Lời tòa soạn:
An Vân Dương là khu đô thị mới được quy hoạch vào năm 2005, sớm và lớn nhất ở xứ Huế. Khu đô thị nằm ở phía Đông TP. Huế, hình thành trên địa giới hành chính của TP. Huế, TX. Hương Thủy và huyện Phú Vang. Sau 16 năm xây dựng, hiện Đô thị mới (ĐTM) này bộc lộ một số hạn chế, trong đó nan giải nhất là vấn đề chống ngập lụt.
Với tinh thần nghiên cứu, thu thập thông tin, tài liệu để phân tích, đánh giá, đặc biệt là tranh thủ nhằm phản biện, gợi mở, cùng những kiến giải từ góc nhìn của chuyên gia, Reatimes đã có loạt bài viết về vấn đề ĐTM An Vân Dương ngập lụt.
Sau khi loạt bài khởi đăng, những ngày cuối năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương đã nhận lời phỏng vấn và có những chia sẻ thêm với Reatimes về chủ đề này.
Cần nghiên cứu đầy đủ và tổng thể
PV: Thưa ông, để Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, tỉnh cũng như Trung ương có đề ra là đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị… Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch của tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình là ĐTM, lớn nhất và sớm nhất tỉnh là ĐTM An Vân Dương đã gặp phải vấn đề ngập lụt vào mùa lũ, qua đó ảnh hưởng đến thu hút đầu tư cũng như chất lượng sống của cư dân trong khu đô thị. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Phương: Khu ĐTM An Vân Dương được UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch chung (tỷ lệ 1/5000) tại Quyết định số 1577/QĐ-UB ngày 09/05/2005 với ý tưởng xây dựng để tạo ra một khu đô thị sinh thái thân thiện môi trường trên cơ sở nạo vét, khai thác... Đồng thời, mở rộng các hệ thống mặt nước hiện có trong khu vực kết hợp với đào mới hệ thống kênh mương kết nối liên thông, bổ sung hệ thống hồ điều hòa, hồ tiêu nước, tạo không gian nước liên hoàn nhằm thoát nước tự nhiên theo hướng từ Tây sang Đông, đổ ra các đồng ruộng phía Đông, từ đó theo phía Bắc ra biển.
Các nhánh sông Phát Lát, An Cựu, Như Ý, Phổ Lợi và kênh, hồ nhân tạo trong khu ĐTM An Vân Dương sẽ được kết nối với nhau và nối thông với sông Hương theo thế bàn tay xòe. Bên cạnh đó, quy hoạch đã dành nhiều không gian xanh, công viên, dải cây xanh cùng với hệ thống không gian nước liên hoàn và hồ cảnh quan tạo ra một mô hình “Đô thị sinh thái mặt nước”.
Để đảm bảo thoát nước tự nhiên theo hướng từ Tây sang Đông, Nam xuống Bắc đổ ra biển, quy hoạch cũng đã thiết kế cao độ nền xây dựng khu đô thị thấp dần từ Tây sang Đông và từ Nam xuống Bắc. Qua đánh giá quy hoạch hệ thống thoát nước lũ, ngập lụt của ĐTM An Vân Dương là tương đối hợp lý.
Tuy nhiên trong những năm vừa qua, do ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa lũ nhiều kéo dài, nước biển dâng cao nên đã tác động không nhỏ đến khu ĐTM An Vân Dương nói riêng và tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung.
Bên cạnh đó, do tỉnh chưa đủ nguồn lực tài chính để đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch, chưa khơi thông mở rộng hệ thống sông, ngòi, mặt nước hiện có, chưa đầu tư mới hệ thống kênh mương, hồ điều tiết, hồ cảnh quan cũng như không gian xanh cho hành lang thoát lũ nên chưa tạo được không gian nước liên hoàn.
Ngoài ra, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông chính chưa hoàn thiện, hệ thống thoát nước chưa được kết nối, hạ lưu chưa đấu nối với cửa xả của các sông... Do đó, trong các đợt mưa lũ xảy ra năm 2020, khi đỉnh lũ đạt trên báo động 3 là 0,47m (cao độ lũ tại kim Long + 4.17m) thì trên địa bàn ĐTM An Vân Dương ngập trung bình 09 - 1,0m.
Vì vậy, để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cần nghiên cứu đầy đủ và tổng thể hơn, trong đó không loại trừ phương án nâng cao độ một số vị trí, một số tuyến đường để đáp ứng yêu cầu đặt ra cũng như đảm bảo tuyến đường cứu hộ cứu nạn khi có mưa lũ.
Năm nguyên tắc cốt yếu khi chống ngập
PV: Liên quan đến chống ngập cho khu ĐTM An Vân Dương, cũng như xây dựng khu ĐTM An Vân Dương thành ĐTM chất lượng, hiện đại kiểu mẫu, xứng tầm, Reatimes gần đây đã có 5 bài phản ánh, phân tích, nhận định; đặc biệt là có những kiến giải từ một số chuyên gia, nhất là ý kiến của kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn. Qua đó, nhiều vấn đề đặt ra trong việc khắc phục nhược điểm, điều chỉnh quy hoạch cục bộ thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh hay HĐND tỉnh. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?
