Aa

Chỉ 3 tháng nữa, thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất Việt Nam dự kiến sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính

Chủ Nhật, 20/04/2025 - 21:53

Dân số tại thành phố trực thuộc tỉnh này tương đương với dân số của 2 TP trực thuộc Trung ương là Đà Nẵng và Cần Thơ, dự kiến sẽ không còn "danh xưng" thành phố sau ngày 1/7/2025.

Dự kiến 696 đơn vị hành chính cấp huyện sẽ chính thức ngừng hoạt động từ ngày 1/7/2025 sau khi Hiến pháp được sửa đổi.

Trong số đó, có 85 thành phố trực thuộc tỉnh và 2 thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương sẽ ngừng hoạt động.

Đây là nội dung được đề cập chi tiết trong Nghị quyết số 60 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 11 khóa XIII.

Trong số 85 thành phố trực thuộc tỉnh dự kiến ngừng hoạt động từ ngày 1/7, có TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) - thành phố trực thuộc tỉnh có mức dân số đông nhất cả nước.

TP trực thuộc tỉnh có số dân đông nhất cả nước

Theo như báo cáo mới nhất từ Ủy ban Nhân dân (UBND) TP. Biên Hòa, dân số của TP này năm 2024 ước đạt 1,2 triệu người, mật độ dân số trung bình đạt trên 4.500 người/km2. Thành phố có diện tích hơn 263km2 với dân số cao bậc nhất trong số các đô thị loại I của cả nước.

Chỉ 3 tháng nữa, thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất Việt Nam dự kiến sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính- Ảnh 1.

TP. Biên Hòa hiện là thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất cả nước. Ảnh: Báo VnExpress

Nằm ở cửa ngõ phía Đông TP. HCM, TP. Biên Hòa là trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất của tỉnh Đồng Nai và là một trong những đô thị chiến lược của khu vực phía Nam.

Biên Hòa tiếp giáp với TP. HCM, Bình Dương và các huyện Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu, tạo thành một mạng lưới liên kết vùng chặt chẽ.

Thành phố có tỷ lệ lao động chiếm gần 50% tổng dân số, trong đó trên 420.000 lao động trong các doanh nghiệp.

Hoạt động công nghiệp chiếm gần 65%, dịch vụ chiếm gần 35%, còn lại là nông nghiệp

Hệ thống giao thông trong tình trạng "quá tải"

Biên Hòa sở hữu hệ thống giao thông quan trọng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 51, Quốc lộ 1K, đường sắt Bắc – Nam, cùng các tuyến cao tốc và vành đai kết nối TP. HCM và các tỉnh lân cận. Thành phố cũng có sân bay Biên Hòa và cảng Đồng Nai, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển logistics và công nghiệp.

Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật của Biên Hòa đang bị quá tải, giao thông chật hẹp; tốc độ xây dựng nhanh, hệ thống thoát nước đầu tư chậm nên khi xuất hiện mưa lớn, triều cường thường gây ngập úng cục bộ ở nhiều khu vực; hạ tầng xã hội còn thiếu, đặc biệt là các công trình công cộng.

Chỉ 3 tháng nữa, thành phố trực thuộc tỉnh đông dân nhất Việt Nam dự kiến sẽ bị xóa tên khỏi bản đồ hành chính- Ảnh 2.

Một góc tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Internet

Để giải quyết vấn đề này, Biên Hòa hiện đang triển khai các dự án trọng điểm như chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1 thành khu đô thị, thương mại, dịch vụ; quy hoạch phát triển cù lao Hiệp Hòa; xây dựng cầu Vàm Cái Sứt, đường và công viên ven sông Đồng Nai.

Việc kết thúc hoạt động của cấp huyện từ ngày 1/7/2025 đặt ra nhiều thách thức cho TP. Biên Hòa trong việc tổ chức lại bộ máy hành chính, đảm bảo hoạt động liên tục và hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để thành phố tái cấu trúc, nâng cao chất lượng quản lý đô thị, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị dịch vụ và công nghiệp hiện đại của vùng Đông Nam Bộ.

Với vị trí chiến lược, dân số đông và tiềm năng phát triển lớn, Biên Hòa cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật, cải thiện chất lượng sống cho người dân, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Sự chuyển mình này sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai và khu vực phía Nam trong tương lai.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top