Aa

Thương lắm vỉa hè

Thứ Hai, 04/04/2022 - 06:06

Làm sao vỉa hè Hà Nội mãi mãi là một phần ký ức, mãi mãi là phần kết nối “từ nhà ra phố” không thể thiếu của các đô thị văn minh, xanh, sạch, sinh thái. Câu trả lời còn ở phía nay mai...

“Nơi tôi sinh Hà Nội/ Ngày tôi sinh một ngày bỏng cháy/ Ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó/ Đêm lặng nghe trong gió/ Tiếng sông Hồng thở than”, đây là những ca từ đầu tiên trong ca khúc “Hà Nội và tôi” của nhạc sỹ Lê Vinh. Chắc nhiều người Hà Nội và yêu Hà Nội thuộc bài này. Bài hát của nhớ mong, khắc khoải, đã được nhiều ca sỹ nổi tiếng như Trung Đức, Thu Phương... thể hiện thành công đến da diết lòng người.

Tôi không sinh ra ở Hà Nội, nhưng gắn bó cả đời với Hà Nội, thuở Hà Nội còn leng keng tàu điện. “Ngõ ngỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó”, mấy ai có hạnh phúc được sở hữu nhà mặt phố, vậy nên bài hát dường như dành cho số đông người Hà Nội. Rộng ra là cư dân các đô thị.

Từ ngõ ra phố, mùa đông uống chén chè nóng. Với các thiếu nữ Hà Nội thì sà vào một gánh hàng rong chọn bắp ngô nướng... Những sinh hoạt đời thường ấy, trăm năm nay từ ngày có đất Kẻ Chợ đến nay đã là một phần của văn hóa Hà Nội. Sinh hoạt vỉa hè Hà Nội đã đi vào thi ca, âm nhạc. Gần đây có bài hát “Hà Nội trà đá vỉa hè” của nhạc sỹ Đinh Mạnh Ninh, thu hút fans trẻ. 

“Cho tôi xin một ly trà đá/ Góc phố nơi tôi hay về qua/ Cho tôi quên tạm những vội vã/ Nghe anh em chuyện đời vui buồn” (Hà Nội trà đá vỉa hè). 

Hà Nội trà đá vỉa hè
Hà Nội trà đá vỉa hè

Sinh hoạt vỉa hè Hà Nội. (Ảnh minh họa: Internet)

Nhà tôi ở gần Ngã Tư Sở, sáng thứ bảy và chủ nhật tôi thường đi bộ trên vỉa hè Tây Sơn, qua mấy ngã tư giao cắt để đến Gò Đống Đa. Phần thì tập thể dục, tận hưởng không khí trong lành của một trong những nơi ở Hà Nội còn giữ được thảm cây xanh. Phần thì xem các cụ về hưu đánh cờ tướng trên vỉa hè trước mặt Gò. Các cụ nhà xung quanh khu vực ấy cả. Say mê, nhiều năm, nhiều tháng như vậy. Hiền lương và thánh thiện.

Vỉa hè Hà Nội, ban đầu là nơi “Nghe anh em chuyện đời vui buồn”, “Đến với nhau bằng những nụ cười” (Đinh Mạnh Ninh).

Ở Hà Nội, không đường phố nào là không có vỉa hè. Vỉa hè rộng hẹp khác nhau theo từng con phố, từng vị trí trong khu vực. Vỉa hè ở khu phố cổ rất hẹp, nó phù hợp với kiến trúc nhà ống một, hai tầng “mái ngói lô xô” nằm khiêm nhường trên các phố mang tên “Hàng” đã có vài trăm năm tuổi. Vỉa hè ở các khu phố cũ xây dựng vào những năm cuối thế kỷ XIX như Tràng Thi, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông, Ngô Quyền, Nguyễn Du, Phan Đình Phùng, Trần Phú… thì thoáng đãng rộng rãi, có nhiều nhà ở kiểu biệt thự, mang phong cách kiến trúc miền Nam nước Pháp. Vỉa hè những khu phố mới, phía Tây Hà Nội, cũng đa dạng, kiến trúc hỗn hợp. Với các đô thị cổ như Hà Nội, vỉa hè gắn liền với sự ra đời, có lịch sử, có ký ức.

