Aa

Chưa xa lắm đâu ngày xưa ạ...

Thứ Hai, 25/01/2021 - 08:00

Tôi chợt nhớ một thời, chưa xa lắm đâu, những câu thơ, những cuộc đời, những tháng ngày quay quắt trong đói mà người người nghe và tin thơ đến thế, nghe thơ như lớp trẻ bây giờ đi liveshow. Chưa xa lắm đâu, ngày xưa

Trong một lần về thăm tỉnh Gia Lai hồi mới hòa bình 1975, nhà thơ Xuân Diệu được vợ chồng nhà giáo người Huế đương dạy ở trường cấp 3 Pleiku Lê Nhược Thuỷ (Sau này anh chuyển về làm ở báo Thanh Niên) chiêu đãi món khoai lang Lệ Cần luộc. Ông nhón nhén ăn hết... một củ rồi ngồi thần ra. Sáng hôm sau, trong cuộc nói chuyện trước mấy trăm công chúng yêu thơ và yêu... ông ở Nhà Văn hoá tỉnh, ông đã đọc "hiến tặng" - từ của ông - cho người nghe một bài thơ nóng hôi hổi như... khoai luộc, trong đó có hai câu nổi tiếng - vì nhiều nhẽ - Cảm ơn vợ chồng anh giáo Huế/ Đãi tôi một bữa Lệ Cần khoai. Đợt này nhà thơ Xuân Diệu đi một vệt dọc đất nước, đến đâu ông cũng đều đăng đàn nói chuyện thơ, mà chủ đề chính là "bữa tiệc ngôn từ, vần điệu", "một mâm ngồn ngộn những ngôn từ lộng lẫy, sóng sánh, những vần điệu mê ly thánh thót no mắt, no tai...".

Ví dụ đến Đắc Ui, một công trình thuỷ lợi trọng điểm của tỉnh Gia Lai - Kon Tum thời ấy, ông làm một bài thơ độc vận Ui với câu kết là "Đẹp úi chu cha hồ Đắc Ui. Đến hồ Lắc (khi ấy ở Đắk Lắk), ông làm bài thơ độc vận Ắc, đến Phan Thiết, ông làm bài thơ độc vận Iết... và ông say sưa bình về bữa tiệc vần điệu ngôn từ ấy. Ty Thông tin Văn hoá tỉnh Gia Lai Kon Tum khi ấy đã trân trọng in bài thơ này của Xuân Diệu thành một poster trên giấy bìa láng với nhiều ngàn bản phát không cho đồng bào, một việc vô cùng tốn kém và sang trọng lúc bấy giờ. Cái bài thơ ông viết hôm ăn khoai ở nhà anh Lê Nhược Thuỷ nó nổi tiếng đến mức, sau này người ta không gọi là khoai lang Lệ Cần nữa, mà cứ hồn nhiên gọi là... Lệ Cần khoai.

Vậy khoai Lệ Cần có gì khủng khiếp mà được mang ra mời nhà thơ lớn, rồi được ông chiếu cố cho vào thơ như vậy.

Thực ra thời ấy đói, đói lắm, nên khoai Lệ cần là một thứ xa xỉ, bởi nó... nhỏ và đắt. Đấy là loại khoai lang có màu ruột vàng như lòng đỏ trứng gà luộc, mà quyện sánh, mà thơm một mùi thơm nghi ngút rất lạ. Nó chỉ có ở xã Lệ Cần, huyện Mang Yang, cách thành phố Pleiku chừng 20km. Mang đến nơi khác trồng, nó không còn là nó nữa. Nó chỉ còn là những củ khoai lăn lóc đầy sân đầy gầm giường vô danh khác. Dây và lá khoai Lệ Cần ngăn ngắt tím, tím đến ngẩn ngơ. Nhưng mang sang vùng khác nó lại xanh đến vô cảm như các loại khoai lang khác. Cái câu khoai đất lạ, mạ đất quen hình như không ứng với loại củ quý tộc này. Tất nhiên nói thật, bây giờ ấy, đa phần khoai người ta bán đầy chợ cũng đều ruột đỏ ruột vàng rất ngon và củ cũng nhỏ, chứ không như ngày xưa, củ thì to mà ruột thì trắng hếu, ăn lấy no. Hôm rồi tôi phóng ra chợ Củ Chi, nhân mới sắm cái nồi hấp rất tiện dụng, mua một cân khoai về hấp thử, nó cũng ngon... rụng rời.

