Aa

“Chuyện đã rồi!”

Thứ Năm, 09/07/2020 - 07:00

Chúng ta có thể thấy vô vàn hiện tượng “chuyện đã rồi”, trong đó nhiều chuyện mắt thấy tai nghe nhưng vẫn không thể tin, vẫn là “chuyện thật như đùa”. Nhưng không hiểu bằng cách nào những “chuyện thật như đùa” ấy vẫn tồn tại...

“Chuyện đã rồi” là một cụm từ chỉ sự chưa hoàn chỉnh, đang dở dang, không được nghiên cứu thấu đáo, nhưng đã vội quyết định. Người ta có thể thấy rõ ở những quyết định kiểu này sự hời hợt, không suy nghĩ cẩn trọng, “nóng ăn”, làm ảnh hưởng trực tiếp tới cá nhân, cộng đồng mà không tính tới hậu quả bất lợi xảy ra… 

Ngày nay, ở mọi lĩnh vực đời sống, câu nói cửa miệng “Chuyện đã rồi” xuất hiện đậm đặc với một tần xuất quá mức phổ thông, đã làm nhiều người bình thường nghi ngờ về tài năng, sự hiểu biết, tính xác thực, quyết đoán, hiệu xuất công việc của một số không nhỏ công chức thuộc các cơ quan công quyền. 

Ở đây, trong quá trình hành động, những khả năng yếu kém bộc lộ, tư duy sơ sài, cũ kỹ nhưng lại được nhãn mác bởi những lập luận "sói già", diêm dúa, đôi khi rất thiên kiến và chủ quan, hòng áp đặt ý muốn của mình cho đối tượng bị thuyết phục, bất chấp sự thật hiển nhiên…

Chúng ta có thể thấy vô vàn hiện tượng “chuyện đã rồi”, trong đó nhiều chuyện mắt thấy tai nghe nhưng vẫn không thể tin, vẫn là “chuyện thật như đùa”. Nhưng không hiểu bằng cách nào những “chuyện thật như đùa” ấy vẫn tồn tại, cho dù bị dư luận phê phán. 

Ví như, ở một thị xã mới được quy hoạch để lên thành phố có một con đường khá đẹp, trong đồ án thiết kế nó là đường thẳng, nhưng quá trình thi công, khi chạm tới một ngôi biệt thự nhỏ, lập tức con đường bị uốn cong vòng hẳn về một bên. Hỏi tại sao, người ta bảo phải tránh ngôi nhà liên quan đến “sếp”…

Chuyện chỉ vì một ngôi nhà mà cả dân thị xã phải đi con đường cong, ai cũng biết là thậm vô lý, nhưng “chuyện đã rồi”, còn biết làm thế nào. Đường đã làm xong, mươi năm nữa có kinh phí, có tiền đền bù, làm lại đường, thì được chứ gì … 

Câu chuyện trên chỉ là một trong những “chuyện thường ngày ở huyện”. Còn nhiều “chuyện đã rồi” khác có liên quan tới đại cuộc, liên lụy tới rất nhiều người, vẫn bị xem thường, vẫn bị đặt vào “chuyện đã rồi” để cho qua. Thành ra sự thể diễn ra nhập nhằng, bùng nhùng không lối thoát. Kết quả là cái tinh hoa cao sáng bị khuất lấp, cái nhờ nhờ kém yếu bày ra. Cứ thế chuyện nọ xọ chuyện kia, kéo nhau về tầm mức thấp. Khi sự việc được công khai, mọi người đều biết thì đã muộn. Rút ra bài học thiệt hại thì đã thành tai họa…

Một công trình lịch sử - văn hóa có liên quan tới ký ức và tình cảm của toàn dân bị người ta ra lệnh đập đi xây mới. Mọi người, từ bậc lão đại nhân đến các nhà văn hóa hàng đầu phản đối quyết liệt, nhưng mọi chuyện đã đâu vào đấy. Nhà cũ đã đập đi, nhà mới đang làm chân móng, các bô lão có nói gì thì chuyện cũng đã rồi, giờ chỉ còn biết ngồi một chỗ nhìn lịch sử cùng thời gian bị phủ mờ, tan thành mây khói… 

Còn chuyện nhỏ hơn thì sao? Không ai có thể biết hết những “chuyện đã rồi”, nhưng cứ nhìn vào “thành tựu” của các bộ môn nghệ thuật thì ánh sáng đâu chưa thấy mà rặt một lời ta thán, bi quan. Một tuyển tập văn học cấp tỉnh, tiền đầu tư tới vài trăm triệu đồng, nhưng khi in ra nó giống một món tạp phế lù. 

Thơ không ra thơ, văn không ra văn, lại còn tràn lan sai sót, chất lượng tuyển chọn cẩu thả đến mức ấu trĩ, không thể chấp nhận. Nhưng khi có người phản ứng thì được nghe lời giải thích quen thuộc “chuyện đã rồi”, để sau làm lại, hoàn chỉnh từng bước… Để sau làm lại thì đơn giản, thì đúng quá còn gì, thế nhưng bạc triệu là tiền thuế của dân bỗng chốc ném vào trò chơi vô thưởng vô phạt thì sao?...

Rồi một bộ phim truyện, cũng là tiền ngân sách đầu tư bạc tỷ, nhưng khi hoàn thành, chiếu ở rạp chẳng mấy người xem. Dư luận phê bình cũng lại nghe người trong cuộc tặc lưỡi “chuyện đã rồi”, để rút kinh nghiệm…

Chao ôi! Cuộc đời còn biết bao “chuyện đã rồi” gây tai vạ, để lại lụy phiền, nuối tiếc? Đức Phật dạy: "Mọi khổ não bi ai đều từ vô minh mà đến". Không ai quả quyết rằng, tất thảy suy nghĩ và hành động đều khôn ngoan minh triết; những gì không biết mà sai lầm thì có thể tha thứ, nhưng chuyện sờ sờ ra đấy, mọi người đều biết, chỉ mỗi người trong cuộc bảo là “không biết” thì thật khó chấp nhận. Còn nếu biết, để mặc mọi sự kém yếu xẩy ra rồi lấy “chuyện đã rồi” biện minh chống chế cho thói chủ quan, bừa bãi, làm ẩu, làm dối thì “họa vô đơn chí” ở ngay trước mắt…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top