Cuối năm 2011, nhóm "Cơm Có Thịt" quây quần trên đỉnh đèo Ô Quy Hồ. Cái lán duy nhất. Người duy nhất bán quán là một phụ nữ trẻ, nhà dưới chân đèo phía Sapa. Có một góc che kín là nơi ngủ đêm của chủ quán. Không hình dung được đêm đông ở nơi gần trời xa đất cực kỳ heo hút này, một cô gái dám ngủ lại đêm này qua đêm khác một mình. Cô nói là luôn để bên mình một con dao quắm sắc để đỡ sợ.
Thời gian trôi qua. Bây giờ ở vạt đất này có tới 8 cái lều quán. Một cụm dân cư nhỏ đã hình thành. Phải hỏi mãi mới tìm được cái quán cũ, cô chủ quán đã không còn trẻ lắm nữa. Cái quán này giúp cô nuôi lớn hai đứa con, bởi dưới kia, nhà cô chỉ có dàn su su là nguồn sống. Cô hỏi xin những ảnh chúng tôi đã chụp ngày đó (Cô nói:"Giờ vẫn chưa hết sợ"). Ảnh đã tìm được, lần sau đi qua chúng tôi sẽ đem lên.
Dọc những đường đèo Tây Bắc, mưu sinh khiến nhộn nhịp dần lên. Trên đèo Đá Trắng sang Mai Châu, trước chỉ có dãy quán trên đỉnh đèo gió lộng. Tối xuống người bán về hết. Có lần chúng tôi nghỉ ngả lưng trên các chõng tre của quán vắng không người vào lúc gần nửa đêm. Bây giờ điện đã sáng, dãy quán mở suốt đêm khuya. Và đã mọc lên những dãy quán khác ở bất kỳ chỗ nào còn có vạt đất bằng bên vực sâu.
Thời gian trôi đi. Những người phụ nữ bán quán già đi vì vất vả. Những đứa trẻ có ăn có mặc bằng cách đó. Sau này có lúc nào ta nhớ lại, có ai còn biết, chuỗi giá trị nông sản và du lịch Tây Bắc đã đi qua những năm tháng đơn sơ và giá buốt này.
Khác với những quả trứng và những củ khoai nướng, bắp ngô luộc trên đèo Ô Quy Hồ hay đèo Đá Trắng, quả cam Cao Phong đang vươn đến thương hiệu quốc gia và có thể cả quốc tế nữa. Nhưng cái ta nhìn thấy giờ đây là cuộc mưu sinh ngày càng náo nhiệt thêm mà cũng cực nhọc hơn. Giờ đây suốt đêm khuya, không chỉ ở phố huyện Cao Phong, mà xa ra ngoại vi, đến sát chân đèo, sáng ánh đèn những lán bán cam đêm. Người bán kê giường ngủ ngay ngoài trời kể cả khi nhiệt độ xuống còn vài độ. Họ đón những chuyến xe đêm. Người mua dừng xe, đập vào màn gọi người bán dậy. Những người phụ nữ chui ra từ đống chăn kín mít, co ro nhặt cam đóng vào hộp giấy cho khách mua. Cứ thế, suốt đêm. Cứ thế, suốt vụ cam đông.
Thời gian trôi đi. Những người phụ nữ bán quán già đi vì vất vả. Những đứa trẻ có ăn có mặc bằng cách đó. Sau này có lúc nào ta nhớ lại, có ai còn biết, chuỗi giá trị nông sản và du lịch Tây Bắc đã đi qua những năm tháng đơn sơ và giá buốt này.
Thật tiếc, nếu bạn chưa lần nào đi, để cảm nhận hết cái ấm của lán quán Tây Bắc trong giá rét mùa đông. Để cảm nhận hết sự cần mẫn vén vun cho cuộc sống trong cái chênh vênh của cuộc mưu sinh.