Aa

Chạm vào trắc ẩn

Thứ Sáu, 31/08/2018 - 06:00

Quan trọng là khi chạm vào trắc ẩn, tình đồng loại đã được kích hoạt để yêu thương hiển hiện. Mà cuộc đời này còn có gì hơn được yêu thương nữa?

Phàm đã là người ai cũng có lòng trắc ẩn. Khác nhau chỉ là ở sự ít nhiều. Tình yêu thương đồng loại luôn tồn tại trong mỗi con người. Tôi tin thế và khi những biểu hiện hoặc là cảnh ngộ bày ra ấy là lúc lòng trắc ẩn được chạm vào.

Dạo con tôi còn nhỏ đi học, nó hỏi sao ở cổng trường lại có những bà già ngồi xin tiền hả bố? Tôi bảo đó là những người nghèo, không có tiền, họ phải ngồi đấy trông chờ vào lòng trắc ẩn của mọi người. Thế lòng trắc ẩn là cái gỉ? Là tình yêu thương người khác, con ạ. Vậy mình yêu thương đi bố. Suốt những năm tháng đi học, con tôi luôn mang những đồng tiền lẻ đặt vào nón của những người ăn xin trước cổng trường. Những đồng tiền lẻ này lúc nào cũng được để sẵn ở túi cóc ba lô hoặc để trong cặp. Thậm chí đi đường, thấy người ăn xin ngồi trên hè phố, nó cũng bảo vòng xe lại. Hôm nào vội không vòng lại được là nó áy náy. Lúc đổi những đồng tiền lẻ nhét vào túi con, tôi không hề biết đó là một phương pháp giáo dục, mà chỉ đơn giản nghĩ con mình cần phải biết chia sẻ với người khác. Lớn lên những đứa con tôi đều là những người giầu cảm xúc trắc ẩn.

Và tôi biết, không hẳn do những gì giáo dục chúng được nhận ở nhà trường và gia đình, mà chính phần nhiều từ những đồng tiền lẻ chắt chiu ít một lòng trắc ẩn từ tấm bé kia đã gieo vào tâm hồn chúng sự sẻ chia yêu thương đồng loại.

Đi đường chúng ta hay bắt gặp những cảnh ngộ phải động lòng. Một người già bên gánh hàng rau quả còn nhiều giữa đêm muộn. Lúc ấy, sẽ có những người đi qua và họ không đành lòng, bèn quay trở lại mua giúp một thứ gì đó để người già kia sớm được về nhà nghỉ ngơi. Tôi đã chứng kiến một đôi nam nữ vòng lại mua một túi to rau quả rồi lặng lẽ đặt túi đồ vừa mua ấy bên cạnh một thùng rác cách đó một quãng. Thôi chẳng cần bình luận gì hành động đó đúng hay sai, chỉ đơn giản nghĩ là họ, đôi trái gái ấy đã động lòng trước cảnh ngộ của người bán hàng kia và họ đã ra tay giúp đỡ. Chừng ấy là đủ.

Cho đi và sẽ nhận lại.

Cho đi và sẽ nhận lại.

Ở những ngã tư có đèn đỏ dài và hè phố rộng, bây giờ ta hay thấy những sân khấu nhỏ. Những người khiếm thị đứng trên những sân khấu đó biểu diễn. Phía trước sân khấu sát lề đường đặt những thùng quyên góp. Người đi đường đợi đèn tín hiệu có thời gian họ sẽ thả vào thùng những đồng tiền trắc ẩn. Họ muốn giúp đỡ những người có số phận không may mắn. Trong những người này, tôi thấy có rất nhiều em nhỏ.

Có một lần ở chân cầu vượt, trời mưa tầm tã, ở gầm cầu là một em bé tàn tật ngồi lặng lẽ với chiếc mũ nhỏ đặt trước mặt. Lúc ấy có một cô bé chừng mười bốn, mười lăm đi xe đạp điện. Đèn xanh nhưng cô bé vẫn nán lại, dựng xe ở bên lề và đến đặt vào chiếc mũ tờ bạc lẻ ướt nhẹp. Cô bé trở lại xe, tôi bắt gặp em bé giơ bàn tay tật nguyền lên vẫy vẫy cô bé như một lời cảm ơn. Những giọt nước mắt của tôi đã tràn ra trước biểu hiện đẹp của lòng trắc ẩn này của cả người cho và nhận.

Trong những quán ăn, tiệm cà phê bây giờ có không ít những người đánh giầy, hát rong và những người đi bán những vật dụng thông thường như cây tăm, gói kẹo bạc hà. Họ mưu sinh dựa phần nhiều vào lòng trắc ẩn của mọi người. Dù ở đây cũng có cả yếu tố nhu cầu.

Rộng ra là những chiến dịch thiện nguyện có ở tất cả mọi nơi. Người vùng xuôi, thành phố lo giúp đỡ người miền núi, vùng sâu vùng xa khó khăn. Khi xảy ra bão lụt, thiên tai, người có điều kiện, ít nhiều khác nhau tìm đến với đồng bào vùng bị nạn. Dạo lũ lụt miền Trung mấy năm trước tôi đi cùng một quỹ thiện nguyện giúp đồng bào. Khi trực tiếp vào nơi bị thiên tai tàn phá, gặp một số cảnh ngộ đặc biệt, tôi viết lên facebook, lập tức nhận được những ủng hộ từ bạn bè. Một nhóm bạn từ Thành phố Hồ Chí Minh gửi cho tôi số tiền đủ mua một con bò giúp một gia đình bị lũ cuốn mất đi con bò độc nhất. Lòng trắc ẩn trong trường hợp này đã chiến thắng thiên tai.

Còn nhiều lắm những tấm lòng được biểu hiện bằng hành động cụ thể. Tôi biết có một chị, khi chứng kiến cảnh đồng bào vất vả thế nào khi phải di chuyển qua sông bằng những phương tiện nguy hiểm khi lũ về, đã đứng ra xây không chỉ một cây cầu. Hỏi, chị chỉ bảo nhìn đồng bào thương quá, nhất là lũ trẻ đi học. Tôi đã rất cảm động khi biết chị không dư dật tiền bạc mà phải bán đi một miếng đất là tài sản để dành của gia đình. Còn có thể gọi hành động đó là gì được nếu không phải là trắc ẩn mênh mang của một tấm lòng lớn.

Cũng sẽ có những phản biện, như người già bán rau muộn kia nếu chỉ nhỡ nhàng không nói làm gì nhưng đấy là một cách kiếm tiền từ lòng trắc ẩn thì sao? Những người bán hàng rong, ăn xin kia nữa. Trong số họ có bao nhiêu người không thực sự hoàn cảnh. Rồi những cây cầu, những con bò tại sao không để Nhà nước lo mà cứ phải để người dân cưu mang nhau kiểu lá rách ít đùm lá rách nhiều. Rất nhiều phản biện nhưng tôi nghĩ tất thảy không quan trọng.

Quan trọng là khi chạm vào trắc ẩn, tình đồng loại đã được kích hoạt để yêu thương hiển hiện. Mà cuộc đời này còn có gì hơn được yêu thương nữa?

Hà Nội 30/8/2018

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top