Aa

Chỉ thị “nóng” của Thủ tướng: Tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản

Thứ Sáu, 26/04/2019 - 06:01

Những giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh do Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đang được kỳ vọng sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường.

Tín hiệu tích cực từ chỉ thị “nóng” của Thủ tướng

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù có những con số ấn tượng trong tăng trưởng nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn là một thị trường mới, non trẻ. Đánh giá cao tiềm năng của lĩnh vực này, song ông Hiếu cũng nhấn mạnh, những vướng mắc về hành lang pháp lý cũng như tính bất ổn định của thị trường bất động sản đang là nút thắt cho sự phát triển của ngành có giá trị vốn hóa cao.

Đặc biệt trong thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường bất động sản, nhiều loại hình bất động sản đã ra đời như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú… Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hành lang pháp lý cho những loại hình mới này vẫn còn trong tình trạng sơ khai, chưa hoàn thiện.

Kể từ thời điểm năm 2017 đến nay, do chưa có hành lang pháp lý đảm bảo, tâm lý của các nhà đầu tư bị ảnh hưởng cũng như sự xuất hiện hàng loạt các vụ tranh chấp trong loại hình mới. Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản phát triển không đúng như kỳ vọng xuất phát từ điểm nghẽn của hành lang pháp lý.

Giới đầu tư đã từng đặt kỳ vọng, năm 2019 khi Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai đưa ra, cùng chương trình xây dựng về pháp lý cho những loại hình du lịch mới, thị trường sẽ có nhiều tín hiệu để phát triển. Tuy nhiên, trước đó, thông tin Chính phủ đã có tờ trình gửi Quốc hội đề nghị rút dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 để tiếp tục nghiên cứu đã khiến giới đầu tư rơi vào tình trạng hụt hẫng. Rõ ràng, hành lang pháp lý còn chưa biết khi nào mới tỏ thì lượng đầu tư và thu hút dòng vốn vào lĩnh vực đó sẽ còn gặp hạn chế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Một trong số đó là việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho một số loại hình bất động sản mới. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình bất động sản mới (căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú...) theo đúng quy định của pháp luật, hoàn thành trong quý III/2019; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất đối với một số loại hình bất động sản mới trong Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Động thái quan tâm của Thủ tướng đến ngành bất động sản được kỳ vọng sẽ khơi thông hoạt động giao dịch thị trường, tạo ra những tín hiệu tích cực mới cũng như mở ra sự kỳ vọng của giới đầu tư.

Muốn phát triển bất động sản, hành lang pháp lý phải hoàn thiện

Hành lang pháp lý được ví như bản lề cho sự phát triển của thị trường bất động sản. So với các nước trong khu vực, Việt Nam vốn là nước giàu tiềm năng trong lĩnh vực này nhưng vẫn còn đang loay hoay trong việc tìm kiếm những giải pháp, chính sách rõ ràng, minh bạch.

Như nhận định của PGS. TS Doãn Hồng Nhung: “Việt Nam cần phải thực hiện thêm các bước hoàn thiện thủ tục, hợp thức hóa quy hoạch, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất. Trong đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, buộc phải phù hợp với quy hoạch và mục tiêu phát triển chung ngành bất động sản và kinh tế du lịch của đất nước. Bởi lẽ, nếu chúng ta không có hành lang pháp lý, không có sự điều tiết thì dễ rơi vào tình trạng đầu tư ồ ạt, quá lớn trên một diện tích hẹp. Mật độ lớn sẽ phá vỡ tính quy hoạch đô thị, phá vỡ quy hoạch dân cư…

Tính thiếu hoàn thiện của cơ sở pháp lý không chỉ đẩy thị trường vào những biến động xấu, rủi ro cao mà còn tăng tâm lý bất ổn cho các chủ thể tham gia phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Điều này dẫn tới một thị trường bất động sản thiếu cân bằng và tính ổn định”.

Đồng quan điểm đó, chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh, muốn condotel, officetel phát triển một cách bền vững và hiệu quả thì bắt buộc và chắc chắn phải có sự đảm bảo về mặt pháp lý: “Nhà đầu tư họ phải lo lắng chứ vì đầu tư condotel, officetel đòi hỏi một nguồn vốn lớn, nhưng không có gì để đảm bảo trong tay thì sao họ có thể yên tâm. Nếu như nhà đầu tư thận trọng, có kinh nghiệm không dại gì người ta đầu tư vào một sản phẩm như thế. Bởi vì dù có cái lợi nhuận trước mắt nhưng về lâu dài thì lại quá rủi ro”.

Hành lang pháp lý không chỉ là yếu tố giúp "bôi trơn" hoạt động giao dịch trên thị trường bất động sản trong nước mà còn là một tiêu chí để nhà đầu tư nước ngoài quyết định rót vốn hay không. Bà Liễu Nguyễn, Đại sứ Hiệp hội Môi giới Bất động sản Quốc gia Hoa Kỳ (NAR) tại Việt Nam từng chia sẻ với báo giới rằng, nếu thị trường bất động sản tại Việt Nam hoàn thiện về hành lang pháp lý thì đây là cơ hội để các doanh nghiệp ngoại không ngần ngại rót vốn. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top