Aa

Chất lượng nhân viên môi giới bất động sản có đang “thả nổi“?

Thứ Ba, 15/06/2021 - 06:00

Đã đến lúc cần chấn chỉnh lại chất lượng đội ngũ môi giới khắt khe hơn, chọn lọc hơn với các tiêu chuẩn đào tạo nền tảng bắt buộc, đặc biệt là các quy định về đạo đức nghề nghiệp trước khi tham gia vào thị trường.

Cám dỗ từ nghề môi giới bất động sản

Ở những giai đoạn thị trường bất động sản đang ở thời kỳ phát triển mạnh, đặc biệt là khi thị trường nóng sốt thì nhà nhà tìm mua bất động sản, kéo theo đội ngũ môi giới xuất hiện khắp nơi từ trung tâm thành phố cho đến vùng ngoại ô hay nơi hẻo lánh. Từ những tập đoàn bất động sản lớn quy mô hàng trăm hay thậm chí lên đến hàng ngàn nhân viên môi giới cho đến những công ty môi giới nhỏ lẻ vài ba nhân sự. Có những môi giới bất động sản chỉn chu, chuyên nghiệp thì cũng có những môi giới chỉ là những người tay ngang, nhảy vào nghề môi giới theo trào lưu, tranh thủ cơ hội và lôi kéo khách bằng đủ chiêu trò.

Có thể nói không ở đâu làm nghề môi giới bất động sản dễ dàng như ở Việt Nam. Không đòi hỏi nhiều về bằng cấp, không cần nhiều kinh nghiệm, không cần quá hiểu biết, chỉ cần chịu khó chèo kéo khách và chịu “cày” là có cơ hội tham gia vào việc bán hàng cho các dự án bất động sản với lời hứa hẹn thu nhập trong mơ.

Một kỹ sư học hành đàng hoàng ra trường làm việc mờ mắt lương tháng chỉ tầm trên dưới 20 triệu đồng đã là khá. Trong khi, một nhân viên môi giới bất động sản có thể kiếm số tiền ấy chỉ trong 1 giao dịch thành công. Thu nhập hàng tháng có thể gấp 3 lần, 5 lần hoặc hơn thế nữa khi phí môi giới càng ngày càng được đẩy lên cao. Đây là một sự cám dỗ quá hấp dẫn đối với các bạn trẻ mới vào nghề và dẫn đến câu chuyện nhiều nhân viên bán hàng bất chấp mọi giá, dùng mọi chiêu thức, thậm chí lừa dối khách hàng, miễn là bán được hàng và có được tiền. Đây cũng chính là điểm chính yếu để các công ty bất động sản có dự án “ma”, dự án không đủ pháp lý tìm mọi cách thu hút nhân sự với đầu vào thả nổi, cần số lượng mà không quá đặt nặng về chất lượng, miễn là có khả năng bán được hàng bằng mọi giá.

moi gioi bat dong san
Với mức hoa hồng cao, môi giới bất động sản là nghề hấp dẫn với những người trẻ. (Ảnh minh họa)

Phân cấp nhân viên môi giới bất động sản

Chân dung các nhân viên môi giới bất động sản có thể chia làm 3 phân cấp như sau:

Cấp 1: Nhân viên môi giới hạng A có thâm niên từ 5 năm trở lên

Đây là các nhân viên môi giới chuyên nghiệp làm việc tại các tập đoàn bất động sản hàng đầu trong và ngoài nước hay những công ty luôn coi trọng thương hiệu và chữ tín với khách hàng. Đó là đội ngũ được tuyển chọn, có đào tạo bài bản, có kinh nghiệm tốt và tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp. Khách hàng xem họ như là những đối tác thân thiết giúp họ tìm kiếm cơ hội đầu tư mang lại hiệu quả cao. Họ sẽ đứng trung gian giữa khách hàng và chủ đầu tư để tư vấn giải pháp đầu tư hài hòa lợi ích cả 2 bên để có thể giữ được mối quan hệ tín nhiệm với khách hàng trong dài hạn.

