Thành công vượt ngưỡng 1.060 trong tuần trước, VN-Index đã kích hoạt hành động chốt lãi mạnh của nhà đầu tư. Diễn biến hưng phấn theo đà xuất hiện trong phiên đầu tuần đưa VN-Index vượt ngưỡng 1.070 tuy nhiên áp lực chốt lãi đã xuất hiện và nhanh chóng đẩy chỉ số rời xa mốc này. Nhịp điều chỉnh cũng xuất hiện sau đó đưa VN-Index về kiểm định mốc 1.060. Mốc 1.060 được kiểm định 2 lần trong tuần tại các phiên ngày 17 và 19/5, sau đó VN-Index đã hồi phục và chốt tuần tại 1.067,07, so với cuối tuần trước VN-Index tăng nhẹ 0,17 điểm tương đương +0,02%.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index ghi nhận hai phiên giao dịch đầu tuần với không nhiều điểm nhấn và thay đổi về điểm số không đáng kể, dù cho vẫn có sự phân hóa nhất định giữa các nhóm ngành và cổ phiếu. Những phiên còn lại của tuần, chỉ số biến động mạnh hơn nhưng tăng giảm đan xen và do đó kết tuần gần như không thay đổi so với tuần trước.
Thanh khoản bình quân phiên trong tuần này dù cao hơn tuần trước nhưng mức tăng cũng không nhiều. Nhìn chung, dòng tiền tiếp tục sự luân chuyển giữa các nhóm ngành, theo đó khiến các cổ phiếu tăng giảm đan xen trong phiên cũng như tính chung cả tuần và tạo ra sự phân hóa khá rõ rệt.
Tính chung cả tuần, nhóm ngành dầu khí và công nghệ thông tin ghi nhận mức tăng đáng kể nhất trong tuần vừa qua, đạt 2,2%. Kết tuần, VN-Index tăng 0,17 điểm, tương đương tăng 0,02% so với tuần trước.
Có thể thấy mục tiêu xuyên suốt của NHNN vẫn là giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp. Mặc dù lãi suất huy động từ đầu năm đã giảm đáng kể, sẽ cần thêm thời gian (độ trễ 1 - 2 quý) trước khi lãi suất cho vay có thể giảm thêm. Cùng với đó, giai đoạn này, thị trường chờ đợi các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía chính sách tài khóa như giảm thuế, phí, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
VHM là điểm sáng nổi bật trong tuần, cổ phiếu này đã tăng 5,7% giúp VN-Index tăng 3,2 điểm, không những vậy diễn biến tăng giá của VHM còn giúp nhóm cổ phiếu bất động sản có diễn biến khả quan hơn trong phiên cuối tuần.
Trong top 10 có sự hiện diện của nhiều ngân hàng thuộc top trung bình như STB, VIB, OCB khi các ngân hàng này ghi nhận mức tăng khá tốt từ 3% – 4%. Chiều giảm điểm dẫn đầu bởi HPG với mức giảm 2,5% ảnh hưởng -0,8 điểm lên VN-Index.
Khối ngoại đã giao dịch tích cực trở lại khi mua ròng hơn 860 tỷ đồng trên cả 2 sàn trong tuần. Trong đó dẫn đầu là giao dịch thỏa thuận STG với giá trị lên đến 1.316 tỷ đồng, bỏ xa HPG xếp thứ 2 với giá trị mua ròng 396 tỷ đồng. Chiều bán ròng dẫn đầu là VNM với giá trị bán ròng gần 300 tỷ đồng.
Kiểm định ngưỡng 1.060 của VN-Index là diễn biến chính được các chuyên gia phân tích của MASVN chú ý trong tuần này, chốt tuần tại 1.067 có thể là dấu hiệu của việc kiểm định thành công. Kỳ vọng VN-Index tiếp tục xu hướng tăng điểm ngắn hạn trong tuần sau, chỉ số có thể hướng đế mốc 1.085 – 1.090 nơi hội tụ 2 kháng cự quan trọng là MA 200 ngày và MA 200 tuần.
Về góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tạo nến có dạng hammer trong xu hướng tăng giá, phần nào đã phản ánh sự hụt hơi của chỉ số trong ngắn hạn. Điều này cũng được thể hiện rõ hơn trên khung đồ thị ngày khi mà VN-Index vẫn đang dao động tích lũy trong vùng mây ichimoku. Các chỉ báo MACD và RSI trên khung ngày hiện chưa cho tín hiệu đảo chiều, cho thấy VN-Index nhiều khả năng là đang tái tích lũy ngắn hạn sau một số phiên tăng điểm, và diễn biến này cũng không có gì bất ngờ đặt trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường không quá dồi dào.
VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục có những phiên tăng giảm đan xen trong xu hướng đi lên zigzag một cách chậm rãi. Do đó, VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư quan sát diễn biến thị trường tương ứng với giai đoạn VN-Index giao dịch quanh vùng điểm 1070 và tạm thời hạn chế gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trước khi xuất hiện phiên bùng nổ theo đà./.