Aa

Sông Hồng nước đỏ phù sa...

Thứ Sáu, 15/03/2019 - 06:00

Nước sông Hồng vẫn đậm đỏ phù sa nhưng cảnh vật đôi bờ giờ đã khác. Nhất là những phố phường ven nội thành. Các xóm bãi ngày xưa giờ đã thành phố, thành chung cư nhà cửa san sát, cao tầng. Không còn những bè gỗ, tre, nứa... Đám trẻ thành phố giờ cũng chả còn đam mê đá bóng, tắm sông. Họa hằn còn sót lại những chiếc thuyền chắp vá của số ít người nghèo khó lấy mặt sông làm nơi mưu sinh, trú ngụ...

Nhìn từ trên cao, sông Hồng như một dải lụa vắt qua Hà Nội. Trên thực tế, kể cả mùa nước kiệt, sông Hồng vẫn có màu sắc rất riêng của mình. Ấy là màu ngầu đục phù sa. Nhất là mùa lũ, sông đỏ đậm, cuồn cuộn chảy, mang theo sức sống bồi đắp châu thổ. Dạo chưa được trị thủy bởi thủy điện Hòa Bình thì mùa lụt nước sông mênh mông bể sở tràn hết cánh bãi và dâng đến thân đê.

Sông Hồng với người Hà Nội hiện hữu những gì cổ xưa của một kinh thành từng rạng danh sử sách với những chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược. Những địa danh Đông Bộ Đầu, Hàm Tử, Chương Dương… còn gắn liền với thời hiện tại bằng những chiến tích lẫy lừng chẳng bao giờ phai nhòa trong lịch sử. Có thể nói sông Hồng là một phần Hà Nội.

Sông Hồng bồi đắp nên văn hóa châu thổ.

Sông Hồng bồi đắp nên văn hóa châu thổ.

Tôi có may mắn được đến nơi đầu nguồn sông Hồng chảy vào nước Việt ở A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai. Một ấn tượng thật khó quên khi dòng Lũng Pô nhỏ nhắn hiền hòa xanh ngắt của nước Việt hợp lưu với sông Hồng từ Trung Quốc chảy sang cùng màu đỏ nguyên thủy. Đoạn sông Hồng khởi đầu ấy bên trong, bên đục tách bạch rõ ràng. Sông Hồng chảy về đến Hà Nội, uốn lượn ôm lấy nội đô 36 phố phường.

Có lẽ sông Hồng, với cái tên dân gian sông Cái, như muốn làm chức năng người mẹ với phố phường Hà Nội. Đông Ngạc, Phú Thượng, Quảng Bá, Nhật Tân, Nghi Tàm, An Dương, Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương… những làng, những phố ven sông, ngoài bãi từ bao đời như cánh tay vươn dài ôm ấp phố thị. Đấy còn là một loạt làng mạc, đất đai hai bên sông Hồng từ đoạn đầu tiếp giáp ở huyện Ba Vì và đoạn cuối ở huyện Phú Xuyên.

Hàng trăm cây số trải dài của sông Hồng qua Hà Nội đã tạo nên một vùng đất bãi canh tác trù phú, là vựa lúa, vựa cây của một phần đồng bằng châu thổ sông Hồng. Cánh đồng màu mỡ phù sa đã tạo nên những làng đào, quất truyền thống như Nhật Tân, Nghi Tàm…

Xuôi xuống mạn Phà Đen là một cầu cảng lớn của Hà Nội. Tại đây thuyền bè tấp nập xuôi ngược lên xuống ăn hàng. Lại nhớ câu ca “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” từ kho tàng dân gian. Phố Hiến là thương cảng lớn một thời xa xưa của vùng châu thổ sông Hồng nằm trên địa phận Hưng Yên. Sự thông thương của kinh thành Hà Nội với thương cảng phố Hiến và các vùng đất khác của châu thổ sông Hồng đã tạo nên một nước Việt hùng mạnh thời Trần, không chỉ thắng giặc ngoại xâm mà còn là sự phồn thịnh kinh tế.

Bây giờ, với những cây cầu lớn bắc qua sông Hồng và hệ thống quốc lộ, đường cao tốc đã đưa giao thông đạt đến mức nhanh kỷ lục, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Dù vậy thì đường thủy của sông Hồng vẫn có một vị trí quan trọng.