Cấp 2: Nhân viên môi giới hạng B có thâm niên từ 3 - 5 năm

Đây là các nhân sự có niềm đam mê nghề nghiệp, có tâm huyết với nghề, có qua đào tạo ở mức cơ bản. Thường các nhân viên này làm cho các công ty môi giới tầm trung hoặc các chủ đầu tư quy mô vừa và nhỏ. Mức độ trung thành với nghề nghiệp ở mức vừa phải nhưng vẫn mong muốn gắn bó với nghề trong lâu dài. Đội ngũ này nếu đào tạo tốt sẽ nâng cao chất lượng và phát triển trong tương lai nhưng cũng có thể dễ dàng biến chất nếu thả lỏng theo hướng chạy theo doanh số bán hàng bất chấp đạo đức nghề nghiệp.

Cấp 3: Nhân viên môi giới hạng C

Đây là các môi giới hành nghề tự do, ít được đào tạo bài bản mà chủ yếu là kinh nghiệm thực tiễn đi lên. Ngoài ra, phân cấp này cũng bao gồm các bạn trẻ mới ra trường còn thiếu kinh nghiệm bị chiêu dụ vào các tổ chức môi giới không lành mạnh, chuyên rao bán các dự án không đủ cơ sở pháp lý hay khuyến khích nhân viên dùng các chiêu trò không hợp pháp để lôi kéo khách hàng.

Thành phần môi giới này đôi khi hiểu rõ các vấn đề bất ổn của sản phẩm mình đang bán nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ để bán hàng, đưa khách hàng vào thế rủi ro khôn lường. Nhóm môi giới này sẽ xuất hiện khi thị trường thuận lợi và cũng dễ dàng rời bỏ khi thị trường khó khăn.

Ngoài ra, còn một đối tượng ngoại hạng phải kể đến là tầng lớp môi giới thâm niên trong nghề, có tiềm lực, có kinh nghiệm được gọi là siêu cò, chuyên làm giá, thổi giá ở một vài thời điểm, một vài khu vực và hệ lụy là cái bẫy lớn kiếm lợi nhuận khủng cho nhiều nhà đầu tư thiêu thân lao vào và hệ lụy rất lớn.

Thực ra sự phân cấp như trên chỉ mang tính tương đối. Quan trọng là tâm thế của bạn khi vào nghề có làm đúng chuẩn mực nghề nghiệp và có thể ngẩng cao đầu, hãnh tiến trong tương lai. Một người mới vào nghề mà làm tốt, làm chuẩn còn hơn một người 10 năm tuổi nghề mà chỉ nghĩ đến các chiêu thức để lừa khách hàng sẽ không thể trụ lâu với nghề.

moi gioi bat dong san
Một người mới vào nghề mà làm tốt, làm chuẩn còn hơn một người 10 năm tuổi nghề mà chỉ nghĩ đến các chiêu thức để lừa khách hàng. (Ảnh minh họa)

Chất lượng môi giới bị “thả nổi”

Bất động sản là sản phẩm có giá trị rất cao, đôi khi là gia tài cả một đời người. Pháp lý bất động sản khá phức tạp vì liên quan đến nhiều quy định, nhiều luật khác nhau. Để thấu hiểu một sản phẩm đầy đủ cần phải trải qua một quá trình đào tạo khá toàn diện, chưa kể các nền tảng về đạo đức nghề nghiệp cũng rất quan trọng cần phải ghi nhớ ngay từ những ngày đầu bước vào nghề.

Thế nhưng thực tế hiện nay chất lượng đội ngũ đã tăng lên đáng kể về mặt số lượng nhưng lại đang bị “thả nổi” về mặt chất lượng. Trong khi thành phần môi giới hạng A chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, khoảng trên dưới 20% thì tỷ lệ hạng B đang ở mức 40 - 50% nguồn lực thị trường nhưng đội ngũ này tính bền vững không cao, có thể tiến lên hạng A nhưng cũng có khả năng rơi xuống hạng C nếu không được quản lý, đào tạo tốt.

