Aa

"Phanh nón"

Thứ Hai, 23/12/2019 - 06:30

Cô trò nhắc lại cái thời đi bộ khổ ải, cô kể lại là mỗi lần về nhà là cô lại mặc áo trắng, cầm nón để... vẫy xe. Số lần vẫy được xe đi nhờ cũng chiếm 50 phần trăm lần đi về. Nếu không vẫy được thì cứ cắm cúi đi bộ.

Bây giờ nói "phanh nón", chả ai hiểu nó là cái món gì? Nhưng đã từng, một thời nó rất hữu hiệu, rất có thế lực, rất hiệu quả...

Thời xưa ấy, trước 75 ấy, ở miền Bắc chừng... 90% di chuyển bằng... chân (đi bộ, hay được hài hước gọi là xe Căng Hải, tức hai cẳng, rất dễ nhầm với tên một loại xe đạp Trung Quốc), 10% xe đạp và... ô tô, nhưng là zin ba cầu (xe quốc doanh biển xanh và xe quân đội biển đỏ, hoàn toàn chưa có xe biển trắng). Các loại xe phổ biến hồi ấy là xe tải, của Liên Xô và Trung Quốc. Xe con có com-măng-ca, một loại nữa cũng hơi giống com-măng-ca, ghế ngồi dọc, hình như của Rumani và Trung Quốc. Xe xịn nhất của lãnh đạo cấp cao từ bộ trưởng trở lên là Lada của Liên Xô, hình như chưa có máy lạnh, mà lúc nào cần lạnh tức là... quay cửa kính xuống.

Có thời nhà tôi ngay bên quốc lộ 1, nên chứng kiến những người đi bộ dọc quốc lộ, đi hàng vài chục cây số trong ngày là bình thường. Tất nhiên đi thế, gặp xe thì vẫy đi nhờ. Vẫy xe đạp đi nhờ khá nhiều, ô tô thì thi thoảng, cứ vẫy đại thôi. Các cô gái có lợi thế nhất trong việc vẫy xe đi nhờ.

Nhưng không phải cô nào cũng được... duyệt ngay. Thường là các cô áo trắng, quần phíp hoặc lụa sa tanh, vẫy phát ăn ngay. Loại ăn mặc như thế này chắc chắn 80% là cô giáo, không thì cũng cán bộ công nhân viên. Tất nhiên là cô nào cũng đội nón. Nhìn cái nón cũng biết hoàn cảnh. Nhà "có điều kiện" thì nón mới, trắng, thậm chí còn được quang dầu (rồi lấy vải dù màu che lại tránh máy bay). Và cái nón ấy đội che nắng, lúc nào có xe thì dùng để... vẫy xe, gọi là "phanh nón".

Nhiều cô đi với mẹ hoặc chồng, con... thì giấu họ vào... gốc cây rồi mình mình vẫy xe (ô tô). Xe dừng lại thì mới... lí nhí tiết lộ, có bu (chồng, con...) nữa, phần lớn là các xe... vù đi. Hồi ấy có cả câu ca bày cách xin đi nhờ, tôi nhớ láng máng câu cuối: "Mình em thôi/ lên xe/ cả bu em nữa/ xuống xe"...

Cũng có nhiều vụ "bố láo" xảy ra khi trên xe, tức là lái xe sàm sỡ khách đi nhờ nhưng thời ấy chưa có báo chí, đặc biệt báo mạng nhanh nhạy như bây giờ, nên ít người biết, chỉ vụ nào thật to mới biết, còn chủ yếu là... cắn răng mà chịu. Gần đây rồi mà cũng thi thoảng xảy ra vài vụ lái xe sàm sỡ, thậm chí hiếp dâm nữ đi nhờ, mà năm nào đó, hai cô sinh viên Bách khoa Đà Nẵng vẫy xe tải đi nhờ từ Đà Nẵng về quê Thanh Hóa ăn Tết là ví dụ... Hai chị em xin đi nhờ, đến đoạn vắng, hai tài xế đẩy cô chị xuống đường, giữ cô em lại thay nhau hiếp dâm, chị nhờ dân chở đi báo công an, đến Quảng Bình thì công an chặn được xe. Tất nhiên, hai thằng này tù rục xương...

Giờ chả còn nón mà phanh, các cô đầu trần, hoặc mũ, và che kín hết, chả phân biệt đâu sa tanh, đâu phíp, đâu quần đùi, đâu váy... và cũng chả ai cần phải đi nhờ xe.

