Aa

Quỳ tàn

Thứ Hai, 15/03/2021 - 07:00

Khi tàn, dã quỳ cũng dâng hiến cho con người những vẻ đẹp kỳ lạ, những cảm xúc thánh thiện. Nó không tròn đầy mà hao khuyết, không tưng bừng mà rưng rưng, không thăng hoa mà ngậm ngùi, nó là một vẻ đẹp khác...

Tôi vừa xách xe chạy một vòng ra ngoại ô thành phố Pleiku, ngắm quỳ... tàn.

Và hóa ra, quỳ tàn cũng có cái đẹp của nó, nhất là vào buổi chiều. Nắng Tây Nguyên như mật rót, không, loãng hơn chút, mênh mang xao xuyến, ảo ảo mờ mờ, lại thêm cái thứ gió nửa mơn man nửa như giận dỗi cứ giãy lên đành đạch lúc người ta đang liêu phiêu áo mỏng. Những bông quỳ khô khẳng xiên xiên trong tầm mắt...

Thực ra, nó, dã quỳ ấy, có mặt ở khắp nơi chứ chả phải mình của Tây Nguyên, nhưng, như cây Kơ-nia huyền thoại, cũng có ở khắp nơi nhưng lại là biểu tượng Tây Nguyên, bỗng dưng một ngày, dã quỳ cũng trở thành hiện thân của Tây Nguyên.

Chả thiên vị gì, nhưng có dịp đi khắp Tây Nguyên, tôi lại cứ thấy dã quỳ ở Gia Lai là đẹp nhất. Dã quỳ ở đây bông to, chắc, vạm vỡ và tươi. Sở dĩ khen hoa to vạm vỡ là bởi nó sinh ra cùng mùa gió, bông nhỏ mảnh mai là chết ngay, ít nhất cũng xác xơ. Nhìn những bông, những thảm dã quỳ kiêu hãnh ngả nghiêng theo gió mà vẫn tươi tắn tròn đầy, vừa thấy kỳ vĩ vừa thấy rợn ngợp trước sự không lý giải được của những quy luật tương phản của tự nhiên. Bởi gió như thế, nắng như thế, đến người còn héo quắt đi, nhiều loại cây cổ thụ cũng phải trút bớt lá để tự bảo vệ mình, mà cái loại hoa mảnh mai yếu ớt kia lại vẫn viên mãn trào dâng hứng khởi thế. Cao nguyên Pleiku được hình thành từ nhiều miệng núi lửa, mà hai miệng núi lớn nhất, chính là Biển Hồ và núi Hàm Rồng. Tôi đồ chừng, có khi nhờ cái thứ nham thạch từ hàng triệu năm còn sót lại ấy mà dã quỳ nơi đây đẹp hơn các nơi khác chăng? Và ngay ở Pleiku thôi, thì dã quỳ ở hai nơi này, là xung quanh Biển Hồ và núi Hàm Rồng ấy, luôn đẹp hơn các nơi khác. Nó vàng tươi cái màu vàng bất tử chứ không lem nhem để gọi là vàng như các nơi khác. Cũng như thế, nó tung tẩy cùng gió, mềm mại cùng gió, và thản nhiên đến tận cùng sự tự tin trước cái khắc nghiệt của thiên nhiên, để luôn luôn kiêu hãnh trước sự thán phục của con người.

Lúc viên mãn, dã quỳ biến tất cả những gì dưới chân nó, xung quanh nó thành một thảm vàng rực, hùng vĩ và rợn ngợp. Con người lạc vào một thế giới vàng mê mải, ngất ngây, thế giới của an nhiên của lan tỏa, của tan chảy và ngưng tụ, thế giới hòa sắc và hòa tan, con người vừa nhỏ bé vừa tự tin, vừa quốc vương vừa nô tì...

Nhưng, hóa ra không chỉ thế.

Khi tàn, dã quỳ cũng dâng hiến cho con người những vẻ đẹp kỳ lạ, những cảm xúc thánh thiện. Nó không tròn đầy mà hao khuyết, nó không tưng bừng mà rưng rưng, nó không thăng hoa mà ngậm ngùi, nó là một vẻ đẹp khác, vẻ đẹp xao xuyến và tiếc nuối.

Và nó cũng gây xúc động cho con người. Nghĩ cho cùng, bất cứ điều gì mà tạo cho con người sự xúc động, sự thánh thiện, hướng con người tới triết lý nhân văn, tới những hành vi mỹ cảm... thì đều là cái đẹp.

 

Và hóa ra dã quỳ cuối mùa cũng có vẻ đẹp riêng  của nó. Những khẳng khiu khô đét nhưng vẫn vươn lên trời như một minh chứng cho sự bất tử của dã quỳ, những tương phản giữa nắng tươi mỡ màng và màu đen của xác hoa, của quả, những tạo hình kỳ dị như dệt như đan thành những vệt kỷ hà giữa trời xanh nắng vàng và gió, khiến con người phải ngác ngơ tự hỏi, lẽ nào cho đến phút cuối của cuộc đời, dã quỳ vẫn còn muốn gửi gì đó vào trời xanh, vào thiên nhiên những khát vọng vươn tới và cả khát khao về sự tự do bất diệt của mình.

Và, lá bắt đầu xanh. Khi hoa bắt đầu khô thì lá lại mướt. Một vòng dã quỳ như thế, mãi mãi là như thế, để trở thành một biểu trưng sống mãi của trời cao gửi xuống cuộc đời này, nhắn con người cái ý chí không bao giờ khuất phục, cái cách biết tự nuôi mình, dưỡng mình để mãi non tơ trong khắc nghiệt, mãi mãi biết tự tái tạo để luôn luôn những vòng đời hữu ích khi phô bày cái đẹp bất vụ lợi trong sự ngạc nhiên đến bình thản của con người…

Ơ kìa. Thế thì nào cứ phải ngắm dã quỳ lúc viên mãn.

Có một mùa dã quỳ khác. Mùa quỳ tàn. Và cũng đẹp như khi quỳ viên mãn. Giờ này, những bông hoa đang khô. Lá bắt đầu mỡ, và nắng vẫn vàng, gió vẫn miên man trên thảo nguyên như vô định nhưng lại đầy chủ đích.../.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top