Tuổi ấu thơ của tôi gắn liền với con sông này. Dạo đó, lũ trẻ chúng tôi sau giờ tan học hay ra sông chơi đủ trò. Đá bóng trên cát và tắm sông là hai thứ thích nhất. Thời bấy giờ, nhà cửa đất đai chưa chật chội chen chúc như bây giờ bởi dân số Hà Nội chưa nhiều. Bãi sông Hồng là nơi tập kết của vô vàn tàu thuyền, đặc biệt là bè gỗ thả trôi từ mạn ngược ghé vào, để rồi chúng được vớt lên đi về các xưởng chế biến. Tre, nứa, mây… cũng vô thiên lủng đầy ắp các bè. Dân tình ngoài bãi, đa số là dân lao động và những người làm nghề mây tre đan. Họ vớt tre nứa đan phên, làm các vật dụng thủ công.

Lại nói tắm sông. Ngày đó sông Hồng nước cả, lớn hơn bây giờ nhiều. Lúc nước kiệt vẫn thành dòng cuồn cuộn. Đám trẻ chúng tôi chỉ mon men quanh quẩn tắm bên những bè gỗ neo cạnh bờ. Thú nhất là nhảy bổ từ ngang bè gỗ xuống sông và lặn ngụp vẫy vùng. Bè gỗ là những cây gỗ to nguyên thân dài khượt và được chằng buộc bởi những sợi mây, giang chắc chắn. Vì là gỗ nguyên cây nên cong thẳng không đều, chúng tạo ra những lỗ bè hổng, đi lại nếu không cẩn thận sẽ trượt chân ngã xuống lòng bè rất nguy hiểm. Nhưng chính cái lỗ bè hổng ấy lại cứu tôi thoát chết một lần.

Sông Hồng nước đỏ phù sa.

Sông Hồng nước đỏ phù sa.

Hôm đó trốn học, mấy đứa trẻ nghịch ngợm chúng tôi rủ nhau ra sông tắm. Chẳng hiểu thằng nào đó rủ nhảy ngược. Là bắt chước các anh lớn chuyên nhảy bổ ngược bè rồi lặn xuôi dòng dọc theo thân bè thoát ra đầu kia của cái bè dài mấy chục mét. Cả bọn nhảy. Tôi bị hút mạnh vào gầm bè choáng váng. Cố sức nhưng rồi tôi đuối dần mãi không thoát ra được. Sức kiệt, ngạt thở, tôi mở mắt ngoi lên đầy sợ hãi. Vệt sáng mờ mờ ngay trên đầu tôi chợt sáng lòa đúng lúc tôi đứt hơi lìm lịm. Cái đầu tôi may mắn đã lọt vừa lỗ bè hổng. Nhưng cũng phải vất vả lắm mấy người phu bè mới lôi nổi tôi qua được lỗ hổng ấy. Kết quả của lần nghịch ngu ngốc đó là một thằng bạn tôi bị kẹt trong gầm bè. Phải nhiều ngày sau mới tìm thấy xác nó. Và lũ chúng tôi, tất nhiên là không thoát khỏi những hình phạt nghiêm khắc.

Mùa nước lên cũng là những ngày khó quên của dân đồng bãi. Khi chưa có thủy điện Hòa Bình, sự hợp lưu với hạ lưu hai con sông lớn là sông Đà và sông Lô khiến sông Hồng trở nên hung dữ khác thường vào mùa lũ. Nước ngập tất cả các cánh bãi và dâng đến thân đê.

Mùa nước lụt năm 1971 là mùa nước cao kỷ lục gây vỡ đoạn đê Cống Thôn. Năm đó đứng trên mặt đê Hà Nội có thể khỏa chân xuống mặt nước được. Những mùa lụt, người dân bãi gồng gánh tài sản sơ tán vào phố trong đê. Một dải dọc phố ven đê ngổn ngang lều, bạt, mái hiên của những người chạy lụt. Và sự san sẻ của tình người lúc này luôn thật quý giá. Người Hà Nội rất sẵn lòng cưu mang nhau mỗi khi có nạn.

Nước sông Hồng vẫn đậm đỏ phù sa nhưng cảnh vật đôi bờ giờ đã khác. Nhất là những phố phường ven nội thành. Các xóm bãi ngày xưa giờ đã thành phố, thành chung cư nhà cửa san sát, cao tầng. Không còn những bè gỗ, tre, nứa... Đám trẻ thành phố giờ cũng chả còn đam mê đá bóng, tắm sông. Họa hằn còn sót lại những chiếc thuyền chắp vá của số ít người nghèo khó lấy mặt sông làm nơi mưu sinh, trú ngụ. Và còn có những ông già ngày ngày đạp xe tắm sông luyện sức. Tôi nữa, dù đã xa sông, thi thoảng cũng đạp xe lần về khúc sông xưa, nơi chân cầu Long Biên để tắm tiên cùng chúng bạn. Để được hụp mình đầy hạnh phúc trong màu đỏ đục hoài niệm của dòng sông ký ức.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top