Giờ chả còn "phanh nón" với vẫy xe. Họa chăng là có bà cụ xin đi nhờ thôi...

Thì tôi hay có những cuộc lái xe đi một mình, hàng bốn năm trăm cây số, trước khi đi thấy buồn buồn, muốn có bạn đường cho đỡ buồn, bèn lên phây thông báo rằng giờ ấy ngày ấy, có xe đi một mình, ai cùng tuyến đường trùng thời gian thì mời đi cùng, chủ xe bao toàn bộ. Thế mà gần chục chuyến chả có ai hưởng ứng. Và chạy trên đường, thấy số một mình một xe khá nhiều.

Lại nhớ cái thời xe biển xanh quý như... thủ trưởng, các bác tài là thủ trưởng thứ hai trong cơ quan, còn lên xe là thủ trưởng thứ nhất. Bác tài ho thủ trưởng phải ho theo, cười thủ trưởng phải cười theo, cáu thủ trưởng phải cáu theo, thậm chí chửi tục thủ trưởng phải chửi theo. Thủ trưởng ngồi bên có nhiệm vụ thức nói chuyện với lái xe, châm thuốc cho lái xe hút... Hồi ấy, cơ quan có hai ông to nhất, là lái xe và đánh máy (chữ), ai gặp cũng phải cười cầu tài...

Rồi sau này, mươi năm nay, xe ô tô cá nhân ào ạt xuất hiện, mấy bác xe biển xanh giảm oai, mấy anh tài trở về đúng thân phận, mà mấy ông ngồi trên ấy cũng bớt oai đi. Gì chứ anh tự lái vẫn oai hơn ngồi trên cái xe người khác lái chứ, trừ mấy bác to quá không được tự lái hoặc không biết lái. Cũng như đánh máy vậy. Khi chuyển đời từ máy chữ sang cái computer thì cái computer ấy được ở riêng phòng lạnh, ra vào phải bỏ dép rón rén không sợ... virus theo vào... tiến lên ai cũng có laptop, iPad, smartphone... thì cái máy tính chỉ chuyên dùng đánh máy ấy đành... thủ phận, "em trở về đúng nghĩa trái tim em"...

Thế rồi phong trào "đi chung" ra đời. Là nó dành cho những người có xe ô tô nhưng rảnh rỗi, đi một mình, thông báo ai đi cùng thì share kinh phí. Nó xuất hiện ở nước ngoài rồi lan về Việt Nam. Có lần tôi gọi Uber, gặp đúng một cô gái rất xinh, bảo em làm ở lãnh sự quán Mỹ, lúc chạy trên đường thì... mần tài xế Uber. Sau, loại hình Grab xuất hiện, thì nó lại không còn là hình thức chở khách nghiệp dư nữa, mà đa phần là chuyên nghiệp, tức mua xe để chạy. Có nhà, cả hai vợ chồng chạy, vợ chạy ban ngày, chồng chạy ban đêm...

Là hôm rồi về Thanh, gặp một cô giáo cũ. Cô này hồi ấy dạy cách trường 40 cây số, không có xe đạp, cuối tuần toàn đi bộ về nhà. Cô trò ngồi nhắc lại cái thời đi bộ khổ ải ấy, cô kể lại là mỗi lần về nhà là cô lại mặc áo trắng, cầm nón để... vẫy xe. Số lần vẫy được xe đi nhờ cũng chiếm 50 phần trăm lần đi về. Nếu không vẫy được thì cứ cắm cúi đi bộ. Và, không chỉ vẫy ô tô, mà vẫy cả xe đạp, thậm chí xe... trâu. Xe trâu đi chậm, rất chậm nhưng đỡ mỏi chân, và nó cũng không chậm hơn người đi bộ là bao. Tất nhiên là không được đi một mạch, mà cứ được đoạn nào hay đoạn ấy rồi vẫy tiếp. 

Hỏi cô hồi ấy có bị sàm sỡ không, cô cười, cô đi đoạn ngắn, và ban ngày nữa, cũng có vài chú cợt nhả chứ sàm sỡ thì không. Và chuyện này mới hay, trong một lần dùng "phanh nón" vẫy xe đi nhờ như thế, cô gặp chú là chồng cô bây giờ. Chú là bộ đội, có cái xe đạp Thống Nhất nam. Lần ấy cô vẫy, rồi đến nhà, mời chú vào uống nước, luộc khoai đãi nữa. Lần sau, không mời chú cũng vẫn vào, và rồi bây giờ con đàn cháu đống.

Ơ thì "phanh nón" cũng tác dụng phết, phỏng ạ?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top