"Báo cáo về việc thu hồi kinh phí đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài.
Sở Nội vụ nhận được công văn số.../ ngày.../ của sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi về việc trả lời những vấn đề báo chí đặt câu hỏi phục vụ họp báo quý 1/2020.
Sau khi sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi ban hành 04 quyết định về việc thu hồi kinh phí hỗ trợ đi dào tạo thạc sĩ ở nước ngoài theo đề án đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và thu hút nhân lực trình độ cao giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay, việc thu hồi và nộp vào Kho bạc Nhà nước của 04 trường hợp trên mà cơ quan báo chí đặt ra. Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi xin trả lời như sau:
Việc thu hồi và nộp vào kho bạc nhà nước kinh phí hỗ trợ du học bằng nguồn ngân sách nhà nước đã có 04 ông (bà) thực hiện cụ thể:
-
-
-
-
Để đảm bảo việc thu hồi kịp thời và đúng thời gian quy định. Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản hướng dẫn việc trả thu hồi kinh phí và đôn đốc các ông (bà) nộp vào Kho bạc Nhà nước khoản kinh phí đi đào tạo thạc sĩ ở nước ngoài.
Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi xin báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và thông báo đến quý cơ quan báo chí và Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi biết và phối hợp thực hiện.
Giám đốc sở Đoàn Dụng đã ký.".
Tôi đã vừa làm cái việc chưa bao giờ làm trong đời, là đánh máy lại cái văn bản từ ảnh chụp, không sai một ly, chỉ để trình bày với bạn đọc một thứ tiếng Việt kỳ lạ. Vấn đề là nó không phải là ngôn ngữ hè phố, cũng không phải của mấy anh chị chè chai, mấy anh thợ đụng ở chợ người. Nó được phát ra từ một cơ quan chuyên đi dạy về ngôn ngữ hành chính, cách thức trình bày văn bản, những quy định quy phạm đến từng dấu phẩy.
Kinh ngạc nữa, người ký là đích danh Giám đốc sở, và ông này vừa rời ghế Giám đốc sở Giáo dục và đào tạo Quảng Ngãi sang ngồi ghế Giám đốc sở Nội vụ Quảng Ngãi.
Tôi không tin là họ cẩu thả, bởi với các văn bản Nhà nước, để có một cái được phát hành ra như thế này, phải qua rất nhiều khâu, nhân viên soạn, trưởng phòng ký nháy, thủ trưởng ký, nhân viên đóng dấu. Chỉ có thể nói, họ hết sức coi thường chữ Việt.
Kỳ lạ, hết sức kỳ lạ một thứ văn bản tùy tiện, muốn chấm ở đâu thì chấm, tiện đâu chấm đấy, bất tuân mẹo mực.
Nó sai về câu từ đầu tới cuối. Từ sai dấu chấm câu dẫn tới sai ngữ pháp. Nhưng may là, tiếng Việt vĩ đại của tôi chưa bị hiểu sai nghĩa. Dù phải nín thở mà đọc, hoặc chưa đọc đã phải ngơ ngác nghỉ, thì cuối cùng, người đọc cũng vẫn hiểu là quý sở thông báo việc thu hồi tiền ngân sách của tỉnh cấp cho các thạc sỹ đi học ở nước ngoài vẫn chưa hoàn thành, các vị này chưa trả tiền như cam kết và đã bỏ cái nơi cưu mang cấp tiền cho mình đi học để đậu ở một bến bờ khác, chắc là tươi sáng hơn, màu mỡ hơn. Và số tiền cấp cho các vị ấy đi học không hề ít, đến mức một trong bốn phụ huynh, đương là một cán bộ chủ chốt tỉnh này, phải thốt lên: Tiền đâu mà trả bây giờ, bán nhà cũng không đủ?
Thời trước, khi chưa nghỉ hưu, văn bản nào mà tôi thảo hoặc ký, bao giờ cuối cùng cũng có câu: "Mong được hồi âm, xin trân trọng cảm ơn". Trước đấy còn có câu "Kính chúc các đồng chí sức khỏe" nhưng rồi các "chuyên gia" khác phản đối quá, bảo đây là công văn Nhà nước chứ không phải thư cá nhân nên không chúc chiếc gì cả, đành bỏ. Nhưng rõ ràng chỉ thêm câu "Trân trọng cảm ơn" cái công văn nó mềm hẳn đi.
Và vì thế tôi rất hân hoan khi giờ thi thoảng nhận những cái công văn, thay vì chữ "Giấy mời" thì thay bằng "Thư mời", "công văn" thì là "Thư công tác", nó hết sức tự nhiên, nhẹ nhõm, và nhân văn. Chưa kể rất nhiều công văn Nhà nước gửi cho ai đấy rất trống không, ví dụ "Kính gửi: Văn Công Hùng", hoặc ngược lại, cái quyết định xóa tên hội viên hội Nhà báo Việt Nam đối với ông "nhà báo quốc tế Lê Hoàng Anh Tuấn" thì vẫn rất kính trọng: "Đồng chí Lê Hoàng Anh Tuấn chiểu quyết định thi hành".
Lại nhớ chuyện ngày xưa, cái gì cũng phải "đơn xin". Bỏ tiền ra mà vẫn phải xin, ví dụ như cái tờ giấy in sẵn để ở bưu điện cho người gọi điện thoại đường dài điền vào, rồi nộp cho nhân viên, rồi chờ, đến lượt thì nhân viên chỉ cho phòng vào rồi nhân viên bấm số, người gọi đàm thoại với bên kia. Xong thì ra trả tiền cho nhân viên. Nó là mua bán sòng phẳng, người mua làm lợi cho người bán nữa, nhưng vẫn phải "đơn xin". Rồi đơn xin mắc điện, mắc nước, đơn xin kết hôn, đơn xin đẻ, đơn xin chứng sinh, đơn xin chứng tử... vân vân, tất cả cứ phải là... đơn xin.
Là nói ngoài lề, chứ bài này tôi đang bàn về sự cẩu thả của người soạn thảo và ký văn bản Nhà nước, đóng dấu quốc huy.
Không chỉ sở Nội vụ Quảng Ngãi với công văn này, trong vụ dịch Covid-19 vừa rồi, rất nhiều văn bản của từ Bộ Giáo dục và đào tạo, tới UBND, sở Giáo dục và đào tạo các tỉnh, tới các trường, từ THPT tới mẫu giáo... rất nhiều văn bản có vấn đề về câu cú, về ngữ pháp. Nó khiến những người yêu chữ/ tiếng Việt phải hoang mang.
Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng vừa tự hào vừa đau khổ vì tiếng Việt: "Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa.../ Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình". Nhạc sĩ Phạm Duy cũng thổn thức: "Tiếng nước tôi, bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi...". Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, giữa lúc đất nước nguy nan nhất, những là bom rơi đạn nổ của chiến tranh, những là xương tan thịt nát, vẫn phát động phong trào và viết bài rất hay về "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt".
Lại nghe nói, ngành tòa án đang có phương án mời các chuyên gia ngôn ngữ tới dạy thêm về chính tả cho các thẩm phán để không ra các bản án kiểu như "Bò cày không được thịt" và "bò cày không được, thịt".
Đọc trên facebook, rất nhiều thầy cô giáo, cả các giáo viên văn, viết sai chính tả tè le. Tôi từng vào group của học sinh một trường chuyên, có mục: Cô giáo H sai chính tả. Trong ấy, chúng ngồi đếm chính tả của cô giáo chúng, dạy Văn nhé, chứ không phải các môn khác, vài câu lại có một lỗi... Có đáng báo động không?