Aa

Chuyện bất ngờ quanh tấm “sổ hồng” ở TP.HCM

Thứ Năm, 12/11/2020 - 16:43

Với kiểu cách làm việc theo phương thức “vặn ngược vỏ đỗ” mà hàng trăm dự án của các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM khốn khổ với khách hàng về chuyện chậm cấp sổ hồng. Có dự án chịu trận dăm ba năm, có dự án 7 - 8 năm.

Chẳng hiểu tại sao trong cả 63 tỉnh, thành mà chỉ mỗi TP.HCM là “vinh dự” được đích danh Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trực tiếp về chuyện những tấm sổ hồng.

Về văn bản pháp lý thì không có cụm từ “sổ hồng”, bởi đây chỉ là cách gọi dân gian của tấm giấy được cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước phát hành nhằm chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các chủ sở hữu hợp pháp. Đó là một tờ giấy bìa có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen nên khi nói tắt, chẳng phải chỉ người dân mà ngay cả trong các cơ quan công quyền cũng thường gọi là “sổ hồng”.

Vậy tấm sổ hồng ở TP.HCM có gì đặc biệt so với các địa phương khác mà lại có chuyện đặc cách như vậy?

Thì ra thời gian gần đây, ở thành phố năng động này lại bất ngờ có một điểm nghẽn trì trệ không thể hiểu nổi, đó là việc liên quan đến cái sổ hồng. Theo con số chính thức được thông báo, hiện đang còn ứ đọng khoảng trên 30.000 chủ sở hữu hợp pháp nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ, mà phần nhiều lại nằm trong những dự án lớn của các doanh nghiệp.

Nhiều dự án bế tắc sổ hồng vì sự trì trệ của hệ thống công quyền

Khi trả lời về sự chậm trễ này, một quan chức cao cấp của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đưa ra rất nhiều lý do. Nào là “với các dự án lớn, thời gian thực hiện kéo dài, trong quá trình triển khai có rất nhiều luật, quy định thay đổi, điều chỉnh nên vướng nhiều pháp lý. Khó khăn đôi khi từ cấp trung ương nên cơ quan địa phương khi vận dụng luật để làm cũng khó”; nào là “do trước đây cơ quan kiểm tra, kiểm toán qua từng thời kỳ đã có nhiều trường hợp tham mưu không chuẩn, dẫn đến sai phạm nên anh em giờ đây phải cẩn trọng hơn”; rồi “do chưa có bộ nguyên tắc tiêu chí kiểm tra, thẩm định giá đất; việc thu thập thông tin, phương pháp định giá cũng còn nhiều bất cập”...

Một câu hỏi được đặt ra, cùng trong một hệ thống luật pháp của Quốc gia, vậy tại sao ở các tỉnh, thành phố khác trên cả nước lại không để xảy ra tình trạng trì trệ đến mức phải để Thủ tướng Chính phủ đích thân chỉ đạo? Quả là không dễ trả lời!

Nhân đây, xin mô tả lại một vụ việc cụ thể đã được các cơ quan báo chí đăng tải để thấy rằng những lời giải thích trên đây của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố “có điều gì đó sai sai”.

Đó là câu chuyện của Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh. Phát biểu tại buổi làm việc của Lãnh đạo UBND TP.HCM với doanh nghiệp bất động sản vào sáng 22/02/2020, ông Nguyễn Văn Đực, Chủ tịch Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh cho biết, công tác giải quyết công việc của các cơ quan ban ngành còn nhiều bất cập dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Những thủ tục hành chính rườm rà, nhiều bước, nhiều khâu, nhiều cơ quan phê duyệt khiến cho các hồ sơ cứ bị chuyển đi lòng, mất nhiều năm trong khi doanh nghiệp thì phải "đứng im chịu trận”.

Ông Đực lấy ví dụ, Công ty Địa ốc Xanh có một dự án nhỏ chỉ khoảng 3.700m2. Trước đây, Địa ốc Xanh đóng tiền sử dụng đất là 2050m2 nhưng phần đã đóng chỉ là phần “lòng đỏ” chứ chưa được đóng hết cho cả dự án. Sau này Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị công ty ông Đực phải đóng luôn phần “lòng trắng”. Nhưng thực tế là việc đóng luôn lòng trắng này không hề dễ dàng.

Từ ngày có hồ sơ thụ lý tại chi cục thuế quận 8, sau đó chuyển đến Cục thuế TP.HCM rồi gửi lên Sở Tài nguyên và Môi trường cho đến nay đã 24 tháng trôi qua nhưng Công ty của ông Đực vẫn chỉ được đóng phần “lòng trắng”, còn phần lộ giới trước đây từ 40m nay giảm còn 30m, nghĩa là phần diện tích sử dụng của doanh nghiệp được tăng lên 125m nhưng hồ sơ xin nộp tiền của công ty bị chuyển đi lòng vòng khiến mọi hoạt động của dự án đều không thể triển khai.

“Đáng lý ra nên gom lại phần lòng trắng và phần vỏ (phần diện tích chưa đóng và phần lộ giới giảm) để doanh nghiệp đóng tiền một lần nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường nhất quyết không gom mà bắt chia làm 2 lần đóng. Bây giờ "lòng trắng" đã đóng xong rồi, còn vỏ lại phải xách hồ sơ đi.

Sau khi chuyển qua Sở Xây dựng, tôi gặp anh Lê Hòa Bình, anh Bình tuy rất hăng hái nhưng cũng nói không đóng được vì đây chưa phải là đất sạch. Hồ sơ chuyển tiếp qua Sở Kế hoạch Đầu tư và giờ nằm đó để chờ được chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi lại phải chờ chuyển lại Sở Tài nguyên và Môi trường, rồi Sở Sở Tài nguyên và Môi trường mới trình cho qua UBND TP. Khi đó, tôi mới được sử dụng phần diện tích 125m đã đóng”, ông Đực trình bày.

Đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Địa ốc Xanh cũng cho rằng đây không phải là vấn đề quá khó để hồ sơ bị ngâm quá lâu như vậy. Thực tế có hàng trăm dự án giảm lộ giới đều đã gặp phải tình cảnh tương tự. Đây chỉ là chuyện đóng thêm cho phần vỏ của một dự án nhỏ nhưng quá trình chuyển đi chuyển lại giữa UBND TP và Sở Sở Tài nguyên và Môi trường thì mất đến 2 năm. Ông Đực cho biết đã nhiều lần gửi đơn cầu cứu lên UBND TP, 4 lần chuyển về Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng quá trình giải quyết vẫn rất chậm chạp.

“Cái gì cần làm gấp, làm nhanh thì tôi đề nghị các cơ quan ban ngành làm gấp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. Theo tôi đánh giá, hiện nay 2 đầu mối cơ quan chậm nhất là văn phòng UBND TP và Sở Tài nguyên và Môi trường. Còn các Sở khác thì đã tạm ổn”, ông Đực nói.

Với kiểu cách làm việc theo phương thức “vặn ngược vỏ đỗ” tương tự như vậy mà hàng trăm dự án của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã khốn khổ với khách hàng về chuyện chậm cấp sổ hồng. Có dự án chịu trận dăm ba năm, có dự án 7 - 8 năm.

Nay đã có chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, hy vọng rằng chuyện trì trệ trong việc cấp sổ hồng của TP.HCM sẽ nhanh chóng được giải tỏa. Có người khuyên rằng, nếu bí quá, không nghĩ ra được cách gì thì nên sang các địa phương bạn học hỏi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top