Aa

Cổ phiếu bất động sản phân hóa trong phiên 29/4, NVL vẫn bay cao

Thứ Sáu, 30/04/2021 - 06:00

Thị trường chứng khoán biến động theo chiều tích cực khi nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục được mua mạnh cuối phiên. NVL vẫn là điểm sáng trong nhóm bất động sản khi tiếp tục bứt phá.

Phiên giao dịch ngày 29/4 của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra theo chiều hướng khá tích cực khi chỉ số chính VN-Index giao dịch hầu hết thời gian của phiên trong sắc xanh. Dù đó là xu hướng chủ đạo nhưng chỉ số này vẫn có lúc lùi về gần mốc tham chiếu khi lực bán dâng cao. Một điểm cũng tương tự như các phiên trước đó là lực cầu tăng mạnh và cuối phiên đã củng cố vững sắc xanh của VN-Index.

Phiên 29/4 là thời điểm các quỹ VFMVN Diamond ETF, VFM VN30 hay VNFin Lead thực hiện cơ cấu danh mục đầu tư kỳ tháng 4 nên nhiều cổ phiếu trong danh mục của các quỹ này có biến động mạnh, đa phần là theo chiều tích cực.

VPB gây ấn tượng khi tăng 6,4% lên 58.500 đồng/cp và khớp lệnh 41,5 triệu cổ phiếu. Việc VPB tăng tốt bất chấp bị quỹ VFMVN Diamond ETF giảm tỷ trọng đầu tư bởi thông tin ngân hàng này ký thỏa thuận bán 49% vốn FE Credit cho Sumitomo Mitsui với mức định giá 2,8 tỷ USD. Trong buổi ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 mới diễn ra chiều 29/4, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT VPB cho biết trong thời gian tới, ngân hàng có thể sẽ tăng vốn điều lệ lên 75.000 tỷ đồng, từ nguồn thặng dư vốn và phát hành cho cổ đông chiến lược.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 29/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Bên cạnh đó, HPG cũng tăng 3,8% lên 58.100 đồng/cp và khớp lệnh 27,9 triệu đơn vị. Không chỉ HPG mà rất nhiều cổ phiếu cùng ngành thép đều biến động tích cực. Động lực chính giúp nhóm cổ phiếu này tăng là nhờ giá thép liên tục bứt phá thời gian qua. Mới đây, Bộ Tài chính Trung Quốc đã quyết định không còn áp dụng chính sách giảm VAT 13% với 146 sản phẩm thép xuất khẩu, trong đó có thép cuộn cán nóng, thép cuộn và thép thanh… Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp thép của Việt Nam.

Các cổ phiếu trụ cột như GVR, CTG, TCB, ACB, GAS… cũng đều tăng giá mạnh và củng cố vững sắc xanh của VN-Index.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 29/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, NVL tiếp tục là điểm sáng khi tăng đến 2,7% lên 131.400 đồng/cp. Hiện tại, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của NVL đang sở hữu gần 217 triệu cổ phiếu NVL tương ứng tổng giá trị hơn 27.750 tỷ đồng và vượt qua bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc VJC để trở thành người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam.

VRE và THD cũng là 2 cổ phiếu lớn trong nhóm bất động sản giữ được sự tích cực. VRE tăng 1,6% lên 32.000 đồng/cp còn THD tăng 0,1% lên 187.300 đồng/cp. Trong khi đó, VIC và VHM biến động tiêu cực. VIC giảm 0,4% còn VHM giảm 1,6%.

Tại nhóm bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sự phân hóa diễn ra cũng rõ nét, trong đó, một số mã vẫn giữ được sự tích cực như CEO, IDV, CRE, FIT, HDC, NLG… Chốt phiên, CEO tăng 6,1% lên 10.400 đồng/cp, FIT tăng 3,4% lên 10.650 đồng/cp, NLG tăng 2,8% lên 36.300 đồng/cp.

Chiều ngược lại, nhiều mã thanh khoản cao giảm giá tương đối mạnh, trong đó, PDR giảm 1,8% xuống 70.200 đồng/cp, IDC giảm 1,8% xuống 33.500 đồng/cp, ASM giảm 1,7% xuống 14.300 đồng/cp.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,84 điểm (0,8%) lên 1.239,39 điểm. Toàn sàn có 220 mã tăng, 167 mã giảm và 53 mã đứng giá. HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,11%) xuống 281,75 điểm. Toàn sàn có 87 mã tăng, 124 mã giảm và 69 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (0,7%) lên 80,68 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn tăng nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 19.699 tỷ đồng, tương ứng với khối lượng giao dịch 695 triệu cổ phiếu. FLC là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh với 30,5 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 29/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Nguồn: Fialda.

Khối ngoại biến động tiêu cực trở lại khi bán ròng gần 354 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, VHM và PDR là 2 mã bất động sản nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với lần lượt 41 tỷ đồng và 18,7 tỷ đồng. Chiều ngược lại, NVL tiếp tục được mua ròng mạnh với 59 tỷ đồng. VRE và DXG cũng là 2 mã bất động sản được khối ngoại mua ròng mạnh với lần lượt 44 tỷ đồng và 27 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), cuối cùng thì sau 4 tuần tăng điểm liên tiếp, VN-Index đã điều chỉnh trong tuần qua khi áp lực bán gia tăng mạnh trong phiên đầu tuần khiến chỉ số giảm mạnh. Mặc dù sau đó là 3 phiên hồi phục liên tiếp, chỉ số VN-Index vẫn đóng cửa tuần bằng một cây nến đỏ.

Theo đó, VN-Index vẫn đang nằm trong sóng điều chỉnh a với target gần nhất quanh ngưỡng 1.140 điểm (fibonacci retracement 50% sóng tăng 5). Thị trường có lẽ sẽ tiếp tục quá trình đi xuống để hoàn thành sóng điều chỉnh a trong tháng 5/2021.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 5/2021 thấp hơn VN30 hơn 11 điểm cho thấy các trader kỳ vọng thị trường sẽ giảm trở lại. Trong tuần giao dịch tiếp theo 4/5 - 7/5, thị trường có thể tiếp tục giảm về các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top