"Ngã ngửa" vì sự thật
Sau khi đăng tải bài viết: Luật sư Nguyễn Đức Long: "Dự án CT6C Kiến Hưng buộc phải dỡ bỏ", Reatimes đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi từ phía cư dân CT6C.
Trước vấn đề đang rất “nóng” này, chị P. T. T. Phương, cư dân ở CT6C cho biết, bản thân chị đã sống ở đây gần 6 năm nên việc dỡ bỏ là câu chuyện rất khó. Nếu trong trường hợp, có văn bản bắt tháo dỡ thì bản thân chị sẽ cùng với tất cả cư dân tập hợp lại nêu ý kiến với cả chủ đầu tư và chính quyền.
Bản thân chị Phương cùng hàng trăm cư dân khác vẫn tin câu chuyện làm xong hệ thống PCCC thì chủ đầu tư sẽ làm được sổ đỏ cho dân. Dù thực tế, chưa có bất cứ một văn bản chính thức hay một thông báo gì từ phía chủ đầu tư.
Đồng quan điểm trên, chị N. P. Yến ở tầng 30 tòa CT6C cho biết: “Phá bỏ thì dân mất trắng à? Như thế này thì phải kiện chủ đầu tư...”. Chị Yến cho biết thêm, gia đình chị tích cóp bỏ ra 1,1 tỷ đồng mua nhà mà mấy năm rồi nhưng không làm được sổ đỏ.
Không chỉ chị Phương, chị Yến mà hàng trăm cư dân tại CT6C đều bức xúc khi được hỏi về câu chuyên sổ hồng, sổ đỏ. Họ phải sống bao nhiêu năm nay trong sự lo lắng, rồi nảy sinh nhiều vấn đề từ việc tầng hầm mà để xe máy, xe đạp cũng không đủ chỗ; Trẻ em thì không có chỗ để vui chơi; Hàng quán thì “thâu tóm” luôn vỉa hè để phục vụ cho việc kinh doanh cá nhân...
Chị Yến cho biết thêm, cách đây mấy tháng, chủ đầu tư còn bắt dân đóng tiền bảo trì nhưng nhiều hộ ở đây không đóng. “Bao nhiêu năm có thấy chuông báo cháy đâu, gần đây mấy tháng mới thấy có mà tập dượt thì lúc kêu lúc không...”.
Anh T. M. Hải ở tầng 20 CT6C cho biết, việc phá bỏ hoặc không được sử dụng thì chủ đầu tư phải bồi thường. “Bản thân tôi mua có giấy tờ của chủ đầu tư. Nếu kiện ra tòa mà không được bồi thường thì tức là chủ đầu tư đang đi lừa đảo à?!".
Chị L. T. Kim, cư dân CT6C cho hay: "Chủ đầu tư chưa có thông tin gì đến cư dân. Chúng tôi ở đây chỉ nghe mọi người nói làm xong hệ thống PCCC thì sẽ được làm sổ đỏ".
"Chính quyền rất thiếu trách nhiệm"
Liên quan đến sự việc này, luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Chúng ta phải xác định rõ rằng không chỉ chủ đầu tư sai mà các cấp chính quyền rất thiếu trách nhiệm. Nhưng giờ giải quyết thế nào? Đập phá theo căn cứ pháp luật thì quá dễ, nhưng chúng ta cần nhìn nhận vào hậu quả nó mang lại ghê gớm đến mức nào. Thứ nhất, hàng trăm hộ dân sẽ mất nhà và không biết bao giờ mới lấy lại được tiền từ phía chủ đầu tư và không biết chủ đầu tư có làm sao không (dù theo luật là đủ các thứ tội lỗi), nhưng chưa chắc đã bị xử lý đến nơi đến chốn...”.
“Chúng ta cần phải họp lại, luật cũng vì cuộc sống, vì điều chỉnh các quan hệ trong xã hội để đi theo một quỹ đạo nhất định và phục vụ cho đời sống xã hội. Nếu chúng ta thấy sai mà đập thì pháp luật mới dừng lại ở pháp luật chứ chưa vì dân sinh. Trong tình huống này, chúng ta cần họp bàn xem có nên xử phạt để tồn tại hay không. Theo tôi, phạt phải nặng nhất và sau đó chấp nhận cho để tồn tại. Ở đây, chúng ta phải nhìn góc độ nhân dân chứ không phải vì chủ đầu tư. Những người dân ở đây họ phải rất vất vả để có nguồn tiền mua nhà này, giờ mà dỡ bỏ thì sẽ đẩy người dân vào bước đường cùng", luật sư Tú nhận định.
Liên quan đến sai phạm của chủ đầu tư, luật sư Trương Anh Tú cho hay: “Bây giờ, xử phạt đối tượng này nhưng chưa hết sức quyết liệt trong việc giám sát các công trình xây dựng, nhất là các dự án bất động sản, dự án về nhà ở. Chúng ta thực hiện giám sát đúng và đủ với quy định của pháp luật thì chắc chắn không thể có tình trạng này xảy ra.
Rõ ràng như tôi đã nói, đây là lỗi lớn của chính quyền địa phương sở tại trong công tác giám sát, kể cả Sở Xây dựng khi để xảy ra tình trạng “con trâu chui lọt lỗ kim” này. Việc một ngôi nhà nhỏ xíu chúng ta còn phát hiện ra. Không có lý gì mà một tòa nhà khổng lồ tồn tại nhiều năm như vậy chính quyền lại không biết. Cho nên, quan trọng là việc quản lý trong xây dựng đô thị thế nào chứ không nặng nề đối với trường hợp cụ thể này".
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.