Aa

Chuyện cái lá rau

Thứ Sáu, 06/03/2020 - 07:00

Rau là nhu cầu thiết yếu, là thực phẩm quan trọng nhất trong bữa ăn của mọi gia đình. Và rau cũng là một mặt hàng bị người dân lo ngại nhất trong danh sách thực phẩm bẩn hiện nay.

Lẽ ra phải là “con cá lá rau” - những chuyện nhỏ nhặt thường nhật của đời sống phố thị. Nhưng thôi, con cá để sau mà vào chuyện lá rau, tức là chuyện về rau xanh trước đã. Rau xanh là một nhu cầu không thể thiếu trong bữa cơm của người dân ở cả quê lẫn phố. Chuyện rau cỏ có gì mà nói bây giờ ? Xin thưa nhỏ nhặt nhưng đó là cả một câu chuyện quá ư phức tạp.

Tôi có một cô bạn nhà văn rất nổi tiếng về văn nghiệp. Khi đương chức cô là lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật. Nghỉ hưu trước tuổi, cô chọn một nghề mà nếu không phải hiện thực mắt thấy tai nghe thì tôi chẳng bao giờ tưởng tượng ra. Đó là cô khóa lại căn hộ ở phố, rồi về một vùng ngoại thành thuê đất nông nghiệp để trồng rau. 

Hoàn toàn không phải là mốt chơi trang trại của cánh nhà giàu hiện nay, cô thuê một diện tích đất vừa phải với sức lao động của gia đình và trồng rau hữu cơ. Nghĩa là rau sạch, kiên quyết không dùng thuốc, từ kích thích tăng trưởng đến trừ sâu. Cô trồng các loại rau củ, thu hoạch để gia đình dùng và giao bán cho các mối cần. 

Gia đình tôi vài năm nay là khách hàng thường xuyên của cô. Các mối khách hàng khác cũng là bạn bè, người quen và cứ thế nhân rộng ra. Vườn rau đắt khách, luôn cung không đủ cầu. Rất đơn giản là vì khách hàng tin tưởng ở sự “sạch” nơi vườn rau của cô và lý do quan trọng nhất là họ sợ rau bẩn, sợ rau phun thuốc độc hại. 

Rau là nhu cầu thiết yếu, là thực phẩm quan trọng nhất trong bữa ăn của mọi gia đình. Có thể không thịt cá dài ngày nhưng rau thì chỉ thiếu một bữa đã là sự khó chấp nhận, thế nhưng cái nghịch lý bây giờ lại là sự thật, mọi người sợ không dám ăn rau có nguồn gốc không rõ ràng.

Rau ở chợ vẫn bán giá rất rẻ, thậm chí là rẻ hàng chục lần so với rau sạch, nhưng lượng tiêu thụ chậm. Người nông dân trồng rau than trời, nhưng cũng không thể trách ai được, bởi thị trường cung cầu có quy luật của nó. Người tiêu dùng chấp nhận giá cao để mua rau sạch ở các nguồn cung cấp tin cậy và mua ở siêu thị. Tất nhiên đa số người tiêu dùng vẫn phải dùng rau chợ, bởi không phải ai cũng có điều kiện để mua rau sạch. Và đây là điều cực kỳ nguy hiểm.

Vòng ra ngoại thành là các khu vực được coi là vành đai rau xanh cung cấp cho thành phố, ta sẽ chứng kiến được công nghệ trồng rau xanh hiện nay. Báo chí, truyền hình không ít lần nói về vấn đề này. Thậm chí có đài truyền hình còn làm riêng hẳn một chuyên mục về thực phẩm sạch và bẩn, trong đó có rau xanh. 

Người nông dân do thiếu một thiết chế quản lý và nhận thức hạn hẹp, đua theo phong trào, muốn có lợi nhuận, đã sử dụng thuốc tăng trưởng và thuốc sâu vô tội vạ. Khi dùng thuốc, rau có màu sắc tươi non và rút ngắn thời gian gieo trồng. Chính những người nông dân này cũng không dám ăn rau do mình trồng. 