Khoảng 30 - 40% tỷ lệ nhân viên môi giới hạng C là thành phần đáng lo ngại nhất. Đây là đội ngũ đã gây nên bao câu chuyện bất ổn trong thị trường với muôn kiểu bán hàng bất chấp thủ đoạn, sẵn sàng lừa dối khách hàng, thậm chí có thể khép vào tội lừa đảo. Kiểu rao dự án một đường, bán dự án một nẻo hay rao sản phẩm tốt giá thấp rồi chào sản phẩm khác. Đó là chưa kể đến các kiểu quảng cáo sai thông tin, mạo danh các thương hiệu lớn, uy tín để dẫn khách hàng vào tròng... Nếu liệt kê đầy đủ chắc phải 1001 kiểu chiêu trò bán hàng mà khách hàng phải than trời. Nếu không may sụp bẫy thì cả gia sản theo gió theo mây không biết đến bao giờ mới đòi lại được.

Thật sự rất cần một cuộc khảo sát và đánh giá toàn diện đội ngũ môi giới bất động sản, các công ty môi giới đang hoạt động trên thị trường hiện nay. Có những đợt tuyển dụng ào ạt lên tới vài trăm nhân sự một lúc để chạy dự án thì khó mà có được nguồn nhân sự chất lượng cao.

Đã đến lúc cần chấn chỉnh lại chất lượng đội ngũ môi giới khắt khe hơn, chọn lọc hơn với các tiêu chuẩn đào tạo nền tảng bắt buộc, đặc biệt là các quy định về đạo đức nghề nghiệp trước khi tham gia vào thị trường. Các công ty môi giới hoạt động không đúng pháp luật kéo nhân viên môi giới vào vòng xoáy vi phạm cũng là tác nhân không nhỏ gây nên hệ lụy này. Các chế tài phải đủ mạnh để răn đe nếu vi phạm các quy định, có thể phạt tiền, cấm hoạt động trong ngắn hạn hay cấm vĩnh viễn nếu vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng.

Chúng ta đang ở trong thời kỳ phát triển cao về công nghệ, nên cần quản lý đội ngũ môi giới bằng hệ thống đồng bộ, có mã số với các quy định về tiêu chí ban đầu phải đáp ứng đầy đủ. Đây cũng là cách để sàng lọc đội ngũ môi giới lành mạnh hơn, tránh thật giả lẫn lộn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng và đảm bảo sự minh bạch và phát triển bền vững của thị trường.

"Hiện vẫn còn những bất cập của nghề môi giới bất động sản. Đó là trình độ, năng lực chưa đồng nhất, chủ yếu là tự phát, tự đúc kết kinh nghiệm, bởi chưa có một hệ thống quy chuẩn nào ở Việt Nam dành cho nghề môi giới bất động sản. Bên cạnh đó, chất lượng nghề môi giới của Việt Nam còn thấp hơn các nước trong khu vực.

Thực tế còn quá nhiều người môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề, thiếu hiểu biết pháp luật, tự phát hoạt động, môi giới sai luật dẫn đến nhiều hệ quả xấu, gây mất ổn định an ninh xã hội, thiệt hại cho người tiêu dùng hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, phần lớn môi giới bất động sản chưa có khái niệm về đạo đức kinh doanh khi hành nghề dẫn đến các hành vi xấu, với đối tác, với đồng nghiệp, với khách hàng, làm xấu hình ảnh của môi giới bất động sản với thị trường, xã hội.

Nguyên nhân của bất cập này, một phần là do quản lý Nhà nước đối với hoạt động này còn lỏng, chế tài xử phạt chưa được ban hành, chưa có hệ thống chất lượng về kỹ năng nghề đạt chuẩn và đồng bộ trên cả nước, chưa xây dựng các bộ quy tắc về đạo đức hành nghề môi giới bất động sản. Thực trạng hoạt động đào tạo nghề môi giới bất động sản đang rất lộn xộn, tự phát, dễ bị lợi dụng.

Chúng tôi đã từng kiến nghị cần thiết phải tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động môi giới bất động sản theo đúng quy định pháp luật. Nhà nước cần sớm ban hành chế tài xử phạt, quy tắc đạo đức, đồng thời cần thiết phải tổ chức nghiên cứu xây dựng hệ thống chất lượng nghề môi giới bất động sản đồng bộ trên cả nước, đạt chuẩn quốc tế".

TS. Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS)

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top