Có một thời chúng ta sống thật đẹp, đến mức trong quan hệ thầy trò mà nhắc đến tiền thì thấy rất xấu hổ. Hồi đó học trò muốn tặng thầy một cái gì làm kỉ niệm là cả một sự chuẩn bị công phu để nó không bị nhiễm mùi vật chất.
Tất nhiên trong sạch mà nghèo khó thì cũng chẳng hay ho gì. Nói khác đi, cứ bám lấy lý do giữ trong sạch để cổ vũ sự nghèo khó là nhẫn tâm.
Thế nhưng từ nghèo khó, từ cái chỗ nhắc đến tiền là đỏ mặt, từ cái chỗ mà giáo dục trẻ con ghét đồng tiền, cho đến chỗ mở miệng là nói đến tiền, mắt sáng lên khi nhìn thấy tiền, không nói ra mồm nhưng vẫn coi tiền là tất cả, tiền là chìa khoá vạn năng, tiền là tiêu chí để đánh giá sự thành đạt… thì lại là chuyện khác.
Và cái gì cũng có giá của nó. Trước kia học trò đi ngoài đường, gặp thầy là phải chỉnh sửa lại áo xống, đầu tóc; nếu đang đi xe thì phải xuống từ rất xa, chờ thầy đến chào xong mới lại dám lên xe đi tiếp. Còn giờ đây, chuyện lễ giáo này kể lại sẽ bị chính bọn học trò cười cho thối mũi, trong khi thầy bỏ qua từ lâu!
Nếu ví nền giáo dục như một cái cây, thì cái cây đó cần phải được vun trồng theo đúng nghĩa trong sáng nhất của từ đó. Vun trồng luôn là một hành vi tuyệt đẹp. Nó cần những tấm lòng tuyệt đẹp, những hy sinh cao cả, những tâm hồn cao thượng và trong sạch.
Nói thế để thấy rằng, làm Thầy khó lắm. Nếu mà hiểu đúng chữ Thầy thì làm Thầy còn khó hơn là làm cha. Làm cha có thể nói dối, có thể thô lỗ chứ làm Thầy thì tuyệt đối không.
Tiếc thay, mối quan hệ Thấy - Trò thiêng liêng đang bị vật chất hóa, đang bị bắn phá dữ dội bởi những cái phong bì!
Xét cho cùng thì số tiền mà cha mẹ học sinh phải bỏ ra cho những lễ nghĩa trá hình mỗi dịp tổng kết năm học, ngày Nhà giáo… vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi - thực chất là trả thù lao miễn cưỡng cho thầy - không phải quá lớn so với nhiều khoản chi khác của họ. Số tiền thầy, cô nhận được cũng không ghê gớm gì so với thu nhập của nhiều đối tượng khác.
Nhưng tất cả chúng ta, trong đó có các thầy cô, sẽ phải trả thù lao rất đắt, đắt gấp ngàn lần, cho việc học lại cái điều đơn giản nhất: Làm một người tử tế.
Giáo dục, từ nguyên của nó, gốc Latin, là Educere, có nghĩa là: Rút từ bên trong ra. Nó giống như trai làm ngọc, yến xây tổ, tằm nhả tơ… tức là phải hy sinh rất lớn lao, phải hóa thân mới mong tạo ra được thứ gì có thể để lại. Liệu có bao nhiêu người trong chúng ta hiểu và ngày ngày bận tâm bởi triết lý tạo dựng tương lai đơn giản này?
Từ cổ sử, mối quan hệ thầy trò đã là một trong ba mối quan hệ lớn, thiêng liêng nhất của con người, đặc biệt trong xã hội trọng lễ giáo phương Đông. Giờ đây nhiều tiêu chí đạo đức đã thay đổi, vì thế quan hệ thầy trò cũng mang một hình thức khác xưa.
Nhưng dù có “khác” thế nào thì cốt lõi của nó vẫn là sự kính trọng và yêu thương. Vì thế, hoàn toàn có thể coi mối quan hệ thầy trò như một chỉ số phản ánh chất lượng của nền giáo dục. Bởi vì đây là mối quan hệ thiết lập trên nền tảng của học vấn và nhân cách, nhằm tạo ra học vấn và nhân cách. Nó đòi hỏi một bên thì hy sinh vô bờ bến, một bên thì tu dưỡng bản thân không ngừng.
Vì thế, theo tôi, mối quan hệ thầy trò nhất định phải là thuần túy tinh thần.