Thế mới có chuyện, mỗi gia đình có nghề rau lại dành ít diện tích để trồng rau hoặc là hữu cơ hoặc không bón thúc, nhất là không sử dụng thuốc, để nhà mình sử dụng cho an toàn.

Tận dụng diện tích ở để trồng rau (Nguồn: Internet)

Ý thức cộng đồng quá kém, nhưng cũng cần phải thông cảm với những người nông dân trình độ hạn chế. Tôi đã chứng kiến có hộ trồng rau phải bỏ nghề vì không dùng các loại thuốc hóa học. Sâu bọ từ các mảnh ruộng khác tràn đến phá hoại và giá thành đầu tư cho cây rau quá lớn, thời gian rau thu hoạch kéo dài không được rút ngắn bằng dùng thuốc, nên bị lỗ vốn nặng. Sự tử tế không có chỗ đứng trong mặt bằng thiếu ý thức với cộng đồng. Và đó chưa hẳn là lỗi của nông dân. Lỗi ở một cơ chế quản lý. Đó là sự thật.

Ngoài dùng thuốc, nếu chứng kiến nguồn nước tưới tiêu cho rau bằng nước thải công nghiệp dẫn từ các kênh nước thải về, hẳn có không ít người sẽ phải khiếp đảm. Vài năm gần đây, người ta còn tận dụng cả những diện tích như nghĩa địa để trồng rau bán. Các nhà khoa học đã lên tiếng về vấn đề này. Rất nhiều di hại nhìn thấy được cũng như nhận biết về tác hại bệnh tật lâu dài từ rau bẩn, mà sự khắc phục, dù cố gắng mấy, cũng chưa thấm tháp.

Một thời bao cấp gian khổ, người Hà Nội đã phải tăng gia từ chăn nuôi đến trồng trọt trong mọi diện tích có thể để cải thiện đời sống. Với rau xanh, thời ấy đã quay trở lại. Không ít nhà trồng rau trong hộp xốp để ở ban công, mảnh sân, tầng thượng. Những nhà có tầng thượng rộng rãi thậm chí còn đầu tư thành một mảnh vườn treo, có đủ hệ thống phun mưa tưới rau để trồng rau sạch, hoàn toàn tự túc rau xanh cho gia đình.

Rau bây giờ tréo ngoe lại trở thành quà biếu thân thiện giữa các mối quan hệ chân tình. Một túi rau vườn nhà trồng là một món quà ý nghĩa với các bà nội trợ. Đặc biệt rau xanh còn là một thứ hàng hóa từ thiện. Một nhóm nhà báo đã bảo trợ đầu ra cho một xóm trọ của bệnh nhân chạy thận trồng rau mầm để kiếm chút tiền duy trì cuộc sống khó khăn vì bệnh tật. 

Muôn hình muôn vẻ để chống lại rau bẩn một cách thụ động. Tôi đi công tác miền núi hay về nông thôn, đến đâu cũng tranh thủ, nếu có rau sạch thì chở về nhà ăn và tặng bạn bè. Một việc làm cực chẳng đã nhưng thiết thực và được khuyến khích.

Trước vấn nạn rau bẩn, mỗi người, mỗi nhà cố gồng gánh để hạn chế thấp nhất việc phải dùng loại rau này. Và người ta tìm đến rau sạch có nguồn gốc như là một cái phao cứu nạn. Thế mới có những người như cô nhà văn bạn tôi bỏ phố về quê đi trồng rau.

Hiện tại đã có không ít sự đầu tư vào những cánh đồng, những trang trại rau kiểu này. Không chỉ là lợi nhuận là phương kế sống, mục tiêu rau sạch còn là cái đích xã hội cần hướng đến. Chuyện cái lá rau là thế. Nó không hề nhỏ và rất phức tạp cần sự quan tâm của cả cộng đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top