Mấy hôm nay, dẫu là đang rất căng thẳng và nghiêm trọng chuyện chống virus Covid nhưng vẫn có một chuyện khiến dư luận không thể không quan tâm: Vụ bắt vợ chồng Dương Đường ở Thái Bình.
Thôi, cái chuyện tội lỗi của vợ chồng nhà này, cả chuyện các cơ quan chức năng trước đấy đã "ứng xử" thế nào để họ ngày càng lộng hành, để phải tới khi giám đốc công an mới về, một thượng tá trẻ, thì một vụ án được khởi tố và "nhân tiện" lật lại các vụ trước đấy, đợi khi điều tra xong chúng ta sẽ biết. Tôi nói tới một chuyện khác, mà quả là, nhờ những ngày giãn cách xã hội vì Covid mới có thời gian thế, ấy là xem... ảnh vợ chồng nhà này.
Là trước đấy, để tạo vỏ bọc, chị Dương này thi thoảng cũng đi làm từ thiện, có vài nhà báo đi kèm để viết mấy bài báo, ca ngợi, tất nhiên và không thể không có ảnh. Ảnh như thế nào? Ảnh chị Dương rất diện, rất sang, tươi cười đứng bên cạnh những người nghèo khổ, nhếch nhác. Chị trao quà cho họ nhưng lại không bao giờ nhìn vào người được trao mà lại luôn nhìn vào ống kính, chụp đủ tư thế, nhưng có một tư thế không đổi, ấy là nhìn vào ống kính.
Thế tức là chị này tạo hình để chụp ảnh chứ không phải trao quà. Bởi trao quà thì phải nhìn vào người được trao, trân trọng họ, chia sẻ với họ, hết lòng với họ, còn ảnh ủng thì để cho thợ ảnh lo.
Tôi thấy có sự khác nhau rất rõ này. Nếu đi làm từ thiện thật, trao quà thật, thì đa phần là người trao sẽ nhìn vào người được trao, nó thân thiện, nó chan hòa, nó thành thật, còn nhìn vào ống kính là cách làm màu, chủ yếu để quảng cáo hoặc để "sướng" trên "phây".
Điều này xảy ra từ hồi có... máy ảnh.
Các bác thợ ảnh, đa phần là để được việc cho mình, thường yêu cầu "đối tượng" nhìn vào máy ảnh và cười thật tươi. Rõ nhất là chụp đám cưới. Bà con tặng quà cho cháu/con... thì cứ phải mặt nhìn ống kính nhưng tay vẫn đeo nhẫn hoặc đưa phong bì... Nhưng thôi đấy là đám cưới, chuyện của gia đình, hoặc của một góc nhỏ bạn bè. Và nó không phải là làm từ thiện.
Hay các cuộc tổng kết của các cơ quan, trao thưởng, tặng bằng giấy khen, huân, huy chương... thì cứ phải nhìn vào ống kính đã. Thợ ảnh yêu cầu thế và phải thực hiện. Tôi nói thật, cũng thi thoảng được giao nhiệm vụ làm những việc tương tự thế, trao cái gì đấy, giấy khen, quyết định, vân vân... thì bao giờ cũng chỉ lo trao, còn chụp ảnh là việc của thợ ảnh, họ phải căn khoảnh khắc mà chụp và như thế ảnh mới tự nhiên. Họ, thợ ảnh ấy, cũng là đi làm việc của họ. Trừ bây giờ, ai cũng có thể là thợ ảnh, chỉ cần một có một cái smart phone.
Tôi nghĩ đã đi làm từ thiện, thì phải khác.
Nhớ lần chúng tôi xuống một trường liên cấp tiểu học và trung học cơ sở của huyện Chư Sê, Gia Lai, trao quà cho các cháu học sinh. Cô hiệu phó liên hệ trước tên của đoàn/nhà tài trợ để... làm phông chữ. Tôi đã gạt đi ngay: Không làm gì hết. Chỉ nhờ các thầy các cô tập hợp các cháu để các cháu trật tự, không lộn xộn, trao đúng đối tượng, mục tiêu, các cháu thấy được sự chia sẻ của chúng tôi với các cháu, chia sẻ tận lòng chứ không chia để chụp ảnh rồi... chia sẻ lên mạng.
Cũng mấy hôm nay, tràn ngập trên mạng là các nhóm từ thiện giúp gạo cho bà con nghèo khi phải giãn cách xã hội. Rất nhiều người âm thầm lặng lẽ làm, không nêu tên đã đành, cũng không cần ai biết việc mình làm. Ví dụ như mang gạo tới "nạp" vào các cây ATM gạo. Người ít mươi cân, người nhiều cả tấn, cứ thế tự động mang tới, chất vào đấy. Đến mức hai cây ATM gạo ở Hà Nội phải thông báo ngừng nhận gạo vì... không còn chỗ chứa, đợi khi mở cây khác ở nơi khác lại tiếp tục xin được nhận.
Bây giờ những cây gạo ATM như thế đã phủ sóng khá nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Cũng tôi, thi thoảng lại nhận được tin nhắn, anh cho xin tài khoản để chuyển một ít cho cái trại điên mà anh viết bài. Anh đừng nêu tên. Mà tôi cũng không biết là ai thật, hoặc chỉ là số điện thoại, hoặc chỉ là một nick trên phây. Và tôi lại làm hai việc, một là cho tài khoản của tôi để họ chuyển vào, rồi lại rút tiền mang xuống, nói với chủ nhà: Bạn anh góp cho em nuôi "anh em". Tôi không nói của ai, vì có biết đâu mà nói và họ cũng chả hỏi, hỏi cũng chả biết để làm gì, vả nữa, những tấm lòng ấy nhiều vô cùng, hoặc cho họ tài khoản của chủ cái trại điên kia, họ chuyển tiền vào đấy. Chả ai biết là ai.
Từ thiện là cho đi không suy tính, là xuất phát từ tình thương thật sự, tự đáy lòng. Chứ từ thiện để làm màu, để... chụp ảnh, cũng tốt thôi, còn hơn không làm gì, nhưng có vẻ như nó cứ mang một chút màu sắc hài hước.
Mà không chỉ hài hước, vợ chồng Dương Đường ở Thái Bình là bi kịch.