Aa

Chuyện nào xót hơn?

Thứ Năm, 10/05/2018 - 06:01

Ai cũng chăm sóc cậu bé nên bát của nó đầy nem, thịt. Bà ăn ít, chỉ đốc thúc cháu ăn. Thằng bé cố gắng nhưng rồi ai cũng thấy là nó không thể nào ăn được. Bà nó rất giận dữ. Cuối cùng nó khóc, nước mắt rơi xuống bát thịt đầy.

1- Lần đầu tiên chúng tôi lên Suối Giàng, khi vào bếp của học sinh nội trú, chỉ có một nồi cơm rất lớn đang sôi. Vài mớ rau đã héo úa để nấu canh. Không có gì khác. Đó là bữa trưa của các em tiểu học. Tại sân trường cấp hai Suối Giàng có một bể xây chứa nước. Thày giáo bảo: Chúng nó xới cơm, cầm bát cơm ra đây mở vòi nước hứng vào cơm, rồi ăn như cơm trộn canh. Sợ chúng nó đau bụng, tôi ngăn cấm mãi, bây giờ học sinh mới thôi. Lúc đó ở các trường trên đây chưa có chế độ hỗ trợ tiền ăn của Nhà nước.

Không thể kể hết bao nhiêu lần chúng tôi đã nhìn các suất ăn bọn trẻ vùng cao mang theo đến lớp. Thường là cơm nguội ngắt trong cái túi nilon. Học sinh đút trong gầm bàn hay treo lủng lẳng ở cửa sổ. Lẫn trong cơm là riềng hay gừng kho. Có đứa có măng. Sang trọng hơn thì mấy con cá khô bé như đầu đũa và đã mủn.

2- Mỗi năm chúng tôi hai lần làm tiệc cho các em học sinh, mỗi lần ở một nơi nào đó trên núi. Vào Trung Thu và dịp Tất niên sớm. Mang nhiều đồ ăn sơ chế lên từ Hà Nội. Rồi chế biến thành gần ngàn suất ăn.

Với khát vọng nho nhỏ là ngắm chúng nó ăn một bữa ngon. Dù chỉ là một bữa.

Để phục vụ số học sinh như thế ăn cùng lúc tất cả mọi người phải xông vào bưng bê. Chưa kể còn phải giúp bọn nhỏ nhất ăn. Nhiều đứa trẻ Mầm Non cứ nhìn cái đùi gà rán bột và không biết là ăn như thế nào.

Lần đó, lúc bận rộn nhất, thiếu người chuyển đồ ăn cho trẻ, nhưng một tình nguyện viên – là một nữ giáo viên một trường Hà Nội – cứ bỏ việc ra góc khuất ngoài đứng một lúc rồi lại quay vào. Tôi thấy lạ nhưng rồi cũng không để ý nữa.

Trên đường về, cô giáo nói: "Không hiểu sao, em nhìn thấy chúng nó ăn cơm với măng thì thấy thương một, mà thấy chúng nó ăn có đồ ngon thì lại thấy thương gấp hai. Có lúc chỉ chực khóc".

3- Trong một tiệc Tất niên như thế ở Suối Quyền (Văn Chấn – Yên Bái), chúng tôi đã phục vụ xong cho số khá đông học sinh. Khi học sinh về hết, tình nguyện viên và các thày cô mới bắt đầu ăn.

Từ mé đồi có một người phụ nữ có tuổi mặc bộ đồ dân tộc cũ cầm tay một đứa bé dắt lên. Bà nói rằng nó là đứa cháu, đi vào rừng chơi nên chưa được dự tiệc cùng bạn bè. Mọi người rối rít mời hai bà cháu ngồi ăn. Ai cũng chăm sóc cậu bé nên bát của nó đầy nem, thịt. Bà ăn ít, chỉ đốc thúc cháu ăn. Thằng bé cố gắng nhưng rồi ai cũng thấy là nó không thể nào ăn được. Bà nó rất giận dữ. Cuối cùng nó khóc, nước mắt rơi xuống bát thịt đầy.

Một cô giáo thay bát, lấy cho nó xôi. Khi đó nó ăn bình thường. Nhưng nhìn bà sợ sệt.

Các thày cô nói với chúng tôi: Trên đây nhiều em bé cả năm không có dịp được ăn thịt. Và không hiếm bé, như cậu bé này, bây giờ không biết ăn thịt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top