Aa

Chuyện cái lu và tầm vóc của lãnh đạo

Thứ Tư, 24/07/2019 - 06:00

Đánh giá tầm vóc trí tuệ một cán bộ không hề khó. Chẳng hạn, theo tôi, một cán bộ giỏi trước hết phải là người có lương tâm, có tầm nhìn xa, có tư duy tốt, rồi mới đến những thứ khác...

Tôi không quá bức xúc với đề xuất dùng lu đựng nước để chống ngập ở TP.HCM. Cho dù được thanh minh là dựa theo kinh nghiệm dân gian, thì người đề xuất cũng khó mà chối bỏ được sự hạn hẹp hiển nhiên về kiến thức cũng như tầm vóc tư duy của mình.

Hãy giả dụ, bỗng dưng xuất hiện 4 đến 6 triệu cái lu cỡ hai trăm lít, thì chỉ riêng tìm chỗ đặt thôi, chắc chắn đã là công việc quá sức của TP.HCM. Chưa hết, để sản xuất và vận chuyển số lu đó, thì không chỉ TP.HCM khốn khổ vì tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, mà các tỉnh vùng ven cũng bị vạ lây.

Thiếu trí tưởng tượng nguy hiểm thế đấy... 

Theo tôi, chuyện cái lu chỉ đáng xem là một câu chuyện hài, thôi thì cũng mua vui được vài trống canh cho thiên hạ. Tôi tin rằng bà Xuân không hề vụ lợi gì, mà chỉ muốn thể hiện mình, khi đưa ra đề xuất ấy. Nhưng nhờ có câu chuyện đó, mà chúng ta phát hiện ra một lỗ hổng lớn trong công tác đề bạt, sử dụng cán bộ.

Hiện bà Xuân mới chỉ là một cán bộ cỡ nhỏ. Nhưng bà có bằng tiến sỹ, có mác trí thức, lại còn trẻ, hoàn toàn bà có thể vươn đến những vị trí cao hơn từ cái bệ đỡ danh giá ấy. Và khi đó, với tầm nhìn, tầm tư duy ấy, sẽ còn biết bao chuyện không chỉ gây cười, mà còn có thể gây đau khổ cho hàng triệu người.

Lỗi lớn ở đây đầu tiên thuộc về những người tuyển dụng. Họ chỉ căn cứ vào lý lịch, vào bằng cấp, vào quan hệ, vào những lời chót lưỡi đầu môi của đối tượng tuyển dụng, mà không xét đến năng lực thật. Để bà Xuân lên được chức vụ hiện nay, không thể vù một cái như kiểu Tôn Ngộ Không dùng phép Cân đẩu vân, mà chắc chắn bà phải leo qua từng cấp, từng vị trí công tác, từng công việc cụ thể.

Hoàn toàn có thể nhận ra tầm tư duy của cán bộ nào đó chỉ qua một vài việc nhỏ, chứ chưa cần đến hẳn một quá trình thử thách. Những cặp mắt xanh khi đó để cả vào đâu? Hay các vị còn kiêm nhiệm nhiều việc khác quan trọng hơn việc chú tâm đi tìm, phát hiện và chọn cho bộ máy một cán bộ có năng lực?

"Cái lu" của Tiến sỹ Xuân không chỉ hài hước chuyện "chống ngập"...

Tôi thì nghĩ rằng, sở dĩ vẫn còn hiện tượng con voi lọt qua lỗ kim vì thói quan liêu, vì chính tầm nhìn của người tuyển chọn. Đấy là tôi đã loại ra hàng loạt nguyên nhân khác như thói vụ lợi, phe cánh, hay tệ hơn và cũng thường xuyên hơn như báo chí đã nêu: Do chạy chọt... 

Lỗi thứ hai thuộc về hệ thống các quy định, các tiêu chuẩn tuyển chọn cán bộ hiện nay. Chúng ta vẫn quá lệ thuộc vào bằng cấp dù đã có không biết bao nhiêu lời cảnh báo được đưa ra, cùng những kinh nghiệm quý báu của nước ngoài.

Trong khi các quy trình thử thách thì lại thường chỉ mang tính hình thức, tạo cơ hội cho những đối tượng giỏi diễn khi muốn che đi sự kém cỏi về năng lực. Thậm chí nó được đặt ra phần nhiều chỉ để khớp với quy định, khớp với quy trình, làm đẹp hồ sơ, đôi khi cực kì máy móc, duy ý chí và… lạc hậu.

Đánh giá tầm vóc trí tuệ một cán bộ không hề khó. Chẳng hạn, theo tôi, một cán bộ giỏi, trước hết phải là người có lương tâm, có tầm nhìn xa, có tư duy tốt, rồi mới đến những thứ khác...

Người thường cũng có thể nhận ra, chứ chưa nói là người làm tổ chức?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top