nghiệp mới có thể dần thích ứng và có sự lựa chọn phù hợp với tình hình hoạt động doanh nghiệp.

“Điều đầu tiên là phải đưa doanh nghiệp lên con tàu chuyển đổi số trước, ổn định được vị trí rồi bắt đầu triển khai, cải tổ mạnh mẽ hơn ở giai đoạn 2, giai đoạn 3”, CEO Trần Ngọc Tuấn nhấn mạnh.

CEO-tran-ngoc-tuan

Viindoo sinh ra với sứ mệnh giúp các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn đến mang đến sự thịnh vượng chung cho xã hội. Vì vậy, làm cho sản phẩm ngày càng tốt lên cũng như tăng cường trải nghiệm của người dùng là nhiệm vụ hàng đầu. Viindoo hàng ngày luôn nghiên cứu, cân nhắc, cải tiến để sản phẩm phù hợp với doanh nghiệp và tạo ra những giá trị thật cho khách hàng.

“Với một sản phẩm tốt như vậy thì nó cần phải được phổ biến rộng rãi cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tốt lên thì mới có thể ra thị trường quốc tế và chúng ta mới có vị thế cao hơn”, ông Tuấn chia sẻ.

Đứng ở góc độ nhà lãnh đạo, quản lý, người làm về công nghệ và cung ứng giải pháp phần mềm, CEO Trần Ngọc Tuấn thẳng thắn khuyên các lãnh đạo doanh nghiệp nên dành thời gian nhiều hơn tìm hiểu về chuyển đổi số.

“Không một phần mềm nào phù hợp 100% đối với doanh nghiệp, có thể phù hợp với doanh nghiệp này nhưng lại không phù hợp với công ty kia. Vì vậy, lãnh đạo nên dành thời gian nhiều để tìm hiểu giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp để không gây lãng phí, đạt hiệu quả tối ưu nhất”, ông Tuấn tâm sự.

Ở Việt Nam, nhân sự về công nghệ được trả lương cao top đầu, đối với một công ty quy mô nhỏ thì việc duy trì bộ phận công nghệ nội bộ rất tốn chi phí mà hiệu quả không cao. Ngay cả đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn thì việc duy trì và phát triển một đội kỹ thuật công nghệ cũng cần có chiến lược bài bản, sát cánh cùng với các team chuyên nghiệp bên ngoài mới mang lại hiệu quả cao nhất. Đã là chủ doanh nghiệp không thể tránh được có những “nước cờ” sai và theo quan điểm của CEO Trần Ngọc Tuấn là nếu gặp tình huống ấy thì hãy dũng cảm “xóa cờ chơi lại”, việc cần làm ngay là xử lý dứt điểm vấn đề để không gây ảnh hưởng sâu cho hệ thống, rồi tổng kết rút kinh nghiệm triệt để.

“Chúng ta có thể sai, có thể vấp ngã, nhưng không được phép ngã vào chỗ cũ”, ông Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.

Chính sự tính toán, lựa chọn đường đi sáng suốt của CEO Trần Ngọc Tuấn, nên trong 2 năm qua dù nền kinh tế chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Viindoo không gặp khó khăn gì lớn từ khâu vận hành đến doanh thu. Ngược lại, Viindoo càng có thêm thời cơ phát triển khi các doanh nghiệp triển khai giải pháp làm việc từ xa, trong khi không có nền tảng hợp nhất để làm việc nên gặp rất nhiều khó khăn. Trong phần mềm Viindoo phát triển đều tích hợp các chức năng thông minh như: Chat nhóm, video call nên chỉ cần bấm nút là mọi người có thể kết nối, trò chuyện với nhau... nhờ những tiện ích ấy mà giá trị cung ứng dịch vụ của Viindoo vẫn tăng trưởng đều hàng năm.

Bên cạnh đó, Viindoo cũng điều chỉnh các sản phẩm trong hai năm đại dịch Covid-19 vừa qua, tiếp tục xây dựng thêm các tính năng hỗ trợ khách hàng làm việc ngoài văn phòng nhiều hơn.

