Trong chuyến tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh, Sóc Sơn trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có những chia sẻ đáng chú ý.
Theo đó, thông tin với cử tri, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết trong quý I/2025, Hà Nội vẫn giữ được nhịp tăng trưởng. Thành phố đã tăng trưởng 7,35%, cao hơn trung bình chung cả nước và cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Vị trí triển khai xây dựng Cầu Tứ Liên vượt sông Hồng. Ảnh: Internet
Ngoài việc đưa ra những thông tin quan trọng về thu ngân sách cũng như việc cải cách hành chính, ông Trần Sỹ Thanh cho biết TP quyết tâm khởi công cầu Tứ Liên vào dịp 19/5. Đây là nhiệm vụ TP được Chính phủ giao và hiện công việc liên quan vẫn đang được rà soát hàng ngày.
Cùng với đó, các cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi cũng sẽ được khởi công vào các dịp 19/8 và ngày 2/9.
Cũng trong năm nay, TP sẽ khởi công bằng được tuyến đường sắt số 2 và đường sắt số 5.
Theo như quyết định phê duyệt phương án tuyến, cầu Tứ Liên được thiết kế là cây cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra những nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ với tổng vốn đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng.
Cầu Tứ Liên và đường dẫn 2 đầu cầu từ nút giao đường Nghi Tàm đến nút giao đường Trường Sa có chiều dài chừng 5,15km, dự án nằm trên địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.
Dự án cầu Tứ Liên sẽ gồm nhiều hạng mục; gồm cầu Tứ Liên vượt sông Hồng với chiều dài 1km, rộng 43m; cầu vượt sông Đuống dài 0,3km, rộng 44m; cầu dẫn phía quận Tây Hồ dài 1,4km, rộng từ 27,5 - 44m; cầu dẫn phía huyện Đông Anh dài khoảng 0,4km, rộng 35m.

Phối cảnh cầu vượt Tứ Liên. Ảnh: Internet
Cầu Tứ Liên có vị trí điểm đầu tại nút giao với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ) và điểm cuối là nút giao với trục TC13, huyện Đông Anh.
Quyết định được phê duyệt cho thấy, cầu Tứ Liên được xây dựng với 6 làn xe cơ giới và các làn hỗn hợp với quy mô mặt cắt từ 34 - 44m.
Đường phía Nam của cầu gồm cầu dẫn ở giữa, đường gom đô thị song hành có quy mô mặt cắt 48m; đường phía bắc cầu có quy mô mặt cắt 60m.
Theo UBND TP. Hà Nội, cầu Tứ Liên là công trình cấp đặc biệt, do đó các nút giao liên thông chính 2 đầu cầu khi triển khai lập dự án đầu tư xây dựng nút, cho phép rà soát chỉ giới đường đỏ nút giao theo các nghiên cứu đề xuất của dự án sau khi có sự thống nhất của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương để báo cáo UBND TP xem xét chấp thuận.

Cầu vượt Tứ Liêm được xem là công trình giao thông trọng điểm. Ảnh: Internet
Lãnh đạo TP. Hà Nội khẳng định việc khởi công các dự án cầu là "bước thử" để TP đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên trong năm 2025.
Sau khi hoàn thành, cầu Tứ Liên sẽ là cầu thứ 8 tại khu vực nội đô Hà Nội, kết nối các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ với các quận huyện phía Bắc sông Hồng như Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh...
UBND TP. Hà Nội kỳ vọng sau khi dự án được hình thành sẽ giúp cải thiện tình hình giao thông kết nối qua sông Hồng, giúp thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực và làm tiền đề cho việc thực hiện chủ trương giãn dân số, làm giảm áp lực giao thông trong khu vực Trung tâm TP và giảm tải cho các cầu như Chương Dương, Thăng Long hay cầu Vĩnh Tuy.
Ngoài ra, cũng từng bước hoàn thiện việc quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải Hà Nội nhằm đảm bảo cho an ninh, quốc phòng của Thủ đô cũng như phát triển không gian đô thị hiện đại khu vực 2 bên sông Hồng.
Trước đó, vào tháng 11/2024, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (CPCG) đã ký kết biên bản ghi nhớ, chính thức hình thành liên danh nhà thầu để tham gia đấu thầu dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng).