Các phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn với giá ưu đãi cho người lao động (ESOP) tiếp tục được các ngân hàng mang ra để giữ chân nhân sự, nhất là những nhân sự cấp cao.
Đơn cử bên cạnh phương án chia cổ tức 25% bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm gần 2.740 tỷ đồng, OCB xin cổ đông cho phép bán 5 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, giá mỗi cổ phiếu bằng mệnh giá 10.000 đồng để tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng. Những người trong diện mua cổ phiếu ưu đãi này nằm trong danh sách do ngân hàng thống nhất trong hội đồng quản trị. Loại cổ phiếu này hạn chế chuyển đổi trong 4 năm kể từ khi phát hành.
ABBank cũng dành ra 2% cổ phiếu ESOP với mức giá 11.500 đồng/cp, bên cạnh đó ngân hàng này cũng phát hành gần 244 triệu cổ phiếu thưởng, tương đương 35% vốn điều lệ sau khi tăng vốn đợt đầu. Thời gian thực hiện tăng vốn đợt một dự kiến trong quý II và III và đợt hai trong quý IV năm nay.
MB dự tính tăng 40% vốn điều lệ chia làm 3 giai đoạn, ngân hàng này tính toán lần thức ba sẽ phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động. Trên thị trường đầu tuần này giá mỗi cổ phiếu OCB hơn 22.000 đồng, ABB hơn 16.000 đồng, MBB 29.000 đồng…
Theo giới chuyên gia, tăng vốn sẽ giúp các nhà băng tăng năng lực tài chính và bổ sung thêm nguồn vốn kinh doanh, qua đó có thể mở rộng quy mô hoạt động, đặc biệt là hoạt động tín dụng.
Hiện có khá nhiều giải pháp để tăng vốn như bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu, phát hành thêm cổ phiếu cho các nhà đầu tư mới… Tuy nhiên, giải pháp hiện đang được nhiều ngân hàng lựa chọn là chia cổ tức bằng cổ phiếu. Hiện thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn khởi sắc, giá cổ phiếu ngân hàng tăng khá mạnh thời gian qua đang hỗ trợ cho hoạt động này.
Thị trường chứng khoán khởi sắc cũng khiến cho việc phát hành cổ phiếu ESOP nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người lao động khi mà cổ phiếu ESOP thường được phát hành với giá ưu đãi. Chia cổ phiếu thưởng cho người lao động nhiều năm nay các ngân hàng luôn thực hiện đối với những nhân sự quan trọng như là một giải pháp để không bị "chảy máu chất xám".
Đặc biệt, gần đây các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động nâng cấp công nghệ thông tin, để đáp ứng hạ tầng cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng số qua các nền tảng mobile banking, internetbanking… Bởi vậy nguồn nhân lực công nghệ thông tin là rất quan trọng với nhiều ngân hàng, trong khi các lĩnh vực khác cũng đang "khát".
Ông Nguyễn Hải Long - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng ông những năm gần đây bị các ngân hàng khác và các công ty công nghệ lấy đi từ 10 - 20 nhân sự làm công nghệ. Nguyên do, ngân hàng vẫn phải thực hiện chế độ ưu đãi theo thang bảng lương nên không thể giữ chân người lao động có chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ.
"Ngân hàng nào cũng nói bị mất nhân sự cao cấp về lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng thực ra là các ngân hàng lấy người của nhau, trong khi vận hành ngân hàng số ngày một nhiều lên", ông Nguyễn Minh Tâm - Phó Tổng giám đốc Sacombank nói.
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank cho biết, hiện nay ngân hàng số lấy các nhân lực giỏi về công nghệ, nhưng phải có khả năng nhạy cảm về nghiệp vụ tài chính ngân hàng mới có thể cho ra sản phẩm tài chính công nghệ đáp ứng yêu cầu người dùng dịch vụ tài chính số. Chính vì lẽ đó, lượng nhân lực hai trong một này có giới hạn và cứ chạy lòng vòng qua các ngân hàng và nếu khi có một môi trường tốt hơn để phát triển họ sẽ chuyển hẳn đi làm việc./.