Trong cấu trúc đô thị, vỉa hè là phần kết nối giữa nhà phố và đường phố, có chức năng công cộng rõ ràng. Vỉa hè dành cho người đi bộ và những hoạt động cộng đồng, còn đường phố dành cho các phương tiện giao thông như ô tô, xe máy, xe đạp... Điều này đã được ghi rõ trong Luật Giao thông đường bộ. Không ai được sử dụng vỉa hè làm việc gì khác, ngoài việc dành cho những bước chân. 

Kinh tế thị trường ập đến. Trong nền kinh tế ấy, có thành tố “kinh tế vỉa hè”, một khái niệm mà các nhà khai sinh lý thuyết kinh tế thị trường, chắc không nghĩ ra. Thời thị trường tạo ra nhiều xung đột giữa ý tưởng và chính sách, giữa luật pháp và cuộc sống, giữa giải pháp và thực thi. Cũng như các đô thị khác, ở Hà Nội, không nhà mặt phố nào lại không có hoạt động thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, trong thời buổi kinh tế thị trường, vỉa hè đã trở thành cái mỏ vàng cho các nhà mặt phố, người bán hàng rong, quán nước… và cho cả chính quyền sở tại khi khai thác làm điểm trông giữ xe máy, ô tô… Vỉa hè, từng bước bị băm nát.

Thời khó khăn, tôi từng được anh Thế Phẫu – một phóng viên báo Công an Nhân dân, cho sử dụng vỉa hè trước cửa nhà anh ở số 1 Khâm Thiên, Hà Nội làm điểm sửa chữa, bơm xe đạp ban đêm. Những đêm lầm lụi trong cuộc đời, tôi không thể nào quên. Cho đến bây giờ, biết bao số phận, biết bao gia đình nụ cười, nước mắt còn treo gửi nơi vỉa hè, góc phố. Nhiều, rất nhiều.

vỉa hè Hà Nội
Đã có biết bao chuyện vui buồn, tích cực và tiêu cực từ vỉa hè. (Ảnh minh họa: Internet)

Nhà đô thị học người Mỹ, Giáo sư Annette Kim (Viện Công nghệ Massachusetts - Mỹ) trong một đề tài mà bà và cộng sự dày công nghiên cứu sau 15 năm sống ở TP.HCM, đã chỉ ra rằng, tất cả những sinh hoạt trên vỉa hè, bao gồm cả buôn bán, chỉ chiếm từ 10% đến 40% diện tích. Trong khi đó, hoạt động chiếm nhiều không gian nhất lại là đỗ xe gắn máy. Và bà cũng phát hiện ra điều thú vị, là trên những vỉa hè của Sài Gòn, nhiều người cùng chia sẻ không gian cho những hoạt động khác nhau, vào những thời điểm khác nhau. Như ở một góc phố, lúc 5 giờ sáng, vỉa hè là nơi ngả lưng của những người muốn hưởng sự thoáng đãng của khí trời. Sau đó là nơi phục vụ bữa sáng và cà phê. Vào lúc xế chiều, vỉa hè là nơi mọi người ngồi nghỉ, ngắm phố phường hoặc mua bán. Tất cả những câu chuyện này diễn ra trên một đoạn vỉa hè. “Và thật kỳ diệu khi ta nhận ra rằng bao nhiêu phần của cuộc sống có thể được nuôi dưỡng trong không gian công cộng khiêm nhường này” - giáo sư Annette Kim kết luận. Ở Hà Nội cũng tương tự như vậy. Ngay một điểm, tại một vỉa hè cụ thể nhưng sáng người bán mặt hàng này, chiều người khác kinh doanh mặt hàng khác, theo luật “bất thành văn” giữa những người cuộc sống gắn bó với vỉa hè.

Những nhà mặt phố, có tâm lý coi vỉa hè – phần công sản, sở hữu toàn dân trước nhà là của họ. Từ đó mới có chuyện, một thời Hà Nội rộ lên chuyện xảy ra nhiều vụ việc “bức tử” cây xanh bằng các thủ đoạn đổ acid, khoan thân cây... Có gì đâu, đấy là cách “bứng cây” hợp pháp để tăng thêm diện tích vỉa hè. Chuyện lát vỉa hè, thay gạch nọ, đá kia cũng từng xôn xao “mặt báo”. 

Tổng cục Thống kê từng thống kê và công bố rằng, kinh doanh trên vỉa hè và cửa hàng, cửa hiệu trên đường phố đã tạo ra 11 - 13% GRDP của Hà Nội. Cùng với đó là hàng vạn người có việc làm ổn định và thu nhập ổn định bởi những gánh hàng rong, quán hàng rong trên vỉa hè đường phố. Đó chính là “không gian kinh tế” của vỉa hè! 

Kinh tế vỉa hè từng lên cả diễn đàn Quốc hội, chứ không hề bé. Người ta tranh cãi nhau về việc làm sao đánh thuế, tận thu được từ kinh tế vỉa hè. Ngân sách thành phố có thể thất thu, những người kinh doanh đều phải nộp cả đấy, từ thuế khoán, đến nộp cho “trật tự phường” đến “bảo kê”.

vỉa hè Hà Nội
“Thật kỳ diệu khi ta nhận ra rằng bao nhiêu phần của cuộc sống có thể được nuôi dưỡng trong không gian công cộng khiêm nhường này”. (Ảnh minh họa: Internet)

Đã có biết bao chuyện vui buồn, tích cực và tiêu cực từ vỉa hè. Biết bao cuộc “ra quân” rầm rộ của chính quyền để rồi “thua”, chấp nhận sự phát triển tự nhiên của kinh tế vỉa hè (!) Lực lượng chức năng đuổi thì đi, qua lại đến, không may thì bị thu bàn ghế, gánh hàng... Tất cả phản ánh một sự “nhếch nhác” về cung cách quản lý, thụ động, “ném đá ao bèo”... không còn phù hợp. Đáng tiếc kéo dài mãi, khó đoán ngày kết. Gần đây, báo chí lại ồn ào chuyện Hà Nội làm các “chướng ngại vật” để hạn chế tình trạng xe máy lao lên vỉa hè, nhưng vô hình trung cản trở cả người đi bộ. 

Vỉa hè còn nhiều nhặn gì cho người đi bộ đâu?! May ra còn chỉ những con phố thuộc trung tâm chính trị ở khu Ba Đình. 

Câu chuyện vỉa hè còn dài. Chắc chắn còn phải chờ khi dân nghèo thành phố giảm đi, khi văn hóa của cư dân đô thị thay đổi. Ví dụ như, ngày càng nhiều người quan tâm đến thực phẩm sạch, hàng hóa sạch... muốn vào siêu thị, trung tâm thương mại, chứ không phải quan tâm đến “hàng mẹt” nơi vỉa hè, góc phố. Ví dụ như, giao thông công cộng ngày càng phát triển, hạn chế được phương tiện cá nhân như xe máy... Đặc biệt, cần sự thông thái của các nhà quy hoạch, quản lý đô thị thời 4.0. 

Làm sao vỉa hè Hà Nội mãi mãi là một phần ký ức, mãi mãi là phần kết nối “từ nhà ra phố” không thể thiếu của các đô thị văn minh, xanh, sạch, sinh thái. Câu trả lời còn ở phía nay mai. Thi thoảng ngồi trà đá vỉa hè, tôi lại nhớ câu thơ của Nguyễn Quang Hưng: “Còn hun hút gió trẻ trai/ Những đường sương gió phủ hai vai sờn” (Bóng người bóng phố)./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top