Ông Nguyễn Văn Phương: Thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch là của UBND tỉnh. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu tổng thể việc thoát lũ và phương án khắc phục của TP. Huế và vùng phụ cận, bao gồm cả khu An Vân Dương; sau khi có kết quả của đề án, UBND tỉnh sẽ có các giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Như đã phân tích ở trên, thoát lũ cho đô thị Huế hiện tại, ngoài việc thoát về sông Hương, đổ ra biển thì còn lại thoát về phía Đông là đồng ruộng lớn, sau đó theo hướng Bắc thoát về đầm phá và ra biển.
Vì vậy, bài toán thoát lũ cho đô thị cần phải tính toán, cân nhắc kỹ trên cơ sở tổng thể toàn khu vực. Hiện nay, UBND tỉnh đang giao cho Sở Xây dựng nghiên cứu. Như KTS Ngô Viết Nam Sơn đã phân tích, để đảm bảo thoát lũ, thì cần phải dành không gian cho nước và đảm bảo liên hoàn.
Do đó, phương án chống ngập úng cho khu ĐTM nói chung và khu ĐTM An Vân Dương nói riêng, cần phải thực hiện trên các nguyên tắc sau:
- Khơi thông, mở rộng hệ thống kênh, mương, sông ngòi hiện trạng, nhằm phát huy tối đa hiệu quả thoát nước.
- Cần đào mới hệ thống kênh mương, mặt nước kết nối các con sông hiện trạng, cùng với hồ điều hòa, điều tiết, hồ cảnh quan đào mới để tạo một thể không gian nước liên hoàn.
- Trong quá trình phát triển đô thị, cần phải tạo hành lang thoát lũ phù hợp theo hướng từ Đông sang Tây bằng các hình thức phù hợp, khai thác triệt để hệ thống sông ngòi hiện có, kết hợp với không gian cây xanh, cảnh quan dọc theo sông để tạo hành lang thoát lũ rộng lớn.
- Bên cạnh đó, mật độ xây dựng cần phải được quy hoạch thấp dần từ Tây sang Đông, trong đó lưu ý khu E, khu tiếp giáp cần phải xây dựng mật độ thấp, dành nhiều không gian cây xanh, sân vườn, giúp cho việc thoát lũ tốt hơn.
- Cuối cùng, trong trường hợp các giải pháp trên không đảm bảo thoát lũ khi đối diện với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thì phải có phương án nâng cao độ một số tuyến đường theo hướng Tây - Đông, một số khu vực, hạn chế tối đa việc nâng các tuyến đường theo hướng Nam - Bắc, bởi sẽ dễ tạo ra các đê chắn trong hành lang thoát lũ.
Ưu đãi đầu tư để phát triển hạ tầng, dự án nhà ở thương mại, xã hội
PV: Được biết, ĐTM An Vân Dương cũng là nơi thu hút đầu tư khá nhiều dự án bất động sản, chương trình nhà ở xã hội. UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa kiện toàn Ban Chỉ đạo chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh làm trưởng ban. Điều này cho thấy lãnh đạo UBND tỉnh rất quan tâm vào sự đột phá, phát triển hiệu quả trên lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản. Chủ tịch có thể chia sẻ thêm về những cơ chế, kế hoạch của tỉnh trong lĩnh vực này?
Ông Nguyễn Văn Phương: Ban Chỉ đạo Chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản tỉnh Thừa Thiên - Huế được thành lập theo quy định của Luật Nhà ở và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ; thường xuyên được kiện toàn, thay đổi về các chức danh, thành viên cho phù hợp với tình hình thực tế. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chương trình phát triển nhà ở, các chủ trương chính sách về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương.
Về cơ chế, giải pháp và kế hoạch phát triển nhà ở và thị trường bất động sản: UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030 tại Quyết định số 2814/QĐ-UBND ngày 04/11/2021, với nội dung gồm kế hoạch, cơ chế và các giải pháp cụ thể.
Về Kế hoạch phát triển nhà ở và thị trường bất động sản giai đoạn 2021 - 2025: Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 26,5 m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu 10m2 sàn/người; diện tích sàn xây dựng mới tăng thêm khoảng 8.562.130m2 sàn; giai đoạn 2026 - 2030: Diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt 30m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu 12m2 sàn/người; diện tích sàn xây dựng mới tăng thêm khoảng 8.539.568m2 sàn.
Về cơ chế, giải pháp, tỉnh sẽ hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, như tham gia sửa đổi, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống pháp luật về nhà ở, đầu tư, đất đai; rà soát bổ sung, xây dựng các quy định về đầu tư xây dựng, chính sách đất đai, chính sách huy động vốn; ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư để huy động vốn phát triển hạ tầng đô thị, phát triển các dự án nhà ở thương mại, đặc biệt là nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp, chú trọng xã hội hóa đầu tư xây dựng.
Cùng với đó là tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết các thủ tục hành chính để thu hút doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng các dự án phát triển nhà ở. Đồng thời, thực hiện một số giải pháp về kiến trúc quy hoạch, công nghệ, tài chính, giải pháp về chính sách đất đai, và giải pháp tuyên truyền vận động nhằm thực hiện tốt Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!