3 lời khuyên với các bạn trẻ khởi nghiệp

Luôn tự tin về con đường phát triển trong tương lai, CEO Trần Ngọc Tuấn tiết lộ: “Viindoo đang có tham vọng vươn ra nước ngoài để khẳng định vị thế của con người và doanh nghiệp Việt Nam. Năm nay, Viindoo đã đặt mối quan hệ với các đối tác nước ngoài và phải mất từ 2 đến 3 năm để làm quen, thăm dò thị trường”.

Thuyền trưởng của Viindoo cho biết khi tham gia vào sân chơi quốc tế, công ty có rất nhiều thử thách nhất về mặt nghiệp vụ pháp lý, kế toán tài chính. Ở mỗi quốc gia đều có định chế riêng, nên khi ra nước ngoài phải hiểu thì sản phẩm mới đi sâu, rộng vào thị trường mới.

CEO-tran-ngoc-tuan

Tuy nhiên, CEO Trần Ngọc Tuấn và các cộng sự đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho Viindoo để có hành trang vững chắc và những bước đi đúng. Sự quyết tâm và lựa chọn đầy táo bạo ấy càng khẳng định được tố chất thủ lĩnh trong con người CEO Trần Ngọc Tuấn: Dám nghĩ, dám làm và dám bước đi trên những con đường chông gai nhất.

Qua câu chuyện kể về hành trình khởi nghiệp của mình, CEO Trần Ngọc Tuấn đưa ra lời khuyên đối với các bạn trẻ, khi quyết định khởi nghiệp và đặc biệt những ai lựa chọn ngành công nghệ cần nắm chắc 3 yếu tố:

 CEO Trần Ngọc Tuấn

Thứ nhất, hãy vượt qua chính nỗi sợ hãi của bản thân mình. Nếu các bạn khởi nghiệp thì hãy xác định là mất nhiều thứ như không có nhiều thời gian cho gia đình, bạn bè, thậm chí phải từ bỏ hầu hết các cuộc vui… phải dành thời gian ưu tiên nhiều hơn cho công việc.

“Lúc khởi nghiệp mình làm việc 14 giờ mỗi ngày là chuyện bình thường, không có ngày nghỉ, thậm chí luôn đối diện với nguy cơ mất hết, như vợ chồng mình hay nói ‘hai bàn tay trắng làm nên một đống nợ’. Những người thành công đều phải trải qua giai đoạn như vậy, nhưng họ không chia sẻ hoặc không muốn chia sẻ”, ông Tuấn vui vẻ bật mí.

Thứ hai, các Startup trẻ cần chuẩn bị hành trang đủ vững để điều hành doanh nghiệp. Đa phần các bạn CEO trẻ thường giỏi tạo ra sản phẩm nhưng lại không chú trọng thực sự đến mảng vận hành. Đầu tiên, các Startup trẻ sẽ rất phát triển với quy mô nhỏ tầm 20 - 30 người, sau khi gọi vốn qua các vòng, công ty tăng trưởng nhanh hơn trong khi bản thân CEO chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kỹ năng vận hành ở quy mô lớn nên dẫn đến thất bại. Không phải vì sản phẩm tồi mà vì điều hành, quản trị hệ thống của doanh nghiệp có vấn đề.

Một số bạn trẻ nhận ra điểm yếu đó và tìm cộng sự làm CEO để tập trung phát triển sản phẩm hoặc đi học để đón trước nhu cầu. Dù vậy, các bạn trẻ cần có sự chuẩn bị thật sớm vì cách vận hành doanh nghiệp không thể học nhanh và đạt được hiệu quả trong ngày một ngày hai.

Điều thứ 3 mà CEO Trần Ngọc Tuấn muốn nhắc tới đó là khi Startup thì “đốt tiền” rất nhiều, nên các bạn trẻ hãy tìm cho mình những người đồng hành có thể hỗ trợ về mặt tài chính. Nếu có được sự trang bị này, chắc hẳn các Startup trẻ sẽ có những bước khởi nghiệp đầy tự tin và vững chắc.

Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước và khí thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang nở rộ, với tầm nhìn chiến lược như CEO Trần Ngọc Tuấn, chắc chắn rằng Công ty Cổ phần Công nghệ Viindoo (website: Viindoo.com) sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Con người phát triển, công ty phát triển và Viindoo sẽ có những bước đi thành công để khẳng định vị thế của mình cũng như của con người, đất nước Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Ngọc Tiến - Nguyễn Nam
Thanh Thảo
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top