Aa

Chả lẽ từ chức cũng không có quyền

Thứ Tư, 12/06/2019 - 06:00

Thay vì phê phán ông Đoàn Ngọc Hải, kể cả biết rằng trong cách hành xử của ông ta có chút phản ứng mang tính tự ái cá nhân, thì vẫn cần biểu dương ông ấy, nên coi đó là tấm gương cho người khác.

Nghe ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói rằng, việc ông Đoàn Ngọc Hải xin từ chức là từ bỏ trách nhiệm được phân công, cần phải xem xét và có hình thức kỷ luật. Nguyên văn lời ông Bộ trưởng được các báo trích dẫn như sau:

“Không thực hiện nhiệm vụ được phân công thì xử lý theo quy định của Đảng, Nhà nước. Có nghĩa là nếu anh không chấp hành quyết định thì nhất định phải được xem xét xử lý, vì quy định của Đảng, Nhà nước đều đề cập rồi”.

Nếu không phải do báo chí đăng bài trả lời của ông Bộ trưởng, có lẽ tôi đã tin đó chỉ là một thứ “fake news” và chẳng mấy quan tâm. Nhưng khi biết rõ ông Bộ trưởng có nói thế thật, nói công khai trong Hội trường Quốc hội, thì tôi hoang mang quá. Chả lẽ một người, dù là cán bộ, Đảng viên, cảm thấy mình không đủ năng lực làm việc, vì lòng tự trọng mà xin từ chức cũng không có quyền? Bởi vì ông Đoàn Ngọc Hải đâu có chống lại “phân công của tổ chức”, khi ông nhận quyết định rồi mới làm đơn xin từ chức.

Từ góc độ cá nhân, tôi đánh giá cao hành động này của ông Đoàn Ngọc Hải. Giả sử ông Hải cứ ra vẻ mình hào hứng với phân công làm nhiệm vụ mới, trong khi ông biết rõ lĩnh vực đó ông không thông thạo, hoặc không thích, thì ông không chỉ tham, không chỉ thiếu tự trọng, mà trước hết ông là kẻ dối trá. Một cán bộ, dù ở cấp nào, dù được đào tạo ra sao nhưng dối trá đã đáng vứt đi rồi. Dối trá tất sẽ đẻ ra tham tàn, tham quyền cố vị, tàn ác hoặc nhẹ hơn là vô trách nhiệm với đồng bào.

Nhưng tôi chưa muốn bàn về vấn nạn kinh hoàng đó. Nhân đây, tôi chỉ muốn nêu một hệ lụy nguy hiểm của việc cán bộ không được quyền từ chức.

Dù có nhiều thông tin khác nhau, nhưng chuyện ông Hải xin từ chức vẫn là

Dù có nhiều thông tin khác nhau, nhưng chuyện ông Hải xin từ chức vẫn là "chuyện hiếm" hiện nay

Không biết bao nhiêu kẻ, dù biết rõ mình bất tài, biết rõ mình không thể ngồi vào cái ghế mình đang ngồi, nhưng nhất định cứ phải bám đến cùng, không cần đếm xỉa đến những tổn hại mà mình có thể gây cho xã hội. Cái lý để anh ta tự cho mình được quyền lì lợm, là anh ta chỉ đang chấp hành phân công của tổ chức! Ý anh ta là, anh ta có muốn ngồi vào đó đâu, nhưng vì tổ chức phân công, với trách nhiệm là Đảng viên, anh ta phải chấp hành.

Thế là cùng một lúc anh ta đạt được hai việc: Vẫn duy trì được ghế của mình - điều anh ta coi là mục đích sống, và, quan trọng hơn, loại trước những chỉ trích, phê phán của cấp dưới và công luận. Ở vị trí ấy, trong cái vỏ bọc ngụy tạo “trời ban” cho ấy, anh ta có thể/tự cho mình quyền tha hồ làm điều sai trái mà không bị áp lực của cả cấp dưới lẫn cấp trên. Thậm chí không thiếu cán bộ vin vào cái cớ được phân công để ăn vạ tổ chức, để đòi quyền lợi và trù úm cấp dưới?

Chúng ta mắc sai lầm khá nhiều trong việc đánh giá và sử dụng cán bộ. Điều này đã được chính những nhà lãnh đạo cao cấp thừa nhận chứ chả còn là chuyện gì nhạy cảm. Một trong những lý do sâu xa của vấn nạn đó là trong khâu tuyển chọn cán bộ, chỉ căn cứ vào những lời đầu môi chót lưỡi, mà không xét đến năng lực và tư cách thực chất. Một người thiếu lòng tự trọng, thiếu liêm sỉ, thì có cần thiết phải tìm các phẩm chất và năng lực khác làm gì cho phí thời gian?

Theo tôi, thay vì phê phán ông Đoàn Ngọc Hải, kể cả biết rằng trong cách hành xử của ông ta có chút phản ứng mang tính tự ái cá nhân, thì vẫn cần biểu dương ông ấy, nên coi đó là tấm gương cho người khác. Và nhân cơ hội này, nên gấp rút xây dựng văn hóa từ chức cho cán bộ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top