Khoai Lệ Cần (Ảnh sưu tầm)

Bây giờ cũng không còn phải dùng khoai lang để ăn độn cho no bụng nữa nên khoai Lệ Cần càng có giá. Nó là cái món ăn chơi, món quà quê thú vị và... sang trọng, không ngán. Ngoài luộc ăn trực tiếp, còn rất nhiều cách chế biến hấp dẫn khác như chẻ nhỏ bằng chiếc đũa, phơi khô để hấp cơm, hoặc luộc chín chà nhỏ qua lưới, phơi khô để hấp chung với lạc rang. Hoặc cán thành bánh, rải vừng vào rồi nướng như bánh đa. Có nhà làm tinh bột như bột sắn để ăn như bột dinh dưỡng, có nhà làm thành đông xương... rất nhiều kiểu chế biến được sáng tạo từ củ khoai nổi tiếng này...

Lại nhớ cái chuyện "Nằm vạ" của nhà văn Bùi Hiển dạo nào, có cô con dâu nằm vạ, nhưng lại nằm gần cái cót đựng khoai lang khô, cái món ở nông thôn để dành để độn cơm, hoặc nấu không ăn trừ cơm những ngày giáp hạt. Tiếng là... tuyệt thực nhưng cô có món khoai khô ăn hàng ngày nên người vẫn cứ phây phây sau chuỗi ngày tuyệt thực. Cũng trẻ con nông thôn ngày xưa, buổi sáng bốc một nắm khoai khô vừa đi vừa ăn, như kiểu bây giờ trẻ con ăn mì tôm sống. Ngày xưa trong nhà có bồ khoai khô thì... khỏi lo đói.

Lại cũng vẫn bọn trẻ con đi học về, qua ruộng khoai, nhất là mới mưa, mắt trước mắt sau, bới một củ rồi lấp đất lại, quẹt vào quần, nhai như nhai... khoai sống. Đấy là cách chống đói hữu hiệu cho những buổi trưa đi học về của con nhà nghèo, mà chả nghèo thì cũng thích như thế. Nó vô tư và hồn nhiên chứa chưa nghĩ rằng đấy là hành vi ăn cắp, không nên làm.

Còn giờ, người ta coi việc ăn khoai như ăn quà. Còn chơi khoai nữa. Là lấy củ khoai cho vào cái ly thủy tinh, đổ nước vào. Một thời gian nó ra rễ và ra ngọn, vươn lên tím biếc. Hoa đấy ạ, đầy sáng tạo, đẹp mà lại... rẻ.

Tôi không bàn việc nhà thơ Xuân Diệu sáng tạo chữ như thế là hay hay dở, đúng hay sai, chỉ nhân chiều nay se se lạnh, đương vơ vẩn mở laptop tìm hứng, chợt vợ bưng lên một đĩa... Lệ Cần khoai, vỏ tím rịm, ruột vàng như lòng đỏ trứng gà. Lại còn một vịm chè xanh, cái thứ hiếm hoi giữa thị thành chật hẹp này. Và tôi chợt nhớ một thời, chưa xa lắm đâu, những câu thơ, những cuộc đời, những tháng ngày quay quắt trong đói mà người người nghe và tin thơ đến thế, nghe thơ như lớp trẻ bây giờ đi liveshow. Chưa xa lắm đâu, ngày xưa ạ...

                                                     

 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top