Aa

Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng rà soát các thủ tục hành chính trước phản ánh của báo chí về “giấy phép con”

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Bảy, 09/09/2023 - 13:30

Trước những phản ánh của báo chí về “giấy phép con” cho nhà đầu tư xây dựng nhà ở, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Xây dựng rà soát lại các thủ tục hành chính.

Ngày 7/9, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 6872/VPCP-CN gửi Bộ Xây dựng về phản ánh của báo chí liên quan đến “giấy phép con” cho nhà đầu tư xây dựng nhà ở. Tại Văn bản, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu và có những đề xuất liên quan đến vấn đề này. 

Trước đó, ngày 29/8, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 6677/VPCP-KSTT nêu rõ chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước những phản ánh của dư luận xã hội về việc các Nghị định, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cầu thị, lắng nghe, tiếp thu và rà soát lại các thủ tục hành chính của Bộ Xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong ngày 30/8. 

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, bên cạnh một số thay đổi theo hướng tích cực về phát triển nhà ở xã hội, về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư..., dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã phát sinh một số bất cập, trong đó điển hình là việc khôi phục lại một số thủ tục hành chính mang tính chất “giấy phép con”, hoàn toàn không cần thiết trong quản lý.

Theo ông Nguyễn Văn Đỉnh, tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi phiên bản ngày 28/7 có đề xuất một thủ tục mới là “công nhận chủ đầu tư” dự án nhà ở. 

Cụ thể tại Khoản 4, Điều 37 về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở có quy định: “Trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thực hiện một dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật thì các nhà đầu tư này phải thỏa thuận ủy quyền cho một nhà đầu tư có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này để được công nhận làm chủ đầu tư dự án...”.

Dự thảo luật cũng quy định về cơ quan có thẩm quyền công nhận chủ đầu tư trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư thực hiện một dự án nhà ở: Cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở ở trung ương (Bộ Xây dựng) công nhận chủ đầu tư đối với dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, dự án có công trình nhà ở cấp đặc biệt, cấp I; UBND cấp tỉnh công nhận chủ đầu tư đối với các dự án nhà ở còn lại. Dự thảo đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết hồ sơ, trình tự, thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở.

Chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh

Theo ông Đỉnh, đây là dạng thức điển hình của một “giấy phép con” đã được báo chí, doanh nghiệp phản ánh nhiều thời gian qua. Vì vậy, vị chuyên gia đề xuất quy định này cần phải được xem xét, đánh giá toàn diện. 

Phân tích cụ thể, ông Đỉnh cho biết, quy định như trên tại Điều 37 của dự thảo luật (khoản 4) sẽ làm phát sinh thêm thủ tục “công nhận làm chủ đầu tư”, là một thủ tục hành chính hoàn toàn mới, không có trong Luật Nhà ở năm 2014.

Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đề xuất thêm một thủ tục hành chính hoàn toàn mới (thủ tục cấp “công nhận làm chủ đầu tư” của cơ quan nhà nước) nên cần có báo cáo đánh giá tác động của chính sách đối với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Trong khi hồ sơ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa có đánh giá tác động đối với chính sách này.

Mặt khác, cũng cần có báo cáo đánh giá tác động thủ tục hành chính khi cơ quan soạn thảo đề xuất thủ tục hành chính mới.

Theo ông Đỉnh, về thủ tục hành chính mới này, cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình tại Báo cáo số 119/BC-BXD ngày 16/6/2023 về tiếp thu, giải trình bước đầu ý kiến tại Tổ Đại biểu Quốc hội về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi): “Khoản 4 Điều 37 là quy định được Luật hóa từ Nghị định số 30/2021/NĐ-CP về việc xác định chủ đầu tư dự án nhà ở trong trường hợp có nhiều nhà đầu tư được chấp thuận, đây không phải là quy định mới”.

Tuy nhiên, quy định tại Điều 18 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2014 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 30/2021/NĐ-CP) như sau:

“3. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư theo pháp luật về đầu tư thì các nhà đầu tư này có thể ủy quyền cho một nhà đầu tư có đủ điều kiện hoặc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này để làm thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định tại khoản 4 Điều này...”.

Vì vậy, chuyên gia pháp lý bất động sản Nguyễn Văn Đỉnh kiến nghị bãi bỏ quy định tại khoản 4 Điều 37 dự thảo luật hoặc quy định dưới hình thức một quy phạm tùy nghi giống như điểm d khoản 2 Điều 7 Luật Xây dựng và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP, không quy định dưới hình thức bắt buộc để tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, làm tăng chi phí tuân thủ pháp luật cho doanh nghiệp.

Việc sửa đổi này cũng nhằm đảm bảo nguyên tắc tôn trọng quyền tự định đoạt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bởi trường hợp các thành viên trong liên danh nhiều nhà đầu tư muốn làm đồng chủ đầu tư, không có nhu cầu ủy quyền cho một thành viên làm chủ đầu tư thì cần tôn trọng quyền định đoạt của doanh nghiệp – ông Đỉnh nói thêm. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top