Áp lực điều chỉnh vẫn hiện hữu, tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khiến cho dòng tiền không mấy tích cực và trạng thái giao dịch ảm đạm bao trùm toàn thị trường.
Dưới góc nhìn kỹ thuật, kết thúc tuần giao dịch từ ngày 13 - 17/03/2023, chỉ số VN-Index đang ở 1045.14, đây là tuần thứ 6 liên tiếp, VN-Index đóng nến tuần nằm dưới đường MA10 và chưa thoát ra khỏi xu hướng giảm trung hạn từ đầu tháng 2 đến hiện tại. Trong xu hướng ngày, VN-Index cũng đang nằm trong xu hướng giảm khi đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, đáy sau thấp hơn đáy trước.
Các nhóm dòng dẫn dắt thị trường nhịp hồi của thời điểm tháng 1/2023 đang có dấu hiệu tạo đỉnh trong ngắn hạn như thép, đầu tư công, ngân hàng… Thanh khoản các nhóm này tăng đột biến ở vùng giá cao, một số cổ phiếu đã có dấu hiệu gãy các đường hỗ trợ (VCB, HPG, HHV, VCG…). Đa phần số lượng cổ phiếu điều chỉnh trong tuần qua là áp đảo. Không có dấu hiệu sóng dòng đồng thuận.
Có thể ngắn hạn, TTCK Việt Nam tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong bối cảnh dòng tiền eo hẹp, tâm lý nhà đầu tư thận trọng, cộng hưởng với những thông tin tiêu cực từ TTCK thế giới, VN-Index có thể tiếp tục một tuần giao dịch ảm đạm và chưa thể vượt đường MA10 trên khung tuần để thoát khỏi xu hướng giảm. Không ngoại trừ khả năng tuần giao dịch tới sẽ có biến động mạnh, VN-Index hoàn toàn có thể test lại kháng cự tâm lý vùng 1000 để thu hút dòng tiền bắt đáy.
Những thông tin tích cực
Tối ngày 14/03, thông tin Ngân hàng nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành, chủ yếu ở 3 khoản mục chính: Lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay ngắn hạn với lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với nhà băng. Trong các lần giảm lãi suất trong quá khứ của NHNN đều có khoản mục lãi suất tái cấp vốn - tái cấp vốn là lãi suất Ngân hàng Nhà nước cho các tổ chức tín dụng vay dựa trên các tài sản đảm bảo là giấy tờ có giá, các tài sản rủi ro như: Bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp... Lãi suất tái cấp vốn hiện tại vẫn đang giữ ở mức 6%, không có sự thay đổi. Các khoản mục còn lại là ưu tiên lãi suất cho vay vào các hoạt động sản xuất kinh doanh như nông nghiệp, sản xuất công nghiệp...
Như vậy thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa thể tháo gỡ khó khăn trong ngắn hạn, các doanh nghiệp trong ngành phải tiếp tục tìm các phương án để tự cứu lấy bản thân sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65/2022/NĐ được thông qua.
Động thái của FED và biến động của TTCK thế giới
Ngày 23/03 Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ công bố mức tăng của lãi suất điều hành đợt này, đặt trọng tâm vào việc quyết định tiến trình tiếp theo cho chính sách tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát.
Sau sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB),các nhà đầu tư dự đoán có 60% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, với 40% còn lại dự đoán Fed sẽ đóng băng lãi suất chủ chốt. Trong suốt cả năm 2022, Fed đã thực hiện 4 lần tăng lãi suất liên tiếp 0,75 điểm phần trăm, sau đó giảm xuống mức tăng 0,5 điểm phần trăm vào tháng 12/2022 và giảm tiếp mức tăng 0,25 điểm phần trăm vào tháng 2/2023, đưa lãi suất quỹ của Fed hiện ở mức 4,5 - 4,75%.
Phiên giao dịch thứ 6 của chứng khoán thế giới tiếp tục lao đao khi SVB Financial Group - công ty mẹ của ngân hàng SVB, đã đệ đơn xin phá sản theo điều 11 luật kinh doanh của Mỹ, và đã niêm yết các tài sản và khoản nợ lên tới 10 tỷ USD.
Fed cũng đã có các động thái hỗ trợ các ngân hàng nhưng chỉ ở mức "cầm máu". Theo nhận định của ngân hàng JPMorgan Chase, chương trình cho vay khẩn cấp của Cục dự trữ liên bang Mỹ có thể bơm tới 2.000 tỷ USD thanh khoản vào hệ thống ngân hàng Mỹ, giúp giảm bớt tình trạng căng thẳng. Có thể nhận định tình hình bắt đầu xấu hơn và buộc FED phải có hành động, tuy nhiên đây chỉ là phương án tạm thời để đối phó với tình trạng nhà đầu tư rút tiền hàng loạt khỏi các ngân hàng ở Mỹ và cũng hỗ trợ cho một phần những tác động của chương trình thắt chặt định lượng mà Fed đã thực hiện trong suốt 1 năm gần đây.
Torsten Slok, nhà kinh tế trưởng tại công ty quản lý tài sản Apollo Global Management nhận định, sự hỗn loạn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng đã khiến các điều kiện tài chính trở nên thắt chặt hơn và làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Ngoài ra, những tác động của chính trị thế giới, sự căng thẳng của Nga và các nước phương Tây giai đoạn này cũng làm gia tăng bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu còn đang gượng dậy sau “tổn thương” do đại dịch Covid-19 gây ra.
Trong tuần giao dịch từ 20 - 24/03/2023 sẽ tiếp tục có nhiều biến động đến từ cả thị trường Việt Nam và thế giới. Nhà đầu tư nên tiếp tục giữ trạng thái thận trọng quan sát, đưa tài khoản về tỷ trọng an toàn chờ đợi phản ứng của VN-Index. Khi thị trường vẫn đang trong xu hướng nhiều rủi ro thì tốt nhất nhà đầu tư nên quản trị danh mục và chờ đợi thời điểm giải ngân